THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:27

Nên cấm xe máy khi người dân có thể sở hữu ôtô

 

Theo tôi tham khảo, hiện ở Hà Nội ôtô có gần 700.000 xe, trong khi xe máy khoảng 6 triệu. Tính cả lượng ôtô và xe máy của người ngoại tỉnh (học sinh, sinh viên, người lao động...) thì số lượng xe máy so với ôtô còn tăng gấp nhiều lần.

Nếu chỉ tính riêng ở Hà Nội, tỷ lệ "phổ cập xe máy" đã gần đến ngưỡng bão hoà. Bởi hầu như mỗi người đều đã có một xe máy riêng. Vậy nếu cấm xe máy thì liệu số người có hộ khẩu ở Hà Nội sẽ có bao nhiêu người sẽ mua ôtô. Có lẽ sẽ chỉ khoảng 20-30% bởi, chi phí ban đầu để mua một ôtô không hề nhỏ so với việc mua một chiếc xe máy (điều này cũng có nghĩa không bao giờ giấc mơ ôtô giá rẻ trở thành hiện thực bởi lý do ách tắc quá rõ ràng).

Giả sử người dân có khả năng mua ôtô nhưng chi phí quá lớn. Đầu tiên là gửi xe, nếu đi bằng xe máy, gần như không ai phải lo nghĩ về chi phí này do xe máy dễ dàng cất được vào nhà, nếu có gửi thì cũng rất rẻ. Nhưng hãy tưởng tượng, bạn chuyển sang đi ôtô, chi phí mỗi tháng khoảng 2 triệu (gửi ở chỗ làm và khi về nhà nếu không cất xe được vào nhà), sẽ khiến nhiều người phải đắn đo.

Nếu vợ chồng đi làm hai nơi đang đi 2 xe máy mà giờ chuyển sang đi 2 ôtô thì mức 4 triệu sẽ càng phải đắn đo hơn. Chưa kể khi nhu cầu gửi xe tăng trong khi số lượng bãi xe có hạn thì chi phí này chắc chắn sẽ tăng cao nữa. Thậm chí không thể tìm được chỗ đỗ xe gần nhà vì đã hết chỗ.

Tiếp đến là chi phí xăng dầu của ôtô cũng gấp nhiều lần xe máy. Một chiếc xe Wave bình thường chỉ ngốn khoảng 2,5 lít/100 km nhưng một chiếc Kia Morning "còi" cũng ngốn ít nhất 7 lít /100km. Trong điều kiện tắc đường thì nó còn sẽ tốn hơn (lên đến khoảng 9-10 lít/100 km). Vậy nếu bạn đi xe máy mất khoảng 500.000 đồng tiền xăng một tháng thì đi ôtô sẽ mất khoảng 1,5-2 triệu mỗi tháng.

Tương tự, các chi phí khác đều cao hơn xe máy nhiều lần, cùng một lỗi nhưng ôtô bị phạt gấp 2-3 lần xe máy, hàng năm phải mua bảo hiểm gấp 5-6 lần xe máy, xe máy thì không bị phạt nguội nhưng ôtô thì có....

Ngoài ra, đặc thù đường nội đô đi ôtô không thể tạt ngang tạt dọc được như xe máy vì đường phố nhỏ hẹp. Nếu không để được xe trong nhà thì mỗi lần ra bãi lấy xe sẽ mất thời gian. Dừng xe mua cái gì đó hơi lâu một tý là bị lườm nguýt, tắc đường... nói chung là rất bất tiện.

Với người ngoại tỉnh thì sao?

Trong tương lai, khi đời sống và mức thu nhập được nâng lên thì số lượng người ngoại tỉnh có khả năng mua được xe máy sẽ cao hơn. Cộng với xu hướng dịch chuyển vào các thành phố lớn để làm ăn thì áp lực xe máy sẽ tăng lên rất nhiều.

Người ngoại tỉnh lựa chọn xe máy bởi nó phù hợp cả về kinh tế lẫn công năng sử dụng. Xe máy vừa là phương tiện giải trí, vừa là công cụ kiếm tiền, nói chung rất đa dụng. Chi phí ban đầu và chi phí vận hành thấp. Phù hợp với hạ tầng đường xá các vùng làng quê.

Cũng theo tôi tìm hiểu cách đây vài năm, Việt Nam có khoảng gần 40 triệu xe máy. Như vậy, tăng trưởng doanh số trong tương lai của xe máy sẽ nằm ở các tỉnh. Vậy, cách hiệu quả nhất để chặn làn sóng xe máy này gây áp lực lên thành phố là "cấm xe máy". Nếu vậy, liệu người ngoại tỉnh có mua ôtô để vào thành phố?

Có, tuy nhiên số lượng sẽ nhỏ thôi bởi họ cũng phải đối mặt với hầu hết các khó khăn mà người có hộ khẩu Hà Nội gặp phải khi cân nhắc mua ôtô.

Ngoài ra, việc lập lại trật tự giao thông sẽ dễ dàng thực hiện hơn với ôtô. Chỉ cần lái ôtô vượt đèn đỏ, bạn sẽ nhanh chóng nhận được vé phạt nguội. Xe máy có thể vượt đèn đỏ mà không lo bị phạt nếu "khuất bóng" CSGT nhưng ôtô thì khác.

Đường đông, xe máy có thể chen nhau vượt đèn thoải mái vì CSGT bắt không xuể hoặc không bắt vì còn phải tập trung điều tiết giao thông, nhưng ôtô thì không thoát, chỉ vài cái click chuột là xong, không xót một ai.

Như vậy, khi nhìn từ góc độ quản lý, rõ ràng việc cấm xe máy có quá nhiều lợi ích. Hiệu quả hơn, đơn giản hơn. Tuy vậy, việc cấm xe máy vẫn còn là câu hỏi lớn khi đánh giá tác động đến đời sống, công ăn việc làm của hàng triệu con người, khi sinh hoạt cũng như sinh kế của họ bị ảnh hưởng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh