CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:07

Nắng nóng đỉnh điểm, bệnh viện chật kín bệnh nhân

Bệnh viện tăng cường các giải pháp chống nóng cho bệnh nhân

Những ngày vừa qua, trời nắng liên tục, nhiệt độ tăng cao, có khi lên đến 40 độ C, nhiều người đã gặp phải các vấn đề về sức khỏe do nắng nóng, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ. Tại nhiều bệnh viện, số lượng bệnh nhân đến khám tăng hơn hẳn so với những ngày thời tiết mát mẻ trước đó.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian nắng nóng gay gắt, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng từ 2.500 - 3.000 lượt bệnh nhân đến khám. Bác sĩ Ngô Anh Vinh (Khoa Cấp cứu - Chống độc) cho biết trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, mỗi ngày khoa tiếp nhận hơn 100 ca cấp cứu. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu là các bệnh lý đặc trưng của mùa hè là sốt virus, tiêu chảy, nhiều trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính như viêm họng, ho, chuyển biến nặng hơn là viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não… Tuy nhiên cũng có một số trẻ nhập viện vì sốc nhiệt, viêm đường hô hấp biến chứng sang viêm phổi nặng, sốt cao khó hạ thân nhiệt. Theo các bác sĩ, chính sự thay đổi của thời tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như: vi khuẩn, virus… dễ bùng phát và tấn công khiến trẻ rất dễ mắc bệnh vì trẻ em có sức đề kháng còn yếu kém.

Tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, số lượng bệnh nhân nhập viện ngày 2/7 là 217 người, tăng 35% và số bệnh nhân đến khám là 1.586 người, tăng 30% so với mức trung bình của những ngày trước đó. Tại Khoa Nhi, Tiêu hóa và Dinh dưỡng, nhiều bệnh nhi đang điều trị sởi, tay chân miệng, viêm màng não và viêm não Nhật Bản (trong đó có cả bệnh nhân đã tiêm phòng viêm não Nhật Bản), lượng bệnh nhi tăng từ 5 đến 7% so với trước. Điều đáng lo ngại là có nhiều trẻ bị sốc nhiệt, viêm đường hô hấp dẫn đến viêm phổi nặng, sốt cao khó hạ thân nhiệt. Nguyên nhân là trẻ ra, vào phòng điều hòa liên tục, cơ thể không thích ứng kịp với sự chênh lệch nhiệt độ.

Tại bệnh viện Lão khoa Trung ương, bác sỹ Trần Viết Lực, Trưởng khoa Khám bệnh cho biết, thời tiết nắng nóng những ngày qua nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng các bệnh về hô hấp, tim mạch, huyết áp thần kinh, tiêu hóa. Theo kinh nghiệm vào các năm trước, vào những đợt nắng nóng kéo dài, lượng người già nhập viện thường quá tải, nhiều người bị đột quỵ, tim mạch.

 

Nắng nóng đỉnh điểm khiến bệnh nhân nhập viện gia tăng


Để chống nắng, nóng cho bệnh nhân, các bệnh viện ở Hà Nội đã tăng cường công tác phòng, chống nắng, nóng; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện chống nóng cho người bệnh đến khám và điều trị tại bệnh viện như quạt, bạt che, nước uống, nước sinh hoạt và hướng dẫn chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh. 

Ngoài bổ sung các phương tiện chống nóng cho người bệnh, các bệnh viện cũng thực hiện nhiều giải pháp giảm tải cho khu vực khám bệnh, giảm tối đa trình trạng bệnh nhân phải nằm ghép; tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế về các biện pháp cấp cứu, xử lý trường hợp say nắng, say sóng và các bệnh dịch thường gặp trong mùa nắng nóng; chuẩn bị đủ cơ số thuốc, dịch truyền sẵn sàng cấp cứu người bệnh say nắng, say nóng và các bệnh mùa Hè. 

Người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe

Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau: Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang... chống nóng. 

Mọi người nên uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol... Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

 

Nếu buộc phải ra đường, người dân cần trang bị các phương tiện chống nắng 


Bên cạnh đó, không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người. Đồng thời, cần thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể; tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

Cùng với đó, người dân nên thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Sẵn sàng xử lý trường hợp cấp cứu do nắng nóng

Trước tình trạng nắng nóng gay gắt của thời tiết đang ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, ngày 3/7, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và y tế các bộ, ngành đề theo dõi chặt chẽ diễn biến dự báo thời tiết, tăng cường chỉ đạo và thực hiện công tác khám chữa bệnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh và phòng tránh tác hại của nắng nóng đến sức khỏe...

Theo đó, tại khoa khám bệnh, các cơ sở y tế cần bố trí đủ ghế ngồi, bổ sung quạt bảo đảm thoáng, mát cho người bệnh trong thời gian chờ khám. Các đơn vị lắp điều hòa nhiệt độ (nếu có điều kiện); cung cấp nước uống miễn phí cho người bệnh; bố trí đầy đủ bàn khám; sắp xếp, cải tiến quy trình khám bệnh hợp lý, tổ chức tiếp đón, nhanh chóng sàng lọc người bệnh cấp cứu để giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh. 

DUY ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh