THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 02:16

“Nàng Xuân” xứ Huế

1. Xứ Huế trở thành một phần của nước Đại Việt khi vua Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) của Champa dâng hai châu Ô, Lý cho nhà Trần vào năm 1306 như một món quà sính lễ để cưới Huyền Trân Công Chúa làm vợ.

Huyền Trân Công Chúa, sinh năm Đinh Hợi 1287, là công chúa duy nhất của vua Trần Nhân Tông và là em gái của vua Trần Anh Tông. Năm 1301, Thượng hoàng Nhân Tông cùng phái bộ vân du qua Champa đã hứa gả Huyền Trân Công Chúa cho vua Champa là Chế Mân. Năm 1306, Chế Mân đón dâu về Champa, lúc này Huyền Trân Công Chúa vừa tròn 20 tuổi. Tương truyền là bài “Nước non ngàn dặm” theo điệu Nam Bình, có người cho rằng chính Huyền Trân Công Chúa đã soạn ra trong lúc đi đường sang Chiêm quốc: “Nước non ngàn dặm ra đi... Mối tình chi! Mượn màu son phấn Đền nợ Ô, Ly. Xót thay vì, Đương độ xuân thì. Số lao đao hay là nợ duyên gì?...”. Hậu thế xem Huyền Trân Công chúa như là người đã khai canh ra vùng đất Thuận Hóa. Các triều đại sau đều sắc phong bà là thần hộ quốc. Vua triều Nguyễn ban chiếu đền ơn công chúa “trong việc giữ nước giúp dân, có nhiều linh ứng”, nâng bậc tăng là “Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần”. Ngày nay, để nhớ ơn vị công chúa này, một Trung tâm văn hóa mang tên Huyền Trân đã được lập nên tại vùng núi Ngũ Phong, cách trung tâm thành phố Huế 10km. Lưu bút của bà Trương Mỹ Hoa, nguyên phó Chủ tịch nước lưu tại điện thờ Huyền Trân công chúa tại Huế đã viết như sau: Có những vấn đề của phụ nữ phải được giải quyết từ Quốc gia, có những vấn đề của Quốc gia phải giải quyết từ người phụ nữ.

Hai người vợ của vua Thành Thái. Ảnh chụp năm 1907 ở Huế. Ảnh: internet.


2. Khi vào trấn thủ xứ Thuận – Quảng, chúa Nguyễn Hoàng bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Người dân địa phương cho biết, đây là đồi Hà Khê, đêm đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ, quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”. Tin vào lời sấm truyền đó, năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương đặt tên là chùa Thiên Mụ, mở ra sự cai trị của nhà Nguyễn với 9 chúa, 13 vua.

3. Đến nay, trong dân gian vẫn lưu truyền câu truyền khẩu: “Học trò xứ Quảng ra thi, thấy cô gái Huế chân đi không đành”. Thời nhà Nguyễn, Kim Long là xứ có nhiều người con gái đẹp. Lớn lên trong các gia đình danh gia vọng tộc con gái Kim Long có dáng người mảnh khảnh, mái tóc thề ôm trọn bờ vai, đôi mắt đen to tròn, ánh nhìn day dứt, lại phảng phất nét lạnh lùng. Chính vì vậy, các cô gái Kim Long được làm vợ vua rất nhiều. Chẳng hạn, Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ có nhiều cô con gái và cô nào cũng rất xinh đẹp. Trong đó, một cô gả cho vua Đồng Khánh, một cô gả cho vua Thành Thái. Nhưng ít ai biết được con gái Kim Long cũng có một ý chí chống giặc không thua gì bậc nam nhi. Vua Thành Thái, vị vua yêu nước đã lập ra một đội nữ binh đặc biệt, khoảng 200 cô, đa số là những o con gái Kim Long mỹ miều nhằm che mắt Pháp, đánh lạc hướng giặc rằng mình cũng là một vị vua mê sắc dục tột cùng để mưu đại sự. Việc tuyển mộ và huấn luyện được tổ chức hết sức bí mật. Nhà vua cho lính cận vệ thân tín đến tiếp xúc với những cô gái Kim Long và gia đình các cô. Nếu được chấp thuận, vua cho “dàn cảnh” bắt cóc, bằng cách hẹn ngày giờ và địa điểm gặp gỡ, rồi lính cận vệ, hoặc chính nhà vua đem xe song mã đến đón họ và đưa vào cung cấm. Để bảo mật, các cô gái bị “bắt cóc” thường được đưa vào Tử Cấm Thành bằng cửa Hữu của thành Nội, gần làng Kim Long, vì con đường chạy dọc theo bên ngoài Hoàng thành dẫn đến cửa Hữu rất vắng vẻ vào ban đêm, hai bên đường lại không có nhà cửa của dân chúng. Cũng vì vậy, các cô gái Kim Long được tuyển mộ ưu tiên nhiều hơn cả. Bởi thế dân gian lan truyền câu ca: “Kim Long có gái mỹ miều/ Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi”.

 

Vẻ đẹp phụ nữ xứ Huế. Ảnh: internet.

Có thể nói, không chỉ Kim Long, những cô gái Huế vốn dịu dàng, đằm thắm, sâu lắng đến lạ kỳ nhưng luôn nồng nàn lòng yêu nước theo tinh thần “giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”. Năm 1967,  Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xem ký hoạ từ miền Nam gửi ra được trưng bày tại Hội Văn nghệ. Bà Nguyễn Khoa Bội Lan, một cán bộ nữ người Huế, nhớ lại: “Đến trước một bức vẽ một chị cao to, đầu tóc bối ngược, tay trái chống nạnh, tay phải đưa thẳng ra chỉa ngón tay trỏ xỉa xói một thằng Mỹ. Bác hỏi: “Chị này có phải con gái Huế không?”. Anh Mai Văn Hiến trả lời: “Chị này là người Nam Bộ”. Bác nói: “Bác muốn hỏi cô Lan kia, cô Lan đâu rồi?” Tôi bước đến, Bác nói: “Con gái Huế của cô có hay đấu tranh với địch kiểu này không?” Tôi trả lời: “Thưa Bác hạn hữu thì cũng có nhưng nói chung thì không”. Bác cười: “Con gái Huế của cô ăn nói nhỏ nhẹ, dịu dàng lắm nhưng khi chanh chua thì cũng không thua ai”.

Chỉ một năm sau đó, trong Xuân Mậu Thân 1968, chiến công của 11 cô gái sông Hương đã góp phần để quân và dân ta làm chủ thành phố Huế trong 26 ngày đêm, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen: “Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường/Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường/Bác khen các cháu dân quân gái/Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”.

4. Những người phụ nữ Huế đã tạo ra 2 đặc sản ẩm thực khiến du khách thập phương khó lòng có thể bỏ qua. Đó là, cơm hến và cơm Âm Phủ.

Dân gian kể lại rằng: Cách đây 200 năm, dưới thời vua Gia Long, khi chồng đi bắt cá tôm thì một người đàn bà họ Huỳnh cặm cụi ra bờ sông ở Cồn Hến mò bắt hến. Mỗi buổi sáng sớm, khi chưa bắt được tôm cá, người vợ đã chế biến ra món ăn làm từ cơm nguội ăn với hến. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sau này đã miêu tả: “Món cơm nguội với những con hến nhỏ lăn tăn làm sốt ruột người chế biến món ăn, gọi là cơm hến”. Nhà thơ Võ Quê, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã ví von về món ăn khoái khẩu này rằng: Đã nghe ớt đỏ cay nồng/Tìm trong vị hến một dòng Hương xanh/Ruốc thơm, cơm nguội, rau lành.../Mời anh buổi sáng chân thành món quê.

Tôn Nữ Na Uy - top 20 Hoa hậu Việt Nam năm 2010. Ảnh: internet.


Về món cơm Âm phủ, chuyện xưa được lưu truyền lại rằng: Vua Bảo Đại  thường “vi hành” trong dân gian. Trong một lần như thế, khi trời đã tối, vua cảm thấy đói bụng và đã ghé vào một nhà bà lão. Bà lão tiếp đãi vua một dĩa cơm nóng với những thức ăn sẵn trong ngày hôm đó như dưa leo, rau cải, trứng, thịt… được thái sợi. Vua được bà lão mời ăn trên cái chõng tre với ánh sáng từ một ngọn đèn dầu. Nhưng do vua đi đường mệt, đói bụng nên vua ăn rất ngon miệng, không nề hà chi cảnh xung quanh nữa. Ăn xong, khi ra về, vua mới thấy nhà bà lão nằm trên một bãi đất bị sụp xuống, giống dưới bị sụp xuống âm phủ. Khi về cung, chán ngán hơn hào hải vị, vua Bảo Đại lại nhớ đến món ăn lúc trước trong dân gian. Do đó, vua ra lệnh mở cuộc tuyển chọn các đầu bếp trong Kinh thành để vào cung chế biến món ăn này cho vua. Không phụ lòng mong đợi của vua Bảo Đại, có một vị đầu bếp qua những gì vua miêu tả lại đã chế biến thành công món ăn kỳ lạ này.

5. Để con cháu có lòng hiếu thảo, người phụ nữ Huế không ngừng nuôi dạy con cháu bằng hiếu đạo. Trong lần đi cùng nhà văn Lê Vũ Trường Giang (Tạp chí Sông Hương) đến Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu quán Huế, tôi đã xúc động và khâm phục khi được nghe nội dung cuốn sách “Thư gửi con” (Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2012) của TS. Thái Kim Lan, một người phụ nữ xứ Huế lập nghiệp ở phương trời Tây. Được biết, “Thư gửi con” của TS. Thái Kim Lan dành cho cô con gái Mai Lan. Mai Lan sinh ra, lớn lên và sinh sống ở CHLB Đức, học tập nền giáo dục phương Tây nhưng cô gái này lại không giống như những đứa trẻ phương Tây khác. Bởi khi ra đời, Mai Lan được nằm trong chiếc nôi tre được mẹ cẩn thận đưa từ Việt Nam sang, được mẹ dạy cho tiếng Việt khá nhuần nhuyễn, được mẹ căn dặn “phải biết vâng lời của bà nội nghe con” và niệm Phật khi đã trưởng thành khôn lớn. Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương, chia sẻ: “Nếu ai gặp Mai Lan cũng sẽ cực kỳ yêu quý cô, không những về bề ngoài xinh đẹp mà còn vì cái cách cô, một cô gái phương Tây biết giữ lễ phép truyền thống và lòng hiếu đạo của người phương Đông”.

6. Ở Huế, các gia đình có con gái mới lớn đa phần tư tưởng vẫn còn phong kiến. Họ quan niệm sự kín đáo, khép nép của phụ nữ Huế là ở mọi nơi mọi lúc. Do đó, trong nhiều cuộc thi sắc đẹp trong nước, vẻ đẹp mỹ miều, thơ ngây của những cô gái Huế ít khi xuất hiện. Nhưng với làn sóng hội nhập văn hóa vùng miền, những cô gái Huế cũng đã bắt đầu bước vào vũ đài tôn vinh sắc đẹp và kết quả đã khiến cho cả nước kinh ngạc trước vẻ đẹp của mình. Đó là vào năm 2010, khi mới 19 tuổi, cô gái xứ Huế Tôn Nữ Na Uy, cháu đời thứ 12, hệ nhất, dòng dõi Nguyễn Kim, sinh viên khoa Tài chính ngân hàng, trường đại học Kinh tế Huế đã đi thi Hoa hậu Việt Nam và lọt ngay vào Top 20. Dù không giành được vị trí cao nhất nhưng Tôn Nữ Na Uy đã khiến cho cả nước biết đến vẻ đẹp của con gái Huế e ấp, dịu dàng.

Lê Thị Hà Thu chiến thắng ở giải thưởng phụ Chiến binh Trái Đất tại cuộc thi Hoa hậu Trái Đất 2017. Ảnh: internet.

Vào năm 2014, cô sinh viên khoa Du lịch – Đại học Huế Lê Thị Hà Thu đoạt giải Á hậu 1 Hoa hậu Đại dương Việt Nam. Năm 2015, cô đã lọt top 17 chung kết Hoa hậu Liên lục địa 2015 và chiến thắng giải phụ Thí sinh được yêu thích nhất. Năm 2017, cô lọt vào top 16 Hoa hậu Trái Đất 2017 với chiến thắng ở các giải phụ như Hoa hậu Ảnh, Chiến binh Trái Đất, Trang phục dạo biển đẹp nhất. Đặc biệt, người đẹp gốc Huế đứng thứ 57 trong danh sách 90 người đẹp năm 2017 do chuyên trang sắc đẹp Missosology bình chọn.

NGUYỄN VĂN TOÀN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh