THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:27

Nên có mái che ở đường sắt số 1, ga Vinh

 

 

Kỷ niệm sâu sắc nhất là  tháng 8 năm 2008, hai vợ chồng tôi đi tàu ra Vinh để về quê Tân Kỳ làm đám tang bố vợ. Khi xuống tàu, đã về nhà cậu em ở Bến Thủy, tắm rửa, ăn cơm rồi vợ tôi mới nhớ ra là khi xuống, quên cái túi trên tàu SE4, trong đó có 12 triệu đồng và 1 chỉ vàng, là tiền đưa ra để làm đám ông. Lúc đó tàu đã ra đến gần Thanh Hóa rồi và đã 1 giờ sáng. Tôi ra ga, trình giấy tờ. Nhờ sự giúp đỡ của chị em nhân viên nhà ga mà tôi biết được người thân của Ga Vinh đang đi trên tàu để gọi điện thoại cho anh nhờ anh báo công an tàu, tìm hộ cái túi để quên ở số ghế....

Sáng hôm sau tôi phải vay tiền của cậu em để lên Tân Kỳ làm đám ông. Đang đi trên đường thì ông Trưởng tàu SE4 điện báo cho tôi đã tìm được cái túi, và đang lập hội đồng kiểm tra thì có đúng 12 triệu và một chỉ vàng, không mất đồng nào. Sẽ gửi lại cho anh ở Ga Vinh ngày…. Tôi xúc động lắm. Việc này tôi đã viết bài “Chuyện hi hữu trên tàu SE4” đăng trên báo Văn Nghệ và báo Đường sắt lúc đó để cám ơn.

Nhưng bây giờ tôi xin góp ý với Ga Vinh, không phải về chuyện an ninh mà về chuyện làm sao để người lên xuống tàu không bị nắng, mưa khổ sở. Cuối tháng 8/ 2015 vừa qua, vợ chồng, con, cháu tôi lại đi tàu ra Ga Vinh để về nhà giỗ ông. Tàu đến Ga Vinh thì bị mưa. Chúng tôi lại ở toa 9 ( phía đầu tàu) nên dừng cách lối ra rất xa. Đi trong Huế thì nắng, nên lỡ không mang theo áo mưa. Lại lúc 5 giờ sáng, chẳng có quán nào bán áo mưa tiện lợi cả. Thế là chúng tôi, kể cả cháu nhỏ 4 tuổi, đành cởi áo che đầu, xách  đồ đoàn đi cả  bảy tám chục mét sân ga không mái che để ra cửa soát vé.

Chuyến đi vào Huế cũng vậy. Trưa 30 tháng 8, mưa đột ngột ở Vinh rất to. Toa số 10 nằm xa cửa ra vào tới  bảy tám chục thước, lại không ai bán áo mưa, nên cả nhà tôi đành dầm mưa xách đồ chạy đến toa số 10 ghi trong vé để lên tàu, sợ tàu chạy mất. Không chỉ gia đình tôi mà rất đông hành khách đều dầm mưa như vậy. Sau đó cháu nhỏ bị cảm. Thật bất tiện.

 

 

 

Tôi thấy Ga Huế tàu đỗ ở đường sắt số 1,số 2… là hành khách không bị mưa nắng gì cả, vì có mái che rộng. Ở Ga nào dọc đường sắt Bắc- Nam sân ga cũng đều có mái che. Chỗ che ít, chỗ được che kín. Nhưng ở Ga Vinh thì khi tàu đỗ ở Đường sắt số 1, thì khách lên tàu trên đầu không có mái che. Các ki ốt bán hàng bên đường thì không có mái chìa ra để cho khách núp mà đi. Chỉ có mái che cách đoạn ở giữa đường sắt số 1 và đường sắt số 2 ( ảnh), nên khách lên tàu ở đường sắt số 1 bị mưa nắng rất phiền. Mà đường sắt số 1 là nhiều chuyến tàu khách đỗ hơn cả.

Đường sắt Việt Nam đang có nhiều cải tiến cách thức phục vụ trên các chuyến tàu Bắc- Nam. Tổ chức các chuyến tàu du lịch như Hà Nội- Đồng Hới, Hà Nội – Đà Nẵng rất lịch sự. Đầu tư làm cái mái che ở sân ga Vinh chẳng tốn bao nhiêu cả. Nên tôi thiết tha đề nghị nên gấp rút làm cái mái che ở Ga Vinh để tránh cho khách  khỏi mưa nắng khi lên xuống tàu.

Ngô Minh/Lao động và Xã hội

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh