THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:50

Nắng nóng tăng nhiệt, chi phí sinh hoạt đội lên theo

 

Nắng nóng đỉnh điểm tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên nhiều so với trước. Đặc biệt là giá các nhu yếu phẩm, tiền điện, nước tiêu thụ trong tháng nắng cũng tăng mạnh khiến nhiều bà nội trợ lo lắng sẽ “vỡ quỹ" chi phí sinh hoạt của gia đình.

Nắng nóng khiến hàng bán rau chỉ lèo tèo vài loại.

 

Tin vui từ tháng 7, mức lương cơ sở tăng từ 1.300.000 đồng/tháng lên 1.390.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt nắng nóng kỷ lục khiến nhiều thực phẩm tăng giá, đặc biệt là những thực phẩm giải nhiệt.

Nắng nóng khiến rau xanh khó tăng trưởng, trong khi nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao, đặc biệt là những loại rau có tác dụng thanh nhiệt: Mùng tơi, rau đay, rau ngót… Những loại rau này không những chậm phát triển vì nắng nóng mà trong điều kiện thời tiết này việc bảo quản rất khó khăn. Thậm chí, rau vừa cắt xong đã héo, nếu tưới nước vào cũng chỉ bảo quản được trong ngày. Vì thế, cả tuần nay, giá rau xanh tại Hà Nội tăng 50% so với trước. Dù giá cao nhưng điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt nên rau không mềm, non và ngon.

Bên cạnh rau xanh tăng giá thì cua đồng là mặt hàng tăng giá cao nhất trong số các loại thực phẩm ngày hè. Thông thường, mỗi lạng cua đồng có giá dao động từ 14 - 15 nghìn đồng nhưng nay giá cua tại nhiều chợ dân sinh ở Hà Nội tăng lên mức 20 nghìn đồng/lạng. Theo lý giải của các tiểu thương, giá cua tăng vì lượng cua tại các chợ đầu mối giảm mạnh trong khi nhu cầu tiêu thụ cua đồng nấu canh để giải nhiệt trong những ngày hè tăng cao.

Do giá lợn hơi tăng cao hơn tháng nay nên giá thịt lợn tại các chợ hiện vẫn đang neo ở mức cao: Thịt sấn mông, vai, thăn có giá 80.000 đồng/kg; thịt ba chỉ, thịt nạc 100.000 đồng/kg. Giá thịt cao, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của người dân giảm mạnh. Chỉ riêng mặt hàng xương sườn dù giá cao 110.000 đồng/kg vẫn bán chạy, luôn là mặt hàng hết đầu tiên của hàng bán thịt.

Giá cua đồng tăng thêm 50.000 đồng/kg do nắng nóng.

 

Chị Hoàng Minh Hiền (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Nắng nóng nên nhu cầu ăn uống cũng thay đổi. Đến bữa cơm thường phải có bát canh chua hay canh cua với quả cà muối mới dễ ăn nên dù rau đắt, cua đắt cũng phải chấp nhận”.

Thời tiết nắng nóng không chỉ khiến chi phí ăn uống hàng ngày tăng lên vì đắt đỏ mà các gia đình còn phải chi thêm một khoản tiền không nhỏ thực phẩm giải nhiệt. “Ngày nào cũng phải bổ sung thêm các món chè đỗ đen, đỗ xanh không thì cũng phải mua tào phớ, nước mía, nước cam… để giải nhiệt. Tính ra, mỗi ngày riêng chi phí cho các món giải nhiệt cũng lên đến 50 nghìn đồng”, chị Hiền cho biết thêm.

Trong khi đó, thời tiết nắng nóng nên các khoản chi tiêu cho tiền điện, tiền nước cũng tăng cao khiến nhiều hộ gia đình bị “vượt chi” đáng kể. Trước đây, mỗi tháng hóa đơn tiền điện của gia đình chị Nguyễn Thanh Mai (Sài Đồng, Hà Nội) không vượt quá 300 nghìn đồng/tháng vào mùa đông và 500 nghìn đồng/tháng vào mùa hè. Tuy nhiên, hóa đơn tiền điện tháng 5 vừa rồi của gia đình chị đã vượt lên 700 nghìn đồng. Dự kiến hóa đơn tiền điện tháng 6 sẽ lên trên 1 triệu đồng bởi nắng nóng nên điều hòa gần như bật suốt ngày đêm.

Chưa kể, để xoa dịu cái nóng, nhu cầu sử dụng nước của các gia đình cũng tăng lên. Do cách tính lũy tiến, dùng càng nhiều thì mức giá càng đắt nên dự kiến hóa đơn tiền điện, tiền nước của các gia đình sẽ tăng cao trong mùa hè này. Bên cạnh đó, từ tháng 6, giá gas tăng thêm nên chi phí sinh hoạt tăng lên theo.

Chị Mai chia sẻ: “Chưa kịp vui vì lương tăng thì gánh nặng chi tiêu trong mùa hè khiến gia đình tôi phải tính toán căn cơ các khoản chi tiêu để không bị thiếu. Tuy nhiên, hầu hết các khoản chi phí phát sinh đều do thời tiết khắc nghiệt chứ không phải vì tăng lương mà giá cả tăng theo. Hy vọng, ít ngày tới, thời tiết hạ nhiệt, chi phí sinh hoạt của gia đình cũng sẽ giảm theo”.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh