THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:05

Nét đẹp trên cao nguyên đá

Độc đáo chợ phiên lùi vùng cao

Những ai đã một lần ghé thăm chợ phiên ở các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ của vùng cao núi đá hẳn không thể nào quên những nét đặc sắc của các phiên chợ. Nơi ấy, đặc sắc nhất có các phiên chợ lùi, họp từ khoảng 5 giờ sáng cho đến 3 - 4 giờ chiều thì tan.

Gọi là chợ lùi bởi chợ họp luân phiên hàng tuần và tuần sau sớm lên một ngày so với tuần trước để đảm bảo cứ 6 ngày lại có 1 phiên. Chẳng hạn, tuần này chợ họp vào Chủ nhật thì tuần sau sẽ họp vào thứ Bảy, tuần tiếp theo sẽ họp vào thứ Sáu... Chợ lùi gồm bốn chợ: Lũng Phìn, Sà Phìn, Phó Bảng và Phố Cáo (thuộc huyện Đồng Văn).

Đây cũng là nét độc đáo của người dân vùng cao nguyên đá.Những mặt hàng được bán ở chợ phiên khá phong phú và đa dạng, chủ yếu là các sản vật của núi rừng, hay những mặt hàng do chính người dân nơi đây làm ra như: Thổ cẩm, mật ong, nấm hương, mộc nhĩ, gạo nương, gạo nếp, ngô, đậu tương và các loại rau củ...

Chợ phiên là nơi mua bán, giao lưu của người dân vùng cao.Chợ phiên là nơi mua bán, giao lưu của người dân vùng cao.

Ngoài ra, khu vực bán gia súc, gia cầm được bố trí tại một góc riêng của chợ, bán những mặt hàng như: Gà đen địa phương, lợn tên lửa, ngựa, dê... Ngoài khu mua bán, chợ phiên còn có khu hàng ăn với những chảo thắng cố nóng hổi, bên những chai rượu ngô thơm nồng.

Huyền thoại tiếng khèn Mông

Phiên chợ miền núi với những chảo thắng cố nghi ngút khói, những bát rượu ngô sóng sánh, cay nồng, những chàng trai Mông vắt vẻo trên lưng ngựa, những cô gái Mông rực rỡ trong bộ váy áo vui say trong tiếng khèn của trai Mông đã trở thành nét đặc trưng của chợ vùng cao Hà Giang.

Cũng chẳng biết tự bao giờ, cây khèn Mông được ví như một sợi dây liên kết giữa hai thế giới của người còn sống với những người đã khuất. Không những thế, cây khèn còn là người bạn đường chung thủy của các chàng trai Mông trên đường xuống chợ hay đi rừng, đi nương. Huyền thoại kể rằng, ngày xưa, trong một gia đình người Mông nọ có 6 người con trai có tài thổi ống rất hay.Huyền thoại tiếng khèn Mông

Lúc đầu, mỗi người thổi một ống của riêng mình. Khi vui buồn, họ đều mang khèn ra cùng nhau thổi những giai điệu thành một bè. Ngày qua ngày, 6 anh em họ luôn bên nhau gắn bó và thổi những điệu nhạc hay nổi tiếng trong vùng.

Rồi một ngày, người em út nghĩ rằng nếu muốn thổi thành bè thì cả 6 anh em phải cùng thổi mới được. Nếu một trong 6 người bận việc đi vắng hay mất đi rồi muốn thổi bè thì làm sao có được bài khèn hay? Vậy nên anh ta đã nghĩ ra cách lấy ống bầu lớn để gắn cả 6 ống làm thành cây khèn.

Trong đó, ống dài nhất tượng trưng cho người anh cả, ống ngắn nhì tượng trưng cho người anh hai, lần lượt như thế đến ống ngắn nhất tượng trưng cho cậu em út. Khi gắn các ống lại với nhau, một người cũng có thể thổi được và âm thanh của cả 6 ống đều vang lên rất nhịp nhàng.

Hòa mình trong men rượu ngô, trong tiếng khèn Mông da diết, tôi chợt thấy mình bé nhỏ giữa cao nguyên lộng gió. Một người dân Mông sinh ra cùng tiếng khèn, lớn lên bởi tiếng khèn để rồi cuối cùng chết đi cũng có tiếng khèn đưa tiễn. Trong tiếng khèn ấy chứa đựng tình cảm tha thiết, bao dung của núi rừng, chứa đựng cả những hoài bão, khát vọng và cả những tình cảm lứa đôi của đồng bào Mông.

Vò rượu ngô đã cạn, anh bạn người Mông lảo đảo trèo lên lưng ngựa cùng cô vợ khuất vào cây lá theo con đường chênh vênh nơi sườn núi. Phiên chợ đã tàn nhưng tiếng khèn Mông vẫn âm vang khắp núi, như mời gọi người đến với phiên chợ vùng cao.     

Triều Châu - Hữu Hiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh