CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:38

"Ngăn sông cấm chợ" thời tái mở cửa

 

Đơn cử như việc di chuyển giữa TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gặp rất nhiều trở ngại, nhiêu khê mà chính quyền tỉnh này đặt ra.

    Còn nếu như nghĩ tới chuyện di chuyển ra Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, dù rằng đường bay nội địa đã được mở lại từ ngày 10/10, nhưng Hà Nội lại đưa ra những quy định về việc cách ly khiến ai nghe được cũng bị... nhụt chí. Không riêng gì Hà Nội, mà nhiều địa phương khác cũng đặt ra và áp dụng những quy định nhằm hạn chế tiếp nhận người đến từ các tỉnh, thành phố vốn bị coi là "tâm dịch" ở phía Nam. Vì thế mà ngay ngày đầu tái mở cửa các đường bay quốc nội, trong số 38 chuyến bay được cấp phép thì có tới 27 chuyến bay không thể cất cánh, lý do vì địa phương nơi đến chưa "sẵn lòng" hoặc đặt ra các điều kiện quá khó cho hành khách.

    Không chỉ việc di chuyển giữa các địa phương, mà ngay với nhiều doanh nghiệp ở một số địa phương, các quy định không phù hợp, thậm chí là vô cảm của chính quyền đã và đang gây khó, khiến doanh nghiệp vô cùng chật vật mới có thể mở cửa hoạt động trở lại, nhưng không biết sẽ hoạt động được bao lâu và hiệu quả sản xuất kinh doanh sẽ ra sao?

    Ví dụ như trường hợp công nhân ở một doanh nghiệp bị lây nhiễm thì đóng cửa cả nhà máy, áp dụng những biện pháp rất cực đoan, siết chặt của địa phương. Nếu cứ làm như vậy thì doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, tổn thất rất nặng nề và vấn đề lớn hơn đó là mất doanh thu, mất việc làm, thất nghiệp, tạo gánh nặng cho an sinh xã hội và đe dọa đến phát triển kinh tế.

    TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cảnh báo: "Chính quyền cần phải hiểu rằng các giải pháp cực đoan sẽ giống như tạo ra những cú sốc phản vệ, hệ lụy tiếp theo sẽ lớn hơn rất nhiều lần so với việc phải giải quyết hiện nay là chống dịch". Thế nhưng, có vẻ như nhiều địa phương đang chạy theo "thành tích chống dịch", cố gắng bảo vệ thành tích ấy bằng mọi giá mà bỏ qua các nhiệm vụ khác cũng quan trọng không kém, nên đã tạo ra tình trạng "ngăn sông cấm chợ" với những thứ "luật lệ" riêng vừa không phù hợp với luật pháp, vừa không đúng với tinh thần chỉ đạo của Trung ương.

    Trước tình hình này, mới đây Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quan điểm: "Khái niệm "pháo đài" không phải để các địa phương biệt lập, ra các quyết định trái với quy định của Trung ương, của thành phố để ngăn sông cấm chợ, ngăn cản sự lưu thông hàng hóa, dịch vụ và dịch chuyển lao động".

    Quan điểm chỉ đạo đã rất rõ ràng như vậy, các địa phương cần nhanh chóng tiếp thu, thay đổi tư duy và phương cách thực hiện để cùng đồng lòng tạo cơ hội cho quá trình tái mở cửa được diễn ra thuận lợi. Bởi khôi phục sản xuất kinh doanh thành công chính là tạo ra nguồn lực để có thể phòng chống dịch một cách hiệu quả hơn.

KHÁNH NGUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh