THỨ NĂM, NGÀY 24 THÁNG 10 NĂM 2024 05:48

Ngành du lịch “sức cùng, lực kiệt” vì Covid -19

Lao động ngành du lịch xoay xở mọi nghề đề mưu sinh

Nhà ở Biên Hòa, Đồng Nai, hai vợ chồng Phương Oanh cùng làm việc cho một công ty du lịch tại Phú Quốc. Nguồn thu nhập từ công việc đi tour của chồng và công việc makerting của vợ cũng đủ cho vợ chồng Oanh có cuộc sống tốt tại Đảo Ngọc. Nhưng rồi dịch Covid -19 xảy ra khiến cho thu nhập của hai vợ chồng giảm sút nghiêm trọng. Vì là người có thời gian gắn bó với công ty lâu năm nên vợ chồng Oanh vẫn được giữ lại công ty làm việc nhưng do lượng khách ít nên hai vợ chồng chỉ được công ty hỗ trợ lương cơ bản ngoài ra không có một khoản gì khác. Đến năm 2021, khi Phú Quốc bắt đầu bước vào đợt cao điểm của du lịch khi lượng khách đặt phòng, tour tăng mạnh thì dịch Covid -19 lần thứ 4 bùng phát khiến công ty nơi Oanh làm việc buộc phải cắt giảm cả những nhân sự như vợ chồng Oanh.

"Không có việc làm nên vợ chồng em phải về Biên Hòa kiếm việc làm khác. Nhưng trong bối cảnh dịch dã này kiếm việc ở đâu cũng khó khăn em đành phải chuyển sang bán đồ thực phẩm online. Em cũng mong mọi người sớm được tiêm phòng vaccine Covid 19 để cuộc sống trở về trạng thái bình thường như trước kia" – Oanh chia sẻ.

Ngành du lịch “sức cùng, lực kiệt” vì covid -19 - Ảnh 1.

Phố cổ Hội An vắng lặng, đìu hiu vì dịch Covid 19.

Là một hướng dẫn viên du lịch làm việc theo hợp đồng và lĩnh lương theo thù lao, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, thời điểm đầu hè thường là lúc Hoàng Văn Bảo tất bật với các đoàn khách đi tour, thế nhưng hiện nay trở thành thất nghiệp. Không có khách, Bảo gặp rất nhiều khó khăn và đang phải tìm kiếm những công việc khác để trang trải cuộc sống thường ngày, cũng như chờ đợi ngành du lịch phục hồi: " Từ năm ngoái đến nay em phải chuyển sang nghề Shiper đưa đồ ăn. Công việc này cũng cho em nguồn thu tốt trong bối cảnh đại dịch, nhưng em lại không được làm công việc mình yêu thích. Em hy vọng rằng dịch Covid-19 sẽ nhanh hết, để em có thể tìm lại được với đam mê của mình".

Còn Quang Anh một hướng dẫn viên có kinh nghiệm 6 năm chuyên dẫn thị trường khách Hàn Quốc, sau đó trở thành chuyên viên viết content giới thiệu điểm đến cho phòng truyền thông của một doanh nghiệp du lịch lớn nhất nhì Việt Nam đã phải nghỉ việc gần một năm nay khi dịch Covid 19 xảy ra. Nhất quyết không chịu tìm việc khác vì "mình học ngành du lịch, ra làm du lịch thời gian gần bằng nửa cuộc đời rồi, giờ không đành lòng bỏ nó". Yêu nghề là thế nhưng vì cơm áo gạo tiền, Quang Anh không thể tiếp tục ngồi không chờ đợi thêm.

"Lúc đầu mình cũng tính tìm việc gì tạm thôi, khi nào an toàn, công ty cũ gọi là quay về ngay. Nhưng, liên tiếp các đợt dịch Covid 19 bùng phát khiến Công ty gặp nhiều khó khăn. Công ty đã phải đóng của hành loạt chi nhánh ở các địa phương vì vậy mình đành phải tìm một công việc mới. May mắn mình đã tìm được việc làm tại một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây. Mặc dù không đúng với đam mê sở thích nhưng công việc mới đã cho mình nguồn thu nhập ổn định trong bối cảnh dịch phức tạp nên mình rất vui".

Theo Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), cả nước có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể lực lượng lao động ở những mảng công việc có liên quan. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên xu hướng nghỉ việc tăng cao. Qua một khảo sát mới đây của TAB, 18% doanh nghiệp đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho 50 - 80% nhân viên nghỉ việc và 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số người lao động bị mất việc.

Ngành du lịch “sức cùng, lực kiệt” vì covid -19 - Ảnh 2.

Nhiều lao động trong ngành du lịch phải chuyển sang làm Shiper để kiếm sống.

Thay đổi để thích nghi

Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) cho biết, liên quan đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngày 15/3/2021 vừa qua Tổng cục đã tham mưu Lãnh đạo Bộ VHTTDL ký văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình cấp có thẩm quyền về các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành du lịch.

Theo đó, Tổng cục Du lịch các đề xuất tập trung vào các gói hỗ trợ về tài khóa, tài chính và an sinh xã hội. Trong đó đề xuất giảm 80% tiền ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành; điều chỉnh giá điện áp dụng cho doanh nghiệp kinh doanh lưu trú về bằng giá điện sản xuất; giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5%. Bên cạnh đó, đề xuất kéo dài thời gian hoặc tạm dừng đóng các khoản phí chưa cần thiết; kéo dài thời gian áp dụng chính sách giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp du lịch đến hết năm 2021. Ngoài ra, văn bản cũng đề xuất các bộ ngành liên quan xem xét về loại hình bảo hiểm mới là bảo hiểm du lịch, nhằm giúp khách du lịch khi tham gia chương trình tour sẽ tin tưởng hơn, cảm thấy an toàn hơn, từ đó góp phần thúc đẩy nhu cầu du lịch. Cùng với đó, đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh các sân golf. Du lịch golf cũng sẽ là loại hình được Tổng cục Du lịch xem xét, tính toán đưa vào đề xuất kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép. Tổng cục Du lịch cũng đang tham mưu Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL về kế hoạch làm việc với một số địa phương trọng điểm, Hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch để bàn giải pháp phục hồi trong tình hình mới.

Ngành du lịch “sức cùng, lực kiệt” vì covid -19 - Ảnh 3.

Các cửa hàng ở phố cổ Hà Nội cũng trong tình trạng cửa đóng, then cài.

Trước đó, Bộ VH-TT&DL cũng đã có văn bản số 1399/BVHTTDL-TCDL gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất bổ sung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), người lao động mất việc làm trong cơ sở lưu trú du lịch, với việc đề nghị đưa các đối tượng này vào diện được hỗ trợ trong gói 62 nghìn tỷ đồng trong Nghị quyết 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đề nghị cho phép doanh nghiệp du lịch và người lao động chậm nộp bảo hiểm xã hội năm 2019, năm 2020 đến hết tháng 6-2021; đồng thời điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 như: Giảm yêu cầu thời gian làm việc tối thiểu để nhận quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng xuống còn ba tháng trong 24 tháng qua, miễn các khoản đóng góp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng tăng tỷ lệ thay thế từ 60% đến 80%.

Liên quan đến hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, Tổng cục Du lịch đang có kế hoạch triển khai dự án Trung tâm điều hành du lịch thông minh. Để triển khai dự án này rất cần có sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp và khách du lịch để hình thành nền tảng số tích hợp các cơ sở dữ liệu, chia sẻ các tiện ích với các bên. Ngày 20/01/2021 vừa qua, Tổng cục Du lịch đã cùng với Mobifone và tỉnh Hà Giang ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch Hà Giang thông qua chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh. Sắp tới Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục hỗ trợ Quảng Ninh, Ninh Bình, Nghệ An trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cũng đang hợp tác với tập đoàn Google để tăng cường quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng trực tuyến, đặc biệt là giới thiệu các giá trị văn hóa và nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam ra thế giới. Thông qua nền tảng trực tuyến của Google, các hình ảnh đẹp của các điểm đến của Việt Nam sẽ đến được với đông đảo bạn bè quốc tế. Ngày 16/3/2021 vừa qua, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định bổ nhiệm nhân sự của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, gồm có Chủ tịch Quỹ, Giám đốc Quỹ và Kiểm soát viên. Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được thành lập theo Quyết định số 49/2018/QĐ-TTg ngày 12/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay các thủ tục đang được hoàn tất để Quỹ có thể sớm đi vào hoạt động, có thêm nguồn lực cho công tác xúc tiến quảng bá và các hoạt động phục hồi ngành du lịch.

Ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết thêm, trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm 2021, ngành du lịch Việt Nam đã xác định tập trung tăng cường liên kết, phối hợp liên ngành, kết nối doanh nghiệp và địa phương triển khai mạnh mẽ chương trình kích cầu du lịch nội địa. Đẩy mạnh công tác truyền thông, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền xúc tiến du lịch nội địa.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch. Tăng cường xúc tiến thị trường du lịch trong nước và duy trì quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài, hướng tới các thị trường mục tiêu. Chú trọng đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ khách du lịch khi du lịch trở lại hoạt động bình thường.

"Tổng cục Du lịch luôn sẵn sàng đồng hành với các địa phương trong phát triển du lịch, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Chúng ta tích cực cùng chuẩn bị để chào đón khách quốc tế trở lại Việt Nam khi các điều kiện cho phép trong thời gian sớm nhất" - ông Ngô Hoài Chung cho biết.

Theo Sở Du lịch Tp.HCM, chỉ có khoảng hơn một nửa số doanh nghiệp lữ hành là còn đang hoạt động cầm chừng tại Tp.HCM sau 5 tháng đầu năm 2021. Cụ thể, toàn thành phố có 1.049 doanh nghiệp lữ hành, trong đó 567 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm 52%), 105 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (chiếm 9,6%), 392 doanh nghiệp không hoạt động (chiếm 35,9%), 27 doanh nghiệp thay đổi trụ sở đi nơi khác (chiếm 2,5%).

Còn tại Hà Nội, tính đến hết tháng 2/2021, số lượng doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động trên địa bàn Hà Nội ước khoảng 95%. Đã có 267/1.191 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép và dừng hoạt động; 11/103 doanh nghiệp lữ hành nội địa rút giấy phép kinh doanh. Số lao động nghỉ việc chiếm khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp đại lý lữ hành, tương đương 12.168 người chấm dứt hợp đồng lao động.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh