THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:10

Ngân hàng Phát triển Việt Nam: Cơ quan đầu tiên của Việt Nam trở thành NIE của GCF

GCF là một trong những Quỹ tài chính khí hậu lớn nhất thế giới, được thành lập vào năm 2010 trong Khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu với mục tiêu tạo lập một quỹ trị giá 100 tỷ USD để hỗ trợ cho những hoạt động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu. GCF lần đầu kêu gọi huy động vốn vào năm 2014 và nhanh chóng huy động được 10,3 tỷ USD cam kết đóng góp bởi phần lớn các quốc gia phát triển.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam: Cơ quan đầu tiên của Việt Nam trở thành NIE của GCF - Ảnh 1.

Các tổ chức vừa được GCF kết nạp là thành viên, trong đó có NHPT

Các hình thức tài trợ được GCF xem xét rất đa dạng bao gồm cấp viện trợ không hoàn lại, cho vay vốn ưu đãi, bảo lãnh trách nhiệm trả nợ và góp vốn đầu tư thực hiện dự án. Từ khi thành lập đến nay, Hội đồng GCF đã phê duyệt 177 dự án với tổng số vốn cam kết từ nguồn vốn GCF là 8,9 tỷ USD. Số vốn GCF đã giải ngân cho các dự án là 1,9 tỷ USD.

Việc tiếp cận nguồn vốn GCF tại mỗi quốc gia được thực hiện thông qua Cơ quan Thẩm quyền Quốc gia (National Designated Authority - NDA) và các tổ chức được công nhận (Accredited Entities - AE). NDA tại mỗi quốc gia là cơ quan duy nhất được Chính phủ mỗi nước chỉ định thực hiện vai trò điều phối, giám sát nhằm đảm bảo các dự án được tài trợ và các hoạt động với GCF phù hợp với định hướng chính sách chung của mỗi quốc gia về chống biến đổi khí hậu; giới thiệu các cơ quan có đủ năng lực để trở thành NIE; rà soát các đề xuất cấp vốn của các tổ chức được công nhận trước khi trình GCF. Tại Việt Nam, Chính phủ đã lựa chọn Bộ Kế hoạch và Đầu tư là NDA theo Công văn số 4478/VPCP-HTQT, ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

AE là các tổ chức đã được GCF thẩm định năng lực và công nhận, trong đó Cơ quan Thực hiện Quốc gia (NIE) là các tổ chức trong nước được NDA đề cử với GCF trong khi đó Cơ quan Thực hiện Đa phương (MIE) là các tổ chức đa phương hoạt động ở nhiều quốc gia trên thế giới như WB, UNDP, ADB, KfW… Các AE có chức năng tìm kiếm và đề xuất cấp vốn cho các chương trình, dự án đáp ứng được các tiêu chí của GCF đồng thời được sự phê duyệt của NDA; thực hiện giám sát, quản lý nguồn vốn từ GCF; ngoài ra tùy vào hình thức tài trợ cụ thể có thể thực hiện chức năng thẩm định và quyết định điều kiện tín dụng. Tính đến nay, GCF đã công nhận 113 tổ chức trên toàn thế giới.

Việt Nam đã tiếp cận thành công GCF với 3 dự án thông qua 2 tổ chức MIE là UNDP và WB với tổng số vốn cam kết từ GCF là 146 triệu USD.

Quá trình NHPT trở thành NIE của GCF

Với bề dày kinh nghiệm trong việc cho vay đầu tư dài hạn từ nguồn vốn ưu đãi và quản lý vốn nước ngoài, NHPT là cơ quan duy nhất ở Việt Nam được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tin tưởng, lựa chọn và đề cử để đăng ký trở thành NIE đầu tiên của GCF tại Việt Nam.

Thủ tục xét duyệt của GCF

Tổ chức đăng ký làm NIE cần xây dựng bộ hồ sơ chứng minh năng lực kèm theo các tài liệu chứng minh đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của GCF về (i) khung pháp lý, cơ cấu tổ chức, kế hoạch chiến lược, khung kiểm soát, quản trị rủi ro, đấu thầu, tình hình tài chính, chuẩn mực đạo đức, phòng chống tham nhũng…; (ii) quy trình, sổ tay, hồ sơ dự án đã thực hiện để chứng minh kinh nghiệm đối với công cụ tài chính đăng ký (iii) các tiêu chuẩn về môi trường - xã hội và giới.

Bộ hồ sơ đăng ký sẽ được GCF thẩm định thông qua 2 giai đoạn: Giai đoạn I thẩm định bởi Ban thư ký GCF; Giai đoạn II: Bước 1 thẩm định bởi Hội đồng thẩm định (đơn vị độc lập), Bước 2: Hội đồng GCF đưa ra quyết định. Thời gian GCF thẩm định hồ sơ có thể lên tới 60 tháng, tùy vào mức độ cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu và năng lực giải trình của tổ chức đăng ký.

         Các dấu mốc trong quá trình NHPT trở thành NIE của GCF

         - Ngày 29/9/2015, NHPT chính thức được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cử với GCF để đăng ký trở thành NIE (Thư của Bộ KH&ĐT gửi GCF).

         - Ngày 23/1/2017, NHPT bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký trở thành NIE để GCF thẩm định giai đoạn I. Ngoài hồ sơ nộp lần đầu, NHPT phải thực hiện 3 lần giải trình và cung cấp bổ sung thông tin, tài liệu theo yêu cầu của GCF.

         - Ngày 22/2/2019, GCF thông báo kết thúc thẩm định giai đoạn I và bắt đầu chuyển sang giai đoạn II. Tại giai đoạn này, NHPT đã thực hiện 4 lần giải trình theo yêu cầu của GCF với nhiều câu hỏi đi sâu về các nội dung liên quan đến năng lực, thể chế, chính sách và kinh nghiệm quản lý.

         Tổng số văn bản, tài liệu NHPT đã cung cấp cho GCF để chứng minh năng lực trong 2 giai đoạn gồm 264 văn bản với hàng chục nghìn trang tài liệu bằng tiếng Anh. Ngoài cung cấp các tài liệu chứng minh năng lực, để đáp ứng tiêu chuẩn của GCF, NHPT đã tích cực tham gia khóa đào tạo về môi trường - xã hội của GCF và nỗ lực hoàn thiện thể chế bằng cách thành lập một số bộ phận chuyên trách và ban hành chính sách liên quan.

Kết thúc bước 01 giai đoạn II, hồ sơ đăng ký của NHPT chính thức được đệ trình lên kỳ họp Hội đồng GCF B.28 diễn ra từ ngày 16-19/3/2021, tuy nhiên do một số vấn đề mang tính kỹ thuật của nội bộ Hội đồng GCF, việc xét duyệt các tổ chức đăng ký được chuyển sang kỳ họp Hội đồng GCF B.29 diễn ra từ ngày 28/6-01/7/2021.

Đêm ngày 01/7/2021 (theo giờ Hà Nội), tại kỳ họp B.29, Hội đồng GCF đã chính thức công nhận NHPT trở thành NIE. Như vậy, với sự ủng hộ tích cực của Bộ Kế hoạch & Đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật của KfW trong quá trình xây dựng hồ sơ đăng ký cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ của NHPT trong hơn 4 năm để hoàn thiện hồ sơ nhằm đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn khắt khe của GCF, NHPT tự hào trở thành đơn vị cấp quốc gia đầu tiên tại Việt Nam được công nhận trở thành NIE của GCF. Và điều này càng có ý nghĩa đặc biệt trong quá trình tái cấu trúc của NHPT, mở ra cơ hội mới cho NHPT trong các hoạt động mang tầm quốc tế.

         NHPT là tổ chức thứ 108 trên thế giới và là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam được GCF công nhận, cùng với nhiều tổ chức lớn trên thế giới cũng là các nhà tài trợ ODA lớn như WB, ADB, AFD, KFW, JICA, UNDP… Điều này là một minh chứng cho một tổ chức tài chính Việt Nam đủ năng lực trên một sân chơi bình đẳng về tài chính khí hậu với các tổ chức tài chính quốc tế lớn.

         Đây là kênh để thu hút nguồn vốn quốc tế có điều kiện rất ưu đãi, với nhiều hỗ trợ kỹ thuật nhưng điều kiện cũng rất chặt chẽ phục vụ cho chương trình phó với biến đổi khí hậu, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 và các năm tiếp sau nữa.

         Được công nhận là NIE chỉ là bước khởi đầu, chặng đường phía trước để hoàn thành nhiệm vụ vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng với tinh thần sáng tạo, cố gắng không ngừng nghỉ, đội ngũ NHPT sẽ tiếp tục nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu đặt ra góp phần trong sự phát triển chung của đất nước.

         Trở thành NIE của GCF là cơ hội để NHPT hoàn thiện thế chế, tăng cường năng lực, mở rộng hợp tác với các tổ chức nước ngoài để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ mới ngày càng nặng nề trong giai đoạn sắp tới, xứng đáng là tổ chức tài chính của Chính phủ.

Ban Vốn nước ngoài, NHPT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh