THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 05:57

Năng lượng bền vững – hướng tới một nền kinh tế có mức phát thải thấp

 

 

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, Việt Nam đã và đang huy động những nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ cho phát triển điện lực, bảo đảm cung cấp đủ điện với chất lượng ngày càng cao, giá điện hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó tập trung tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên năng lượng, cũng như thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Nhu cầu năng lượng của Việt nam tăng rất nhanh trong 15 năm qua với mức tăng trưởng năng lượng thương mại khoảng 9,5%/năm và tiếp tục tăng khá cao trong 15 năm tới. Nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam cũng tăng trung bình khoảng 13%/năm trong giai đoạn 2006-2010 và khoảng 11%/năm trong các năm 2011 đến 2016.

Năm 2015, tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc của Việt Nam là khoảng 55 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050 đề ra mục tiêu phấn đấu bảo đảm cung cấp năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội: cụ thể đến năm 2020 đạt khoảng 100-110 triệu TOE năng lượng sơ cấp và khoảng 310-320 triệu TOE vào năm 2050.

Để bảo đảm an ninh năng lượng, Việt Nam hiện đang chuyển đổi từ một nước xuất khẩu năng lượng thành một nước nhập khẩu năng lượng, dự kiến nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than, chiếm 31% nhu cầu than cho phát điện vào năm 2020.

Ông Wolfgang Manig, Đại biện Lâm thời Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam chia sẻ, CHLB Đức nhiều năm qua đã hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường năng lượng bền vững và sử dụng năng lượng hiệu quả thông qua kênh hợp tác phát triển song phương, cũng như thông qua sự tham gia của khu vực tư nhân. CHLB Đức sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm có được trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Cùng với các đối tác mạnh mẽ giống như Việt Nam, CHLB Đức đang đi tiên phong trong việc hướng tới giảm thiểu thải các-bon trong nền kinh tế. Đây là một điều thiết yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Chủ tịch và Tổng Giám đốc Khu vực của Tập đoàn Siemens, ông Armin Bruck tin tưởng, với công nghệ tiên tiến của Siemens, có thể hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Việt Nam trên lộ trình trở thành một quốc gia công nghiệp và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Vị Chủ tịch Armin Bruck cũng chia sẻ, để bảo đảm cung cấp năng lượng tin cậy và tối ưu hóa việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng. Việt Nam cần phát huy cao nhất mức độ sử dụng năng lượng hiệu quả, bao gồm các nguồn năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh, thay đổi từ mô hình điện tập trung cho đến mô hình điện phân bố,… trong lộ trình đưa Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

PHẠM TUẤN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh