Ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất
- Huyệt vị
- 13:42 - 09/03/2020
Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, trong đó triển khai một gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng lãi suất thấp và một gói hỗ trợ tài khóa như hoãn, giãn về tài chính ít nhất gần 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho những đối tượng bị thiệt hại do Covid-19 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại.
Theo đó, hầu hết các ngân hàng thương mại đều tích cực đăng ký tham gia chương trình này. Với các khoản cho vay mới, nhiều ngân hàng đăng ký gói giảm hoàn toàn các phí như phí thanh toán, phí chuyển tiền, có ngân hàng đăng ký giảm lãi suất từ 0,5 đến 1% với các khoản vay với hay dự nợ đang có.
Cụ thể, BIDV đăng ký hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Agribank 100 tỷ đồng, MB 35.000 tỷ đồng, ACB 15.000 tỷ đồng. Các ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank cũng đã có các biện pháp hỗ trợ ban đầu hiệu quả, đang tiến hành bổ sung các gói cụ thể.
Về lãi suất, các ngân hàng sẽ hỗ trợ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bình quân, các tổ chức tín dụng sẽ giảm 0,5 - 1%/năm lãi suất so với mặt bằng trên thị trường, nguồn vốn cho chương trình này hoàn toàn đến từ các ngân hàng chứ không cấp ngân sách.
ACB mới tung ra gói tín dụng ưu đãi quy mô 25.000 tỷ đồng từ nay đến 30/6 để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó 13.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân và 12 nghìn tỷ đồng cho khách hàng DN nhỏ và vừa (SME).
Với khách hàng là cá nhân, lãi suất tối thiểu từ 7,5%/năm cho các khoản vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và 8,5%/năm cho các khoản vay trung - dài hạn. Các khoản vay bổ sung vốn ngắn hạn có mức lãi suất vay ngắn hạn từ 6,5%/năm, vay đầu tư mua sắm/sửa chữa máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng, văn phòng… lãi suất vay trung - dài hạn từ 8,5%/năm và có thể cố định lãi suất kỳ đầu trong 24 tháng.
Tương tự, Sacombank cũng triển khai gói tín dụng 10 nghìn tỷ đồng với lãi suất giảm tới 2%/năm dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vay phục vụ sản xuất - kinh doanh. Căn cứ vào phương án kinh doanh và sử dụng nguồn vốn, khách hàng có thể vay vốn ngắn hạn với lãi suất tối thiểu 6,5%/năm đối với DN và 8,5%/năm đối với cá nhân. Eximbank dành 4.000 tỷ đồng cho DN nhỏ và vừa vay ưu đãi với lãi suất từ 6,99%/năm, đồng thời sẽ triển khai gói tín dụng khoảng 3.000 tỷ đồng lãi suất từ 5,5%/năm cho DN lớn.
Nam A Bank triển khai chương trình ưu đãi lãi vay với mức giảm lãi suất 0,5%/năm so với biểu lãi suất cho vay hiện hành đối với VND và USD. Chương trình kéo dài từ nay đến khi Chính phủ có thông báo kết thúc dịch, dành cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi đầu vào từ 0,1 - 0,4 điểm phần trăm ở một số kỳ hạn. ABBank áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ 6/3 theo xu hướng giảm lãi ở một số kỳ hạn.
Cụ thể, với những cá nhân gửi số tiền dưới một tỷ đồng, kỳ hạn 18 - 36 tháng, lãi suất sẽ giảm từ 7,9% xuống còn 7,7% một năm. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng sụt 0,2% xuống còn 7,6% một năm.
Ngoài ra, một số kỳ hạn ngắn (1 - 3 tháng) cũng được điều chỉnh từ mức trần 5% mỗi năm xuống còn 4,8% một năm. Techcombank cũng công bố biểu lãi suất mới, giảm 0,1 - 0,2 điểm phần trăm so với trước. Cụ thể, ở kỳ hạn 12 tháng tại quầy, tùy theo số tiền gửi, lãi suất giảm từ mốc 6,3 - 7% mỗi năm xuống tương ứng còn 6,1 - 6,8% một năm. LienVietPostBank, PBank, SCB, VIB đồng loạt giảm lãi suất huy động.
Theo đánh giá từ các công ty chứng khoán, lãi suất huy động đang có xu hướng giảm nhẹ do tác động từ dịch bệnh. Vì dịch bệnh, nhu cầu vay vốn sẽ sụt giảm, tín dụng hai tháng đầu năm mới tăng 0,77% trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 1,07%. Do đó, lãi suất huy động tới đây có thể tiếp tục đi xuống.
Có ngân hàng đăng ký giảm lãi suất từ 0,5 đến 1% với các khoản vay với hay dự nợ đang có. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều ngân hàng đã đồng loạt đăng ký gói tín dụng, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, DN. Trong khi đó, từ cuối tháng 2 đến nay, lãi suất tiết kiệm cũng đồng loạt giảm theo.