THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:27

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam: Trợ lực khách hàng và thành viên vượt khó

Trước khi NHNN ban Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do bệnh dịch Covid-19 Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo Chi nhánh rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, đánh giá tình hình tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng. Từ đó, ban hành Chương trình hành động hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn và triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng trên toàn hệ thống, trong đó tập trung cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; xem xét điều chỉnh lãi suất, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng; xem xét tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng gặp khó khăn.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam: Trợ lực khách hàng và thành viên vượt khó - Ảnh 1.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã chỉ đạo các Chi nhánh tích cực triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, sau khi Thống đốc NHNN ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, dựa trên thực tế khảo sát và thực thi chính sách, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục ban hành Quy định nội bộ về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Đồng thời các đơn vị trong toàn hệ thống Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ khách hàng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; xem xét điều chỉnh lãi suất, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng; xem xét tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng gặp khó khăn…

Để hoạt động hỗ trợ QTDND, Doanh nghiệp và người dân không bị gián đoạn, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã triển khai nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, phương án phòng chống dịch, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo các văn bản chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Thông báo 35/TB-NHNN ngày 07/02/2020, Công điện số 02/CĐ-NHNN ngày 11/3/2020. Đặc biệt, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo ứng phó dịch Covid-19 theo Quyết định số 30/QĐ-NHHT ngày 27/3/2020; xây dựng và triển khai phương án ứng phó dịch Covid-19 nhằm mục tiêu đảm bảo hoạt động kinh doanh trong toàn hệ thống được diễn ra liên tục, không để gián đoạn trong mọi tình huống. Hội đồng quản trị và Ban lãnh đạo Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thường xuyên tổ chức họp trực tuyến để nắm bắt tình hình và chỉ đạo việc triển khai nghiêm túc, quyết liệt Thông tư 01 của NHNN và Công văn số 382/CV-NHHT của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã chỉ đạo các Chi nhánh tích cực triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, ưu tiên cho vay mới đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để tạo điều kiện cho khách hàng duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp tục rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, chủ trương tiết kiệm tối đa, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tiền thân là QTDND Trung ương được thành lập ngày 05/08/1995 và năm 2013 được chuyển đổi sang thành Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam theo giấy phép số 166/GP-NHNN ngày 04/06/2013 của Thống đốc NHNN Việt Nam. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam là "Ngân hàng" của tất cả các QTDND, thành lập theo quy định của Luật các TCTD nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống các QTDND. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hiện có Trụ sở chính tại Tầng 4 – Tòa nhà N04 – Hoàng Đạo Thúy – P. Trung Hòa – Q. Cầu Giấy – Hà Nội với 32 Chi nhánh, 70 Phòng giao dịch. Hiện cả nước có gần 1.200 QTDND thành viên ở các xã, phường, là các pháp nhân độc lập trong một hệ thống liên kết, được NHNN cấp phép, quản lý và thanh tra, giám sát chặt chẽ.


Các Chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban lãnh đạo Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. Nhiều Chi nhánh đã tiến hành giảm lãi suất cho nhiều khách hàng. Đặc biệt, đối với hệ thống QTDND, các Chi nhánh đã luôn đồng hành cùng các QTDND, đặc biệt từ khi đại dịch Covid -19 bùng phát. Bên cạnh việc duy trì lãi suất cho vay đối với các QTDND thành viên thấp hơn lãi suất cho vay thương mại, các Chi nhánh thường xuyên cùng các QTDND thành viên trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình thực tế để từ đó có thể hỗ trợ kịp thời; làm cầu nối truyền tải những kiến nghị của các thành viên đến các cấp có thẩm quyền. Những trợ lực từ Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã góp phần đảm bảo an toàn hoạt động cho hệ thống, góp phần hỗ trợ người dân và Doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cũng tập trung đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống CF-eBank và qua thẻ. Đồng thời, đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp để hỗ trợ tích cực với các đối tượng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm phí thanh toán, áp dụng công nghệ để hạn chế giao dịch trực tiếp, tạo điều kiện tăng cường cấp tín dụng cho khách hàng.

Trong bối cảnh dịch Covid -19 tái phát lần 2, dù Việt Nam đã dần kiểm soát tốt, song với nền kinh tế trong nước còn khó khăn không chỉ 6 tháng cuối năm mà có thể lan sang năm 2021. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cũng đã xây dựng cho mình những kịch bản ứng phó với dịch. Quan trọng hơn là đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ, duy trì hoạt động tín dụng ngân hàng thông suốt. Đồng thời nắm bắt tình hình và diễn biến nền kinh tế đặc biệt là hệ thống QTDND và khách hàng để có những điều chỉnh chính sách và cơ cấu tín dụng dịch vụ hợp lý, hỗ trợ họ giảm thiểu chi phí hoạt động, có thêm tích lũy để ổn định sản xuất kinh doanh và cơ hội phát triển khi nền kinh tế trong nước và quốc tế phục hồi.

NGUYỄN HOÀNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh