THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 04:09

Náo nức hội pháo đất làng tôi

Hàng năm, quê tôi (xã Ứng Hòe, huyện Ninh Giang, Hải Dương) tổ chức nhiều lễ hội như lễ hội đón chào năm mới, hội Vào đình, giỗ tổ Thành hoàng làng ngày 10/3 âm lịch, hội thi pháo đất dân gian...

Những ngày diễn ra hội thi pháo đất là cả làng lại được sống trong không khí hào hùng, náo nức, vui nhộn của trò chơi dân gian này. Từ nhỏ, tôi đã biết trò chơi này, nhưng không rõ nó có từ bao giờ nữa?

Náo nức hội pháo đất làng tôi

Chuẩn bị vào hội. 

Cụ Nguyễn Văn Bít, 82 tuổi, đã từng nhiều năm làm đội trưởng đội pháo đất xóm 5 ở xã Ứng Hòe cho hay: “Theo các câu truyện lưu truyền ở đồng bằng Bắc bộ, pháo đất được hình thành trong quá trình đắp đê ngăn lũ.

Còn về lịch sử hội thi pháo đất ở xã An Thái (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) kể rằng năm 1288, trong khi đang đi đánh trận Bạch Đằng, voi chiến  của  Hưng Đạo Đại vương sa lầy ở khúc sông Hóa chảy qua đây.

Nhân dân quanh vùng đã dùng đất ném xuống sông cho voi thoát lên. Từ đó, khi nông nhàn, nhân dân thường tụ tập diễn lại cảnh này và dần dần hình thành nên hội thi pháo đất.

Cổ xưa hơn, truyền thuyết của người dân ở làng mình nói rằng trò chơi này có ở đây từ thời Hai Bà Trưng khi nữ tướng Lê Chân dùng pháo đất với mục đích nghi binh khi vào trận và chơi trong những ngày hội hè nhằm xua tan âm khí, dịch bệnh.

Náo nức hội pháo đất làng tôi

Làm pháo. 

Sau này, người dân trong làng thường tổ chức những cuộc thi pháo đất để ăn mừng những thành quả của vụ mùa bội thu, để khích lệ nhau cùng cố gắng vượt lên vất vả, hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.

Cứ mỗi dịp lễ hội sắp diễn ra, trước đó khoảng một tháng, người dân trong làng đã háo hức đón lễ hội bằng những chuẩn bị kỹ càng, nhà ai có con em đi làm xa đều được người thân  thông báo.

Ba tôi thường nhắc tôi: “Sắp đến lễ hội pháo đất truyền thống của làng rồi, hôm đó cũng là ngày được nghỉ, con cố gắng thu xếp công việc để về tham gia cho vui, cũng là để tiếp nối trò chơi truyền thống đó, kẻo mai một”.

Náo nức hội pháo đất làng tôi

Lên manh pháo. 

Ông Nguyễn Văn Ái, Trưởng thôn xóm 5, cắt nghĩa: “Pháo đất, nghĩa là những tiếng nổ được tạo lên khi gieo những quả đất. Nhưng không phải đất nào cũng có thể làm thành những quả pháo.

Đất chơi pháo được người chơi chọn lựa một cách kỹ lưỡng, Đất phải có độ dẻo dai, kết dính tốt, thường là đất thịt hoặc đất sét. Sau khi đã chọn được đất, thì quá trình làm đất là vô cùng công phu.

Đất lấy về được trải ra nơi sạch sẽ, không có đá sỏi, các pháo thủ dùng dao, liềm thái đất thành từng miếng nhỏ, rồi tiếp tục lấy búa tạ, chày đập, giã thật nhuyễn. Đất được trộn, thấu nhiều lần, sau đó sẽ đánh thành từng quả đất. Thông thường, pháo thi đấu có trọng lượng 60-80kg/quả”.

Náo nức hội pháo đất làng tôi

Gieo pháo. 

Ông Ái bảo: “Ở Hải Dương thì đất ở  xã Nghĩa An, huyện  Ninh Giang dùng để đánh pháo  là tốt nhất. Vào dịp lễ hội, các xã xung quanh thường đến đây mua đất về làm pháo”.

Anh Hà, một pháo thủ xã Ứng Hòe cho biết: “Chúng tôi thường mua đất ở khu Chiều Cửa, thôn Đa Nghi, xã Nghĩa An. Từ mặt ruộng, đào sâu xuống 2m mới đến tầng đất làm pháo.

Tầng đất này chỉ dày 30cm, miếng đất không lẫn cát, sỏi và tạp chất khác”.

Lễ hội thi pháo đất hàng năm thường được tổ chức vào dịp hòa chung không khí cùng cả nước chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền  Nam, thống nhất đất nước 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5, cũng là dịp ăn mừng những thành quả sau một mùa cấy hái vất vả.

Năm 2014 vừa qua, Hội thi Pháo được tổ chức vào ngày 2/5, tại sân đình của làng, với sự tham gia của 10 xóm trong xã. Trong các cuộc đấu, các pháo thủ được chọn kỹ lưỡng qua những cuộc thi trước đó.

Náo nức hội pháo đất làng tôi

Gieo pháo thành công. 

Trước mỗi trận đấu, pháo thủ phải luyện tập trước nhiều tuần. Theo thể lệ thi đấu, năm nay trận đấu có 4 sòng và mỗi sòng có 30 lần gieo pháo.

Trong một sòng, mỗi pháo thủ chỉ được gieo 1 pháo. Đội thắng ở một sòng thi đấu phải có tổng số thước các pháo cộng lại lớn hơn đội khác từ 2 thước pháo trở lên (một thước pháo bằng 40cm).

Pháo được đo là manh pháo phải bung ra lớn hơn 2 thước và  phải liền mạch, không bị tan, đứt quãng. Trọng tài sẽ dùng thước đo hai mép của manh pháo để tính độ dài pháo ra.

Đội chiến thắng chung cuộc có số  tổng thước pháo lớn nhất của cả 4 sòng và hơn đối thủ 2 thước trở lên.

Khi tiếng trống vang lên báo hiệu lễ hội bắt đầu là lúc các pháo thủ bắt tay vào công việc nặn pháo. Người ta thường nói, làm pháo đất là một nghệ thuật mà ở đó các pháo thủ chính là những nghệ sỹ.

Pháo thủ dùng tay và chân đấm, lèn chặt quả đất. Quả pháo hình thành phải có hình bầu dục, mõm pháo nhỏ hơn gáy pháo, phần giữa dày hơn hai bên. Pháo thủ dùng khăn vải thấm nước, rồi vắt khô để vuốt, lau mép pháo.

Dùng hai tay bấm manh pháo cho đều, gọi là lên manh. Manh bấm xong, thì dùng dao (hoặc một thanh tre nhọn) khía sâu vào rãnh của manh cho đứt hẳn. Sau đó, tiếp tục bấm một lần đất phủ kín chỗ đã khía để làm liền manh.

Ở phần mõm pháo, pháo thủ rạch một đường dài khoảng 5cm, gọi là ngắt manh, nơi để manh pháo bung ra. Ngắt manh xong, người làm pháo chỉnh cho pháo cân đối lần cuối, rồi chuẩn bị gieo pháo.

Tham gia ngày hội, sống trong không khí đó, mọi người từ già đến trẻ đều cảm thấy náo nức, cùng nhau cổ vũ cho đội mình. Nhìn đôi tay, bàn chân các pháo thủ làm pháo một cách cẩn thận, khéo léo, người ta thấy đó như là những giao tiếp âu yếm, thân mật giữa con người với đất đai.

Người ta không chỉ đang chơi với đất, mà như đang tâm tình, xẻ chia, đặt cả nhiều kỳ vọng và tình yêu của mình vào trong từng miếng đất.

Quả pháo có trọng lượng 60-80kg, cần vài người cùng nâng pháo giúp. Nhưng khi chuẩn bị gieo, chỉ có một pháo thủ có uy tín và khả năng được tin tưởng nhất trong đội làm người đỡ pháo.

Chân pháo thủ đứng vuông với hai vai, khuỷu tay tỳ vào bụng, hai bàn tay xòe ra đỡ lấy bụng pháo và giữ pháo cân bằng. Khi gieo, pháo thủ nín thở rồi thả pháo xuống đất bằng. Một tiếng nổ trầm ấm vang lên và manh pháo bung ra, càng dài, càng thẳng, như một con trăn đất nằm thở, thì tiếng vỗ tay và reo hò càng vang lên rạng rỡ và thích thú.

Sau mỗi cuộc đấu pháo, có người thắng kẻ thua. Kết thúc lễ hội, pháo thủ và khán giả cùng vui bên mâm cỗ, bao nhiêu khắc khoải, vừa khen nhau chơi pháo thật hay hoặc cùng nhau thủ thỉ rút ra nhiều kinh nghiệm mới cho hội thi pháo lần sau, câu chuyện cứ thế mà nối dài...

Hội pháo đất không những đã mang lại tiếng cười sảng khoái, niềm vui cho bà con  nông dân sau những ngày lao động vất vả mà còn thể hiện sự đoàn kết cộng đồng, niềm tự hào với truyền thống quê hương.

Quang Dương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh