Tục "Ăn Tết lại" ở các huyện ngoại thành Hà Nội
- Văn hóa - Giải trí
- 22:30 - 04/03/2015
Hằng năm, cứ vào khoảng ngày mồng 4 đến 22 tháng Giêng âm lịch, bà con nhiều địa phương thuộc ngoại thành Hà Nội lại tưng bừng tổ chức ăn Tết lại với nhiều phong tục đặc sắc. Các huyện Sóc Sơn, Thanh Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ... đều tổ chức ăn tết lại
Hỏi về nguồn gốc của tục Tết lại, hầu như rất ít người biết. Nhiều làng có tục ăn Tết lại, và dần coi đó là cái lệ của làng nên cũng chẳng mấy ai thắc mắc vì sao.
Chỉ một số ít cụ già còn biết về nguồn gốc của tục ăn tết lại. Cụ Đỗ Thị Đức (82 tuổi, thôn Xuân Kỳ, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) kể, tục ăn Tết lại bắt nguồn từ sự kiện vua Quang Trung đánh giặc Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long. Việc phải hành quân đánh giặc đúng dịp Tết khiến người dân phải đi sơ tán và các binh sĩ không được hưởng một cái Tết trọn vẹn. Vì vậy, vua Quang Trung đã tổ chức cho binh sĩ ăn Tết vào ngày 30 tháng Chạp (25/01/1789), và ngay sau khi giải phóng thành Thăng Long, người dân ổn định lại cuộc sống, vua Quang Trung đã cho binh sĩ và nhân dân ăn Tết lại để có một cái Tết trọn vẹn. Còn khi hỏi về lý do tại sao mỗi làng có một ngày Tết lại khác nhau mà không phải tất cả cùng ăn Tết lại một ngày thì cụ Đức cũng lắc đầu, vì cụ cũng chỉ nghe các cụ đời trước kể lại vậy thôi.
Lại có cách giải thích khác về phong tục "Ăn tết lại" là trước đó, dân thành Thăng Long đã chuẩn bị ăn Tết với đầy đủ các thứ vật phẩm. Nhưng do phải chạy giặc Thanh, họ chỉ đem được rất ít, còn bánh chưng, phần lớn phải vứt xuống ao. Khi kinh thành được giải phóng, họ trở về và thử vớt bánh lên, thấy vẫn còn thơm ngon. Dân chúng cảm tạ thần linh đã giúp vua Quang Trung đánh tan giặc Thanh, giải phóng kinh đô Thăng Long, cho họ được mở tiệc ăn Tết tại nhà. Từ đó, ở nhiều nơi, nhiều nhà giữ lại cách thức ngâm bánh chưng xuống ao, xuống giếng nước, sau vớt lên “ăn Tết lại”. Nếu không thì gói đợt bánh khác để ăn tới tận rằm tháng Giêng, có khi tới tận cuối tháng Giêng, gọi là tục “ăn Tết lại”.
Tục "Ăn tết lại" ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội)
Trong cái se lạnh của ngày đầu tháng Giêng, khắp các ngõ thuộc thôn Xuân Kỳ (xã Đông Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội) rộn ràng tiếng cười nói, tiếng giã bột, tiếng người đi trẩy hội bên Bờ Bến. Mặc dù, hoa đào, mai, quất đã phai sắc nhưng không khí Tết vẫn ấm cúng.
Ở các khu chợ như: Đông Xuân, Phù Lỗ, chợ Núi… tấp nập người buôn, kẻ bán. Ngoài các thực phẩm rau, thịt, trứng, cá…, chợ còn đông đúc hơn bởi các hàng hoa, lá dong, lạt tre và các đặc sản riêng có của Tết lại như: bánh tẻ, bánh gio (tro), bánh gai.
Những trò chơi dân gian trong ngày Tết lại
Về thôn Đồng Giành (xã Đông Xuân) ngày mùng 4, thôn Kim Trung (xã Kim Lũ) ngày mùng 5, thôn Đức Hòa ngày mùng 10 hay thôn Xuân Kỳ ngày 22 âm lịch, chúng tôi thấy không khí của ngày Tết lại thậm chí còn rộn ràng, nhộn nhịp hơn cả những ngày Tết Nguyên đán.
Tết lại chỉ diễn ra trong vòng một ngày nhưng người dân vẫn gói bánh chưng, làm giò bó, chuẩn bị nhiều món ăn để mời bạn bè, anh em. “Gia đình chúng tôi năm nào cũng làm hơn chục mâm cỗ để mời bà con làng xóm, anh em. Cả năm được ngày Tết lại là dịp để mọi người gặp gỡ và bàn chuyện làm ăn trong năm mới”, anh Lê Đình Ngọc, thôn Xuân Kỳ cho hay.
Sau khi ăn uống, chúc tụng nhau xong, mọi người đều kéo ra đình làng để tham gia vào các trò chơi dân gian như: chọi gà, đu quay, đập niêu, úp chậu… Đặc biệt, bên bờ sông thuộc Bờ Bến (thôn Xuân Kỳ), người dân ngồi chật hai bên bờ để nghe hát quan họ.
Vui Xuân với các làn điệu dân ca quan họ
Năm nào cũng vậy, các gánh quan họ từ Bắc Ninh cũng sang giao lưu cùng bà con Đông Xuân đón Tết lại. Các liền anh, liền chị say sưa trong các điệu: mời nước mời trầu, hoa thơm bướm lượn, lúng liếng lóng lánh… cầu vui và may mắn trong năm mới.
Tục "Ăn tết lại" ở huyện Thanh Oai, Hà Nội
Người dân Ước Lễ đi tảo mộ, thắp hương ông bà tổ tiên ngày Tết lại
Như một tục lệ "bất thành văn", cứ vào ngày rằm tháng Giêng, trong khi người dân khắp mọi miền nô nức lễ chùa thì làng giò chả Ước Lễ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội) lại rộn ràng ăn Tết trở lại. Những ngày này, trên các đường làng rực đỏ cờ hoa, trong mỗi gia đình thì người dân trang hoàng lại nhà cửa, sắm sửa mâm ngũ quả cao đầy thành kính dâng lên bàn thờ tổ tiên. Đặc biệt, những người con xa quê hương dù ở mọi miền đất nước và có bận trăm công ngàn việc cũng sắp xếp về sum họp cùng gia đình, bà con dân làng.
Tục "Ăn tết lại" ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội
Ở thôn Yên Trường (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ) cũng có tục ‘ăn Tết lại’, tuy nhiên nguồn gốc và tên gọi thì lại khác xa so với nhiều nơi. Theo lời các bậc cao niên nơi đây kể lại, từ hàng trăm năm nay, ở ngôi làng này, ngoài đón Tết Nguyên Đán thì họ có thêm một cái Tết vào ngày 30 tháng giêng (âm lịch). Lần ăn Tết này người dân gọi là “ăn Tết Cùng”. Nét độc đáo nhất làm nên cái khác lạ ở Trường Yên mà có lẽ không ở nơi nào có được chính là tục ăn thịt chó đầu xuân. Thịt chó là món người ta kiêng ăn vào những ngày đầu tháng, đầu năm để tránh sự đen đủi cho những ngày còn lại trong tháng, những tháng còn lại trong năm. Ấy vậy mà ở thôn Yên Trường, ăn thịt chó lại trở thành “tục lệ” không thể thiếu của những ngày đầu xuân năm mới.