Ngành chế biến nông, thủy sản đang sử dụng 1,6 triệu lao động
- Bài thuốc hay
- 14:45 - 26/09/2019
Bà Lê Thị Bích Thu, chuyên gia của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tốc độ tăng trưởng giá trị ngành công nghiệp chế biến nông sản thời gian qua tăng từ 5 - 7%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 8 - 10%/năm và đạt mức kỷ lục là hơn 40 tỷ USD trong năm 2018.
Hiện, cả nước có 7.500 cơ sở chế biến hàng nông sản xuất khẩu cùng hàng vạn cơ sở nhỏ lẻ, quy mô gia đình, hợp tác xã. Sự phát triển của công nghiệp chế biến nông sản đã góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ nền nông nghiệp tự cung tự cấp tiến lên nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn. Đồng thời, sử dụng 1,6 triệu lao động, mang lại mức thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, nhiều ngành hàng đã hội nhập, tiếp cận được thị trường xuất khẩu của 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Song, thực tế cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là tình trạng lạc hậu của trang thiết bị chuyên dùng, vì chủ yếu là thiết bị cũ hoặc chỉ đạt cấp độ trung bình của khu vực. Tỷ lệ và tần suất được nâng cấp về công nghệ cũng chỉ bằng 30 - 50% so với yêu cầu hoặc so với mức độ của các nước khác. Trong khi đó, hoạt động chế biến thủy sản tuy có bước tăng trưởng mạnh, thị trường tiêu thụ rộng lớn nhưng cũng đối diện một số thách thức, bất lợi gồm: Chất lượng không đồng đều, chưa bảo đảm yêu cầu an toàn thực phẩm và tiêu chí vệ sinh theo yêu cầu của nhà nhập khẩu...
Ngoài ra, tình trạng manh mún, thiếu vốn, hạn chế về trình độ quản trị doanh nghiệp và tính liên kết lỏng lẻo vẫn là những yếu tố bất cập, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành này. Nhìn chung, giá trị gia tăng của ngành chế biến còn thấp, chậm được cải thiện. Ngoài ra, Việt Nam còn là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất về biến đổi khí hậu, gây khó khăn cho mục tiêu tăng trưởng bền vững nói chung...
Ông Vũ Huy Phúc, đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cũng cho rằng, hiện nay, khâu chế biến mới chỉ sử dụng 5 - 10% sản lượng nông sản xuất khẩu. Đặc biệt, đầu tư cho công nghiệp chế biến chưa tương xứng với tốc độ phát triển của ngành Nông nghiệp. Hệ số đổi mới thiết bị trong những năm qua mới chỉ ở mức 7%/năm (bằng 1/2 đến 1/3 mức tối thiểu của các nước khác). Trình độ công nghệ chế biến nhiều mặt hàng nông sản chiếm trên 90% là ở mức độ trung bình và lạc hậu.
Bên cạnh đó, việc tận dụng các phế phụ phẩm để sản xuất các sản phẩm phụ rất hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng. "Trong sản xuất lúa gạo, với sản lượng trên 40 triệu tấn lúa/năm, mỗi năm có khoảng 40 triệu tấn rơm, 8 triệu tấn trấu và 4 triệu tấn cám có thể tạo nên những sản phẩm giá trị gia tăng ngoài gạo như: Dầu cám, thức ăn chăn nuôi, củi trấu, phân bón, giá thể nấm... Hay trong sản xuất đường, mỗi năm dư thừa khoảng 1 triệu tấn bã mía có thể sử dụng làm nguyên liệu phát điện và 600.000 tấn mật rỉ có thể sản xuất nhiên liệu sinh học từ mật rỉ; chế biến điều mỗi năm có khoảng 400.000 tấn vỏ thô có thể sử dụng chế biến ra dầu vỏ điều…, song mới được sử dụng còn rất ít", ông Phúc nêu ví dụ.
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thực tế cho thấy, nếu không tăng tốc mạnh mẽ tỷ lệ hàng đã qua chế biến, phục vụ xuất khẩu thì đó sẽ là thiệt thòi lớn cho doanh nghiệp và nhà nông. Vấn đề đặt ra là tìm hiểu kỹ, phát hiện nguyên nhân làm ảnh hưởng đến toàn ngành là ở chính sách hay quá trình triển khai thực hiện chính sách để tìm cách tháo gỡ... " Đây là bài toán chuyên sâu, cần sự vào cuộc, phân tích của các chuyên gia cũng như với từng đơn vị quản lý hoặc nghiên cứu. Trong đó, cần bám sát yêu cầu tổng kết việc thực hiện kế hoạch về tái cơ cấu và phát triển ngành nông nghiệp của Thủ tướng trong 5 năm vừa qua, đánh giá tình hình và có giải pháp thỏa đáng", bà Nguyễn Thị Tuệ Anh nhấn mạnh.