Xem người nghiện, sử dụng ma túy là người bệnh
- Tây Y
- 21:44 - 15/03/2017
Thống nhất quan điểm và đa dạng cách tiếp cận
Tệ nạn ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là việc mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy tổng hợp (nhóm ATS). Đến cuối năm 2016 cả nước có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 10.617 người so với cùng kỳ năm 2015, trong đó, trên 60% sử dụng ATS, .. Người sử dụng ma túy tổng hợp có rối loại tâm thần và một số có hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.
Theo ông Nguyễn Xuân Lập, công tác phòng chống tệ nạn xã hội, cai nghiện... thời gian qua được cởi mở hơn, dân chủ hơn, công khai hơn. "Vậy thì hiện nay phòng chống mại dâm có chống được không?, Cách tiếp cận, phòng chống thế nào? Luật bình đẳng giới, quyền làm vợ, làm mẹ khi khai sinh không cần biết bố là ai, nhưng về Luật hình sự, khi chung sống với người khác như vợ chồng thì vi phạm pháp luật...Đó chính là khó khăn của những người làm công tác phòng chống mại dâm"-, ông Lập trăn trở.
Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục phòng chống TNXH phát biểu tại hội thảo
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có trên 210.751 người nghiện có hồ sơ quản lý. Con số thực tế nếu chúng ta phòng chống ma túy theo kiểu ông Duterte (Tổng thống Philippines), thì con số của chúng ta không phải là con số đó, mà thậm chí có khi lên đến 600.000 người, nếu tính người sử dụng thì còn cao hơn nhiều. "Tính chất và mức độ phức tạp của những người sử dụng các chất gây nghiện đang là vấn đề tranh cãi. Vậy thì có xác định được nghiện không?. Chúng tôi nghiên cứu các tài liệu của thế giới thì vẫn xác định được những người sử dụng ma túy tổng hợp nhiều lần. Còn xác định tình trạng nghiện là có vấn đề"- ông Nguyễn Xuân Lập thẳng thắn.
Nâng cao vai trò các mô hình và tình nguyện viên (trong ảnh: Các tình nguyện viên, nhóm tình nguyện chia sẽ tại hội thảo)
Theo ông Lập, quan điểm của chúng ta xem người nghiện, sử dụng ma túy là người bệnh, bệnh này đã được ghi vào danh mục bệnh tật và theo Luật khám chữa bệnh chưa?. Đi chữa bệnh hay đưa người bệnh ra tòa để xử và đưa vào các cơ sở cai nghiện... Đây là quan điểm, trách nhiệm của những người làm tham mưu từ Trung ương đến địa phương... cho nên chúng ta phải thống nhất để trình Chính phủ, Quốc hội để cho người dân hiểu. Nghiện có cai được không?, nếu là bệnh thì tiếp cận bằng cách nào?. Trả lời cho câu hỏi này, ông Lập cho rằng phải tiếp cận đa chiều, bằng nhiều cách chữa khác nhau, kể cả bằng tâm lý. "Không nhất thiết cái gì cũng phải thuốc, phải tiêm, không phải cái gì cũng cai bằng methadone... chúng ta phải dùng đa phương pháp, đa biện pháp, đa cách tiếp cận nhằm đưa người nghiện trở lại cộng đồng. Có nhiều người dùng ma túy cả chục năm, chúng ta cai được, đưa họ trở về cộng đồng, có việc làm ổn định, không còn nghiện nữa... như vậy là chúng ta thành công rồi. Do vậy việc đào tạo cho cán bộ làm công tác cai nghiện cai nghiện cần được chú trọng”. – ông Lập chia sẻ.
Tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Toàn, GĐ Cơ sở cai nghiện Hải Phòng cho biết, hiện trung tâm đã chuyển đổi thành Cơ sở Cai nghiện phát triển theo xu hướng thân thiện, xem người nghiện như người bệnh. Cơ sở không có tường rào, không có công cụ hỗ trợ. Hiện cơ sở có khoảng 700 học viên, trong đó 70% là có tiền án, tiền sự, 20% nhiễm HIV/AIDS, vì vậy đây không phải là điều đơn giản, đặc biệt là khâu tư vấn tâm lý, đây là giải pháp quan trọng đầu tiên nhằm ổn định tâm lý, giúp người nghiện nhận thức được vấn đề, cai nghiện thành công để trở về cộng đồng.
Nâng cao vai trò các mô hình và tình nguyện viên
Hiện nay, bên cạnh cai nghiện tập trung tại các cơ sở thì mô hình cai nghiện tại cộng đồng, tình nguyện viên góp phần không nhỏ trong việc thành công của những người nghiện ma túy. Đến cuối năm 2016, có 40/63 tỉnh, thành phố thành lập gần 3.000 Đội công tác xã hội tình nguyện (Đội tình nguyện) với hơn 18.000 tình nguyện viên. Một trong những nhiệm vụ chính của Đội tình nguyện là tư vấn, hỗ trợ giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng. Đến nay đã có 12.850 người nghiện được tư vấn, giúp đỡ cai nghiện, hỗ trợ bằng mọi hình thức để hòa nhập cộng đồng.
Các mô hình cai nghiện là kết quả của sự lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của những người thực hiện. Các mô hình đã phát huy hiệu quả, bước đầu cho thấy sự tham gia tích cực của người nghiện và gia đình người nghiện. Thông qua hoạt động của mô hình, người nghiện ma túy được tư vấn, tiếp cận thông tin, nâng cao hiểu biết về chế độ, chính sách pháp luật, được tiếp cận với các dịch vụ cai nghiện đa dạng, có chất lượng.
Hiện nay mô hình mạng lưới, nhóm, câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng do Trung tâm hỗ trợ sáng kiến cộng đồng (SCDI) thành lập tại 33 tỉnh thành đã thu hút hàng nghìn người nghiện, người sau cai nghiện tham gia (mỗi nhóm từ 10-30 thành viên), hàng trăm người của các nhóm này đã từ bỏ được ma túy, điều trị bằng Methadone, nâng cao thể lực, có việc làm, ổn định cuộc sống.
Mỗi mô hình ở từng địa phương đều có những cách làm khác nhau, phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn thể hiện sự quan tâm, sáng tạo của chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể ở nơi đó. Sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể là sự lồng ghép công tác cai nghiện phục hồi với các chương trình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Đã có hàng nghìn người sau cai nghiện nhiều năm chưa tái nghiện, phấn đấu làm kinh tế, làm giàu cho bản thân, nhiều người đã vươn lên thành chủ doanh nghiệp nhỏ và tiếp nhận, giúp đỡ những người sau cai nghiện hoặc tích cực tham gia các hoạt động xã hội, được tín nhiệm trở thành công an viên, thành viên tổ dân phố, tổ tự quản, tình nguyện viên.v.v... Điều đó khẳng định: nghiện ma túy hoàn toàn có thể cai được.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngăn Ngừa Bệnh Tim Và Đột Quỵ Ở Người Cao Tuổi: Bí Quyết Sống Khỏe Mạnh Và An Toàn
Bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và vai trò của y học hiện đại...
2 tháng trước
Tin nên đọc