CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:06

Nắng nóng: Cha mẹ không nên chủ quan với những bệnh lý thường gặp ở trẻ

Thăm khám trẻ em.

Thăm khám trẻ em.

Một số bệnh lý thường gặp ở trẻ mùa nắng nóng

Cảm nắng, say nắng: Đây là căn bệnh nguy hiểm do nắng nóng. Khi trẻ ở quá lâu ngoài trời nắng, tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy khiến trung tâm điều hoà thân nhiệt của cơ thể bị rối loạn và gây nên tình trạng mất nước. Khi bị say nắng, trẻ thường có dấu hiệu mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu… Thân nhiệt của trẻ có thể lên tới 39,5 độ hoặc cao hơn. Các dấu hiệu khác như da nóng, đỏ và khô (không ra mồ hôi), mạnh nhanh…Tình trạng nặng hơn là trẻ hôn mê, rối loạn ý thức. Say nắng có thể dẫn tới tử vong hoặc di chứng thần kinh nặng nề nếu không được điều trị kịp thời.

Các bệnh về tiêu hoá: Một trong những nguyên nhân gây cho trẻ bị các bệnh lý về đường tiêu hoá như ngộ độc thức ăn, tiêu chảy, dẫn tới suy dinh dưỡng… là do dụng cụ ăn uống (bát đũa, cốc nước, bình bú cho trẻ nhỏ…) không được vệ sinh sạch sẽ hoặc tay chân không được sạch. Một số nguyên nhân khác như cách thức bảo quản thực phẩm không đúng (cả trước hay sau khi chế biến), người lớn chủ quan để đồ ăn bên ngoài nhiệt độ thường làm cho chúng bị ôi thiu hoặc lên men. Mùa nắng nóng, ẩm tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và ruồi nhặng gây bệnh và lây lan mầm bệnh nhanh chóng. Lúc này, hệ tiêu hoá bị ảnh hưởng, hoạt động kém đi, làm cho trẻ kén ăn, suy dinh dưỡng. Tiêu chảy và suy dinh dưỡng tạo thành một vòng xoắn bệnh lý: tiêu chảy dẫn đến bệnh suy dinh dưỡng và khi trẻ bị suy dinh dưỡng lại có nguy cơ cao bị tiêu chảy. Tiêu chảy nếu để lâu, kéo dài sẽ gây ra hiện tượng mất nước và điện giải liên tục. Vậy nên, ngay khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu của tiêu chảy và mất nước như môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, quấy khóc… là phải đưa trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế địa phương gần nhất.

Các bệnh về hô hấp: Trời nóng, đổ nhiều mồ hôi sau khi hoạt động lâu ở ngoài nắng, trẻ hay có thói quen vào phòng điều hoà công suất mạnh, ngồi trước quạt mát mở tốc độ lớn sẽ dễ gây ra tình trạng khô vùng mũi họng, khô chất nhầy bảo vệ đường hô hấp, thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập. Ngoài ra, cho trẻ uống nước lạnh, tắm nước mát cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng sốc nhiệt và các bệnh lý nặng về đường hô hấp như ho đờm, ho gà, viêm phổi nặng…

Nhiều bệnh nhi thăm khám vì thời tiết thay đổi.

Nhiều bệnh nhi thăm khám vì thời tiết thay đổi.

Bảo vệ sức khỏe trẻ trong thời tiết nắng nóng, gia đình cần lưu ý: Không ra ngoài trong thời gian nắng nóng đỉnh điểm từ 9h sáng đến 16 giờ chiều; Cung cấp đủ nước cho trẻ, ăn thực phẩm nhiều vitamin, chú ý bảo quản thực phẩm tránh ôi thiu; Tránh tiếp xúc với người đang bị ốm sốt; Điều chỉnh điều hòa ở mức trên 27 độ C không chênh lệch quá với nhiệt độ bên ngoài; Khi cho trẻ đi tắm biển, hồ, sông, suối chú ý quan sát trẻ không để trẻ đuối nước; Trang bị các kĩ năng cấp cứu tại chỗ và cho trẻ học bơi; Tiêm phòng đầy đủ và ngủ màn tránh muỗi đốt, Thực hiện thông điệp 2K của Bộ Y tế…

Các bệnh về da: Nắng nóng sẽ làm cho tuyến mồ hôi và các chất nhầy hoạt động nhiều để giảm nhiệt và thải độc tố, tạo nên những vùng ẩm ướt ở các vùng da lưng, trán, dưới cổ, kẽ ngón tay, khu vực dưới cánh tay, cổ chân, bẹn, … Sự ứ đọng, tích tụ dưới lỗ chân lông của cơ thể kết hợp cùng các loại vi khuẩn, gây ra bệnh nấm ngứa, rôm sảy, mụn nhọt, viêm nhiễm cho da, sốt cao…

Các bệnh truyền nhiễm: Thời điểm giao mùa, có những lúc độ ẩm trong không khí cao, điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh như bệnh tay- chân – miệng. Đa phần bệnh có diễn biến nhẹ như sốt nhẹ, tiêu chảy, nổi nốt phỏng li ti ở miệng hay mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân. Hầu hết bệnh tự khỏi, tuy nhiên một số trường hợp bệnh có thể diễn biến nặng, các biến chứng, nguy hiểm như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và có thể gây tử vong nhanh chóng. Ngoài ra, trẻ cũng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác như sởi, thuỷ đậu, sốt xuất huyết… đều có thể để lại di chứng về sau nếu không kịp phát hiện và điều trị sớm.

Lưu ý để phòng bệnh cho trẻ trong mùa nắng nóng

Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, nhìn chung, mùa hè là thời điểm rất thích hợp cho trẻ học tập, khám phá, vui chơi và hoạt động thể chất, tuy nhiên đây cũng chính là điều kiện thuận lợi cho nấm và các siêu sinh vật có hại phát triển, là môi trường ẩn nấp, sinh sôi và lây lan mầm bệnh rất nhanh.

Trong mùa nắng nóng, nên cho trẻ ở trong nhà thoáng khí, mát mẻ, tránh để cho trẻ hoạt động vui chơi, thể chất ngoài nắng quá lâu. Nếu cần ra ngoài, cho trẻ đội mũ vành rộng, quần áo sáng màu, chất vải nhẹ nhàng. Nếu đi biển, không cho các em tắm vào thời điểm nắng nóng từ 10-16 giờ. Khi trẻ rơi vào tình trạng say nắng, cần lập tức đưa trẻ vào vùng râm mát, thông thoáng và tìm cách hạ thân nhiệt cho trẻ như chườm mát băng khăn mát, nới lỏng quần áo, bù nước và các dung dịch điện giải bằng đường uống.

Chú ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ, cho trẻ uống đủ nước, đảm bảo “ăn chín, uống sôi”, nguồn thức ăn phải tươi, sạch, dụng cụ cho trẻ ăn uống phải sạch, bảo quản đồ ăn đúng cách.

Hạn chế để trẻ vui chơi hoặc đi đến những nơi đông người để tránh bị lây nhiễm các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đặc biệt trong mùa dịch Covid-19.

Chủ động cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch. Giữ vệ sinh sạch sẽ thân thể và môi trường sống của trẻ. Dạy trẻ biết rửa tay bằng xà phòng đúng cách, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh…

Bệnh mùa nắng nóng không thực sự đáng sợ nhưng nếu lơ là, chủ quan, không được phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh sẽ có thể chuyển biến nặng. Vì vậy, ngoài việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ môi trường sống lành mạnh, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý theo sát trẻ. Khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được phát hiện và xử trí kịp thời.

QUÝ ĐỨC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh