THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 01:12

Ngành chè đang gặp khó

Bị ép giá vì không có thương hiệu

Mặc dù đứng thứ 5 thế giới về kim ngạch xuất khẩu (XK), sau Kê-ni-a, Xri Lan-ca, Trung Quốc, Ấn Ðộ), nhưng giá chè XK của ta lại chỉ bằng một nửa so với giá chè bình quân trên thế giới. Thương hiệu chè Việt Nam không được đánh giá cao, một phần do những hạn chế trong phương thức canh tác, ý thức sản xuất sạch của người trồng chè... Mới đây, chè Việt Nam bị phía Đài Loan trả lại do kém chất lượng là lời nhắc nhở  doanh nghiệp Việt cần kiểm định chặt chẽ chất lượng sản phẩm, nếu không muốn bị mất lòng tin và mất dần các thị trường trọng điểm. 

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), diện tích chè của cả nước hiện vào khoảng 130.000 ha, tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động của 35 tỉnh, thành trong cả nước. Với hơn 400 nhà máy chế biến chè đang hoạt động, số nguyên liệu cần sẽ phải nhiều gấp đôi sản lượng hiện có. Khi cầu lớn hơn cung, tại nhiều vùng nguyên liệu, người dân không tuân thủ việc hái chè theo tiêu chuẩn quy định, mà cắt dài cả cành lá già.
Người nông dân chỉ biết sản xuất theo phong trào, thậm chí bị tư thương lợi dụng làm "chè bẩn" để XK tiểu ngạch, ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín của chè Việt Nam.Ngành chè đang gặp khó

Năng suất lao động thấp, diện tích sản xuất manh mún khiến thu nhập của nông dân trồng chè chưa đảm bảo được cuộc sống nên khó có cơ hội đầu tư vào cây chè. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp khá thiếu lao động lành nghề.

Chủ tịch Vitas Nguyễn Hữu Tài cho rằng: “Ðiều này có thể dễ dàng nhận thấy tại Thái Nguyên - một trong những vùng chè trọng điểm: Toàn tỉnh có gần 21.000 ha chè nhưng bị "xé lẻ" cho 91.000 hộ nông dân. Quá trình sao chè của các hộ gia đình đa phần thủ công, bằng máy sao chè tôn quay đun củi đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng, kéo theo giá thành thấp và bấp bênh. Trung bình, 1 kg chè búp thành phẩm được bán từ 150 – 250.000 đồng- một mức giá khá thấp”. 

Thực trạng sản xuất manh mún, lạc hậu làm mất giá trị của sản phẩm chè ngay trên "vựa chè" cả nước là một nghịch lý buồn. Trong khi người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về kỹ thuật và nguồn vốn đầu tư công nghệ hiện đại, sự can thiệp của các ngành chức năng chỉ được thực hiện nửa vời.

Chè xuất khẩu liên tục bị trả lại

Năm 2014, sản lượng XK chè của nước ta đạt hơn 130.000 tấn, với kim ngạch hơn 230 triệu USD. Ðây là một con số khá khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế của ngành chè Việt Nam. Ba thị trường XK chè chính của Việt Nam là Pakistan, Đài Loan và Nga, trong đó XK chè sang Đài Loan chiếm 10% tổng trị giá XK chè trong 2 tháng đầu năm 2015.

Thế nhưng vừa qua, hơn chục container chè XK từ Việt Nam sang một số nước EU cũng như Đài Loan bị trả lại, đang khiến các cơ quan chức năng đau đầu. Nguyên nhân chính là do lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong chè thành phẩm vượt ngưỡng cho phép.

Ông Lê Đình Tuyển, Giám đốc Cty TNHH chè Trường Thịnh, cho biết: “Chè đen Việt Nam hai năm nay khó XK. Lý do là chè Kenya và một số nước ở châu Phi được mùa, hạ giá, tràn sang thị trường chè vùng Đông và Nam Á nên chiếm lĩnh mất thị trường chè truyền thống của Việt Nam.

Mặt khác, chè Việt Nam ngày càng không kiểm soát được chất lượng nên khó cạnh tranh với một số sản phẩm chè của nước khác, trong đó có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật bị phát hiện”.

Cũng theo ông Tuyển, chè XK bị các nước trả lại, ngành chè lại tiếp tục đối mặt với khó khăn khi ngay chính các container hàng này về đến cảng, vẫn bị hải quan áp thuế với mức thuế nhập khẩu 40% đối với hàng nông sản từ các nước không có quan hệ thương mại với nước ta bằng các hiệp định thương mại tự do.

Như vậy, vô hình chung, mặt hàng chè của Việt Nam mang đi XK mà bị trả lại phải chịu 2 lần thuế. Hải quan áp thuế vì cho rằng đó là nông sản được nhập khẩu về Việt Nam, chứ không phải chè bị trả lại”.

Vụ Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) khuyến nghị các doanh nghiệp XK chè nắm tình hình, chủ động, khẩn trương có biện pháp kiểm tra, quản lý chặt chẽ chất lượng các sản phẩm XK, nhằm đảm bảo phù hợp tiêu chuẩn của Đài Loan và đối tác nhập khẩu, tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động XK chè và uy tín của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

“Gậy ông đập lưng ông”

Theo phân tích của các chuyên gia, giữa lúc người trồng chè, ngành chức năng "đánh vật" với bài toán nâng cao giá trị thì các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và XK chè lại cạnh tranh thiếu lành mạnh, khiến ngành chè thêm rối loạn. Hệ quả là, giá chè Việt Nam rơi vào vùng trũng, ở mức thấp nhất thế giới.

“Ðể gỡ khó, doanh nghiệp XK lại quay lưng với người trồng chè, không mua hoặc mua nguyên liệu với giá rẻ khiến nông dân thiệt đơn thiệt kép, lợi nhuận thấp, thậm chí lỗ vốn sau từng vụ chè, không còn khả năng tái đầu tư. Vòng luẩn quẩn ấy lộ rõ từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để” - ông Nguyễn Hữu Tài cho biết.

Từ thực tế trên, đại diện Vitas cho rằng, trong thời gian tới, thách thức mà ngành chè phải đối mặt là không nhỏ. Thị trường ngày càng đòi hỏi chất lượng cao và phải có các chứng chỉ quốc tế về bảo vệ môi trường và bảo vệ người sản xuất...

Trình độ canh tác, chế biến của các nước đang ngày càng vượt xa hơn Việt Nam, đặc biệt là các nước châu Phi nơi chi phí lao động còn khá rẻ. Như vậy, ngành chè Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều nước có trồng và chế biến chè trên thế giới.

Nguyễn Thanh

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh