Gia đình nhiều thế hệ chung sống cùng nhau thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình
- Y học 360
- 21:04 - 30/11/2023
4 tiêu chí ứng xử chung được gia đình lấy làm kim chỉ nam
Ông Nguyễn Văn Đức chia sẻ, tôi có một gia đình lớn có 3 thế hệ đang chung sống hạnh phúc dưới một mái nhà. Nhận thấy Bộ tiêu chí ứng xử gia đình là những nội dung thiết thực, gần gũi và có tác dụng trực tiếp đến gia đình, chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ, tuyên truyền, vận động các thành viên thực hiện các nội dung của Bộ tiêu chí. Gồm tiêu chí ứng xử chung; tiêu chí ứng xử của vợ, chồng; tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; tiêu chí ứng xử của anh, chị, em. Trong đó, tiêu chí ứng xử chung được gia đình tôi quan tâm, thực hiện hơn cả.
Chia sẻ kinh nghiệm trong gia đình mình, ông Nguyễn Văn Đức cho biết, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, bắt đầu là những câu chuyện nho nhỏ với con trẻ, tiếp đến là những bữa cơm, những khi có cả người lớn tề tựu, rồi các hoạt động tập trung dịp lễ, tết, kỷ niệm, sinh nhật có cả gia đình lớn, chúng tôi đều lồng ghép, nói chuyện về việc ứng xử, về sự tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và sẻ chia. Có khi xem thời sự, đọc báo thấy những sự việc có liên quan đến nội dung này, gia đình tôi cũng sôi nổi bàn luận, đưa ra quan điểm, cái nhìn nhất định, từ đó rút kinh nghiệm, nhắc nhở con cháu cùng thực hiện. Trong các hoạt động thường ngày, các tiêu chí ứng xử chung này cũng được ông, bà, người lớn của gia đình tôi lấy làm kim chỉ nam để từng bước điều chỉnh thái độ, cách ứng xử hài hòa và đúng mực hơn. Nếu chưa phù hợp, chúng tôi nhắc nhở, chấn chỉnh ngay, khi phù hợp chúng tôi động viên, khen ngợi. Những thành viên ở xa quê hương, chúng tôi lan tỏa, truyền tải các tiêu chí chung thông qua việc nói chuyện, sẻ chia, gặp gỡ, sinh hoạt tập trung khi có điều kiện.
Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình được Bộ VH-TT&DL ban hành đang được áp dụng trên cả nước. Nhằm đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc.
Sau hơn một năm thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, nhất là thực hiện các tiêu chí ứng xử chung, gia đình tôi đã có nhiều chuyển biến tích cực nhất định. Các thành viên trong gia đình đã có nhận thức đúng mực hơn về sự tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và sẻ chia. Từ đó coi trọng danh dự, quan điểm, sự lựa chọn và lợi ích của nhau, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực cho sự phát triển của gia đình; gắn bó, quan tâm chăm sóc nhau, cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Gia đình chúng tôi vốn đã yêu thương, lại yêu thương hơn; đã bền chặt lại bền chặt hơn; các thành viên đều có niềm tin yêu cuộc sống, có việc làm tích cực, tốt đẹp, đóng góp cho gia đình, khu dân cư, tổ chức nói riêng và xã hội nói chung.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì gia đình chúng tôi cũng tự nhận thấy vẫn còn một số thiếu sót nhất định. Ví dụ như: đã thực hiện nhưng chưa tạo thành nề nếp thường xuyên; chưa có nhiều hoạt động tập trung cả gia đình để truyền tải các nội dung về ứng xử gia đình; có lúc, có hành vi của thành viên trong gia đình chưa đúng mực; một số tiêu chí chưa được thực hiện triệt để (tôn trọng sự lựa chọn, bình đẳng trong nghĩa vụ và quyền lợi, sự sẻ chia, tạo điều kiện đồng đều để các thành viên phát triển…).
Đề xuất một số giải pháp
Những thiếu sót ở gia đình ông Nguyễn Văn Đức kể trên chỉ là một phần nhỏ hiện hữu ở nhiều gia đình hiện nay, nhưng cũng là cản trở nhất định cho việc triển khai thành công Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình, ảnh hưởng tới sự phát triển, tiến bộ của xã hội. Do đó ông Nguyễn Văn Đức đề xuất một số giải pháp sau:
1. Đề nghị các cấp đổi mới công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung Bộ tiêu chí gắn với tuyên truyền vai trò, giá trị gia đình Việt Nam để Bộ tiêu chí đến được với từng gia đình, từng thành viên cùng đông đảo các tầng lớp Nhân dân, đồng thuận thực hiện.
2. Cụ thể hóa thực hiện Bộ tiêu chí bằng các phong trào, các hoạt động cụ thể, triển khai đồng bộ, thường xuyên gắn với phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Đẩy mạnh thực hiện Bộ tiêu chí thông qua hoạt động các hội nhóm mà các thành viên tham gia như Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, CLB Phòng chống bạo lực gia đình, CLB gia đình hạnh phúc, CLB phòng chống tệ nạn xã hội…
Xây dựng mô hình điểm hoặc các điển hình thực hiện tốt, từ đó nhân rộng thực hiện.
3. Tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho thế hệ trẻ.
4. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh các nội dung không phù hợp thực tiễn.
Hy vọng Bộ Tiêu chí ứng xử sẽ thay đổi được hành vi, nâng cao văn hóa ứng xử trong gia đình, là nền tảng vững chắc giúp con người hoàn thiện nhân cách, hướng đến Chân – Thiện - Mỹ, đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương, đất nước.