Nét đặc sắc của tranh gốm sứ Bát Tràng
- Văn hóa - Giải trí
- 16:00 - 28/02/2018
Trong một dịp ghé thăm làng nghề gốm sứ bên sông Hồng, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến hình ảnh những người thợ với đôi bàn tay tinh hoa bên bàn xoay, biến thứ đất sét vô chi vô giác thành hình cái bát, cái đĩa, cái bình… đã trở nên quá đỗi thân thuộc ở nơi đây. Tuy nhiên, ngoài những sản phẩm truyền thống, những năm trở lại đây thì loại hình tranh gốm sứ Bát Tràng ngày càng phát triển mạnh và có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Tranh vừa là một thú vui rất tao nhã của người Việt, vừa để trang trí cho ngôi nhà thêm đẹp. Trong rất nhiều các dòng tranh hiện nay như: tranh sơn dầu, tranh lụa, tranh giấy, tranh cát, tranh đá quý, tranh gốm sứ... Tuy nhiên, nói đến sự lâu bền, trường tồn với thời gian thì tranh gốm sứ là một trong những dòng có độ bền cao nhất.
Mỗi tác phẩm tranh đều là những đứa con tinh thần của người thợ
Theo những người có thâm niên làm gốm sứ tại Bát Tràng, tranh gốm sứ đã có từ lâu đời tại làng nghề này, song nó mới chỉ thực sự phát triển từ khoảng 20 năm trở lại đây. Nguyên liệu để sản xuất tranh thường từ đất sét và đất cao lanh trắng.Thợ thủ công vẽ hoặc đắp nổi các họa tiết bằng tay và được nung ở nhiệt độ cao: 1200 độ C nên màu của tranh được lưu giữ lại mãi mãi.
Tranh gốm sứ không thể sản xuất đại trà mà phải làm thủ công bằng tay, mỗi bức được tạo ra đã mang tính cá biệt về phong cách của mỗi nghệ nhân và nét đặc trưng văn hóa của làng nghề. Chính yếu tố đó đã tạo nên sự độc đáo của từng sản phẩm tranh gốm sứ Bát Tràng.
Từ những vật liệu vô tri vô giác qua bàn tay khéo léo của người thợ đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo
Tranh gốm sứ Bát Tràng được chia làm hai loại phổ biến nhất là tranh gốm hoa văn đắp nổi và tranh sứ hoa văn vẽ trơn. Không ít người đã nhầm lẫn giữa hai dòng tranh này. Tranh sứ nền trắng của đất cao lanh, còn tranh gốm nền đất đỏ. Tranh gốm thường được ghép bằng các mảnh lại với nhau còn tranh sứ thì nguyên khổ. Cảnh vật trang trí trên tranh gốm đều được đắp nổi bằng tay còn tranh sứ được vẽ trơn tru trên nền trắng của sứ tạo sự sắc nét, tinh xảo. Do đó các bức tranh gốm sứ thủ công vừa có giá trị sử dụng, vừa có giá trị thẩm mỹ cao.
Với một tác phẩm tranh gốm sứ thì bao giờ khâu vẽ cũng là quan trọng nhất. Để có được một bức tranh có hồn, đòi hỏi người họa sỹ vẽ phải có tay nghề cao, nét vẽ thanh thoát. Muốn đạt đến trình độ này, người thợ cần có ít nhất kinh nghiệm từ 3 đến 5 năm trở lên. Mỗi họa sĩ vẽ tạo ra những nét độc đáo riêng cho dù cùng chế tác một loại sản phẩm, và nét đặc sắc của bức tranh tùy theo trình độ sáng tạo và kinh nghiệm của từng nghệ nhân.
Các sản phẩm ra lò có màu sắc tươi sáng, nét vẽ có hồn và kiểu ra đa dạng
Anh Chương chủ cửa hiệu tranh gốm sứ Văn Chương cho biết: “Các bước tạo ra một tác phẩm tranh gồm: Cao lanh pha thành hồ loãng, đóng vào khuôn riêng, phơi khô, tiếp đến công đoạn vẽ đều được làm thủ công bằng tay, sau đó được phun men riêng để tạo độ bóng đẹp cho sản phẩm và sau cùng là khâu nung trong lò. Tất cả mọi khâu đều phải làm cẩn thận nếu không có thể gây ra các hiện tượng bị co men hay bị xuất hiện các nốt nứt, thì sản phẩm coi như bỏ đi. Do đó, tranh gốm Bát Tràng luôn có cốt dày, chắc và khá nặng còn tranh sứ thì lớp men trắng đều, mọng và bóng.
Cũng theo anh Chương: “Tranh là một sản phẩm mang tính nghệ thuật cao, chính vì vậy mà yêu cầu của khách hàng cũng rất khắt khe. Mẫu tranh thường được đặt làm theo ý tưởng của khách hàng. Đa số khách hàng thường yêu cầu các chủ đề như cảnh thôn quê, cây đa, bến nước, mái đình, dòng sông, phong cảnh nước non… vì nó mộc mạc, gần giũi với đời sống nhưng đang mất dần trong thời đại hiện đại. Hay những bức tranh mang hàm nghĩa, mang ý nghĩa của sự may mắn như: bát mã truy phong, vinh quy bái tổ, tùng hạc…”.
Tranh gốm sứ đang trở thành thú chơi được nhiều người ưa chuộng
Anh Hải một họa sỹ vẽ tranh gốm sứ cho biết, việc sáng tác tranh trên chất liệu gốm sứ yêu cầu người vẽ phải có tay nghề cao, nét vẽ phải uyển chuyển dứt khoát, nếu vẽ sai sẽ phải cạo từng lớp màu trên bề mặt bức tranh để vẽ lại rất khó khăn. Mỗi bức tranh có thể có là một đứa con tinh thần của mình, chính vì thế mà cần phải hết sức kiên nhẫn và tập trung mới cho ra được một sản phẩm đẹp và hồn. Với một bức tranh nhiều họa tiết, một họa sĩ phải làm liên tục cả ngày mới có thể hoàn thành.
Với bàn tay khối óc và sự sáng tạo vô hạn của những nghệ nhân làm tranh gốm sứ tại Bát Tràng hiện nay, đã tạo ra những sản phẩm tranh gốm sứ tinh xảo, có tính thẩm mỹ cao. Góp phần làm nâng cao tinh hoa của gốm sứ Bát Tràng, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của thị trường.