THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:45

Ngân hàng ồ ạt tăng phí dịch vụ: Khách hàng “chóng mặt”

 

Từ 15/4/2018, Vietcombank tiến hành thu phí dịch vụ chuyển khoản đối với tài khoản trong hệ thống ngân hàng với mức phí 2.000 đồng/giao dịch dưới 50 triệu đồng. Với giao dịch trên 50 triệu đồng, khách hàng sẽ phải chịu mức phí chuyển khoản là 5.000 đồng/giao dịch. Trước đây, ngân hàng này không thu phí giao dịch chuyển khoản cùng hệ thống qua dịch vụ Mobile Bankplus.

Trước đó, ngày 1/3/2018, Vietcombank cũng đã tiến hành điều chỉnh mức phí đối với dịch vụ SMS Banking. Theo đó,phí duy trì dịch vụ này đã tăng lên từ 8.000 đồng/tháng lên 10.000 đồng/tháng. Khách hàng khi chuyển tiền trong cùng hệ thống qua dịch vụ Mobile Banking cũng bị thu phí với mức thu 2.000 đồng/giao dịch. Còn nếu chuyển tiền ngoài ngân hàng qua dịch vụ này, khách hàng sẽ phải chịu 7.000 đồng/giao dịch dưới 10 triệu đồng hoặc 0.02% tổng số tiền chuyển với giao dịch trên 10 triệu đồng.

Tương tự, từ ngày 7/5/2018, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đã tiến hành thu phí dịch vụ giao dịch qua Internet Banking theo tháng thay vì thu theo năm như trước kia. Theo đó, mỗi tháng, khách hàng sẽ mất thêm 11.000 đồng/tháng cho dịch vụ này.  Như vậy mỗi tháng, chủ thẻ ATM của Eximbank sẽ phải đóng phí SMS Banking, Internet Banking và Mobile Banking tổng cộng 33.000 đồng nếu có sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, Eximbank còn áp dụng phí SMS Banking 3.300 đồng/lần cho khách hàng gửi sổ tiết kiệm có phát sinh giao dịch trong kỳ thu phí.

 

 

Bắt đầu từ ngày 12/5 Ngân hàng Agribank tăng phí rút tiền nội mạng lên 1.600 đồng/lượt.

Còn với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), từ 12/5, khách hàng rút tiền nội mạng sẽ phải trả phí là 1.650 đồng/lượt thay vì 1.100 đồng/lượt như trước đây. Bên cạnh đó, Agribank cũng sẽ tăng phí chuyển khoản liên ngân hàng tại các ATM và trên ứng dụng E-Mobile Banking lên mức 0,05% số tiền giao dịch, tối thiểu 8.000 đồng/lần.

Ngân hàng Đông Á áp dụng phí chuyển khoản qua Internet Banking khác hệ thống và khác tỉnh là 22.000 đồng/giao dịch. VIB cũng bắt đầu thu phí nhiều dịch vụ trước đây được miễn phí.

Theo lý giải của các ngân hàng, việc tăng phí nhằm bù đắp chi phí đầu tư vào hệ thống ATM, nâng cấp các ứng dụng dịch vụ ngân hàng điện tử để gia tăng bảo mật.

Là một người làm nghề kinh doanh online, Chị Nguyễn Hoàng Lan, Nghĩa Tân, Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, trung bình mỗi thẻ ATM phải cõng tới hơn 20 loại phí trong đó 6 loại phí cơ bản gồm: phí phát hành thẻ, thường niên, rút tiền mặt, chuyển khoản, vấn tin tài khoản, in sao kê. Ngoài ra còn có một loạt các loại phí khác như: Phí dịch vụ thông báo biến động số dư qua hệ thống tin nhắn SMS; Phí cấp lại số PIN;Phí khiếu nại, phí tra soát (do lỗi của chủ thẻ); Phí trả thẻ bị nuốt tại máy ATM; Phí cung cấp bản sao hóa đơn giao dịch; Phí thanh toán hóa đơn dịch vụ (hóa đơn điện, nước,); Phí gia hạn hiệu lực thẻ; Phí nộp tiền mặt vào thẻ; Phí tất toán tài khoản thẻ; Phí rút tiền tại quầy (0,06% số tiền rút)).

“Việc các ngân hàng tăng phí dịch vụ khiến cho nhiều người kinh doanh online như tôi bị ảnh hưởng rất nhiều. Có những đơn hàng chỉ có giá khoảng 100.000 đồng nhưng tôi vẫn phải trả đủ loại phí dịch vụ như: Phí chuyển tiền trong cùng hệ thống ngân hàng, chuyển tiền liên ngân hàng, rút tiền tại ATM, tin nhắn SMS… Theo tôi, như vậy là các ngân hàng đang tận thu mà bỏ quên quyền lợi khách hàng" – Chị Lan bức xúc.

TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính, ngân hàng  cho rằng, phí ngân hàng ở Việt Nam đang quá cao. Việc tăng phí ngân hàng có mặt bất lợi là sẽ tác động tiêu cực đến chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Hơn nữa, khách quan mà nói, các ngân hàng Việt Nam đang tính phí nhiều quá, trong đó có rất nhiều khoản phí vô lý mà ngân hàng các nước, ngay cả ngân hàng ở Mỹ, cũng không áp dụng.

“Khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, thậm chí để hàng chục triệu đồng trong tài khoản với lãi suất không kỳ hạn, ngân hàng sử dụng số tiền đó để kinh doanh kiếm lời, nhưng vẫn thu nhiều loại phí như phí tra cứu thông tin tài khoản, phí duy trì tài khoản… là vô lý”, ông Hiếu nói

Theo thống kê, trong 5 năm từ 2013 đến nay, thu nhập từ hoạt động của 15 ngân hàng gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Sacombank, Techcombank, VPBank, MBBank, ACB, EximBank, HDBank, SHB, TPBank, VIB, NCB, LienVietPostBank trung bình tăng tưởng 38% mỗi năm. Trong đó, riêng năm 2017 tổng thu nhập hoạt động dịch vụ của 15 ngân hàng này đạt hơn 34.724 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2016, là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Trong đó có 9 ngân hàng đạt lãi từ dịch vụ trên 1.000 tỷ đồng, trong khi năm 2016 chỉ có 5 ngân hàng.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh