Ngăn chặn tình trạng hàng nhập khẩu đội lốt “Made in Vietnam”
- Huyệt vị
- 22:45 - 05/07/2019
Theo bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam, có 2 tiêu chí để xác định xuất xứ hàng hoá. Phương pháp phổ biến nhất thường dùng xác định xuất xứ hàng hoá dựa trên tiêu chí “Tỷ lệ Phần trăm giá trị”. Xuất xứ hàng hóa có phải hàng Việt Nam hay không phải được xem xét dựa trên Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8.3.2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và Thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 03.4.2018 của Bộ Công Thương Quy định về xuất xứ hàng hóa đối với "hàng hóa có xuất xứ không thuần túy". "Tỷ lệ phần trăm giá trị” không thấp từ 30% trở lên thì hàng hóa đó được coi là có xuất xứ Việt Nam.
Chủ tịch tập đoàn Asanzo Phạm Văn Tam thừa nhận, 70% linh kiện làm nên tivi "made in Viet Nam" được nhập từ Trung Quốc.
Phương pháp thứ 2 là dựa trên tiêu chí “Chuyển đổi mã số hàng hóa”, là sự thay đổi về mã HS (mã số của hàng hóa xuất nhập khẩu theo hệ thống phân loại hàng hóa có tên là “Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa) của hàng hóa ở cấp 2 số, 4 số hoặc 6 số so với mã HS của nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ (bao gồm nguyên liệu nhập khẩu và nguyên liệu không xác định được xuất xứ) dùng để sản xuất ra hàng hóa đó. Một sản phẩm sẽ được coi là có xuất xứ Việt Nam nếu nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm đó và sản phẩm cuối cùng được phân loại ở 2 cấp khác nhau.
Mới đây, Bộ Công thương cho biết đơn vị này đang tiến hành soạn dự thảo về quy định ghi nhãn "Made in Vietnam". Từ năm 2018 Bộ Công Thương đã trao đổi với các bộ, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp về quy định này. Bộ Công thương cũng đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về nhu cầu xây dựng một Nghị định về vấn đề “Made in Vietnam”.
Đến nay, Bộ Công thương đang xúc tiến các công việc để xây dựng thông tư quy định ghi nhãn hàng hóa, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam hoặc hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam. Trong quá trình thảo luận về dự thảo thông tư này, tinh thần chung là hàng hóa đáp ứng tiêu chí xuất xứ như quy định tại Nghị định 31 cộng thêm một số điều kiện nữa thì được gắn mác “Made in Vietnam”. Bởi Nghị định 31 mới chỉ xác định xuất xứ hàng hóa để cấp các C/O theo các hiệp định thương mại, tức chúng ta có một quy định tương đối về xuất xứ hàng hóa rồi nhưng chưa có ràng buộc quy định đó với việc gắn mác “Made in Vietnam”.
Khi có quy định rõ ràng, doanh nghiệp có cơ sở xác định gắn mác “Made in Vietnam” lên sản phẩm. Còn cơ quan quản lý nhà nước cũng có cơ sở xác định doanh nghiệp vi phạm quy định gắn mác hay không. Nói chung xã hội cần một quy định như vậy để cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ thực hiện.
Để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, bảo vệ người tiêu dùng trong nước, Tổng cục Hải quan cũng vừa có công văn yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan tăng cường kiểm tra xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng trên nhãn lại thể hiện “Made in VietNam”.
Trước đó, trên phương tiện thông tin đại chúng phản ánh hiện tượng gian lận thương mại thông qua việc ghi xuất xứ hàng hóa nhập khẩu có chiều hướng gia tăng. Theo đó, hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc nhưng mượn xuất xứ Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng trong nước, chủ yếu là các mặt hàng điện tử, giày dép, quần áo, mỹ phẩm…
Đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc, khi kiểm tra hồ sơ lô hàng, kiểm tra thực tế hàng hóa (nếu có) công chức hải quan phải thực hiện kiểm tra cụ thể tên hàng, mã số hồ sơ, xuất xứ hàng hóa, nhãn hàng hóa phải phù hợp với tên hàng, mã số hồ sơ, xuất xứ hàng hóa trong bộ hồ sơ lô hàng nhập khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (nếu có).
Trường hợp phát hiện hàng hóa nhập khẩu ghi nhãn “Made in Vietnam”, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố xác minh làm rõ. Trường hợp có căn cứ xác định hàng hóa nhập khẩu có chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa thì tùy theo hành vi vi phạm cụ thể, tính chất, mức độ hành vi vi phạm để xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 185/2013.