THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 04:50

Nâng cao xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN


Phát biểu tại Hội thảo, ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngoài việc thúc đẩy giao dịch, trao đổi thương mại trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), lợi ích mà các thành viên có được là giúp tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ hơn, phân bổ nguồn lực tốt hơn, tăng cường năng lực sản xuất và tính cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên.


“Năm 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập sau hơn 10 năm chuẩn bị có quy mô dân số lớn với trên 600 triệu dân của 10 nước ASEAN và tổng GDP hàng năm khoảng 2.000 tỷ USD. cộng đồng này sẽ tạo ra một khu vực kinh tế có tính cạnh tranh cao, hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu”, ông Linh nhấn mạnh.
Nhìn nhận về vấn đề này tại thời điểm hiện nay, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương đánh giá, cộng đồng kinh tế ASEAN đang được nhìn nhận ở 2 góc độ.
Thứ nhất đây như là một hiệp định kinh tế thương mại tự do giữa các nước ASEAN ký kết với nhau. Trong đó, tỷ lệ bãi bỏ thuế quan của các nước ASEAN là 98% nhưng với các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanma mới chỉ đạt 91% và sẽ cố gắng đạt mức 98% vào năm 2018.

"Mức bãi bỏ thuế quan của hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với Việt Nam là 100% nhưng phải đến năm 2028 mới có hiệu lực và đến năm 2018 mới chỉ dự kiến đạt từ 65 - 86%", ông Hưng cho biết thêm.
Ở góc độ thứ hai, Cộng đồng Kinh tế ASEAN được coi là một khuôn khổ hội nhập kinh tế khu vực. Tuy nhiên, vẫn chưa thể coi đây là một cộng đồng kinh tế hoàn chỉnh vì vẫn chưa có các quy định và các điều lệ rằng buộc.
Nhắc đến các cơ hội để các doanh nghiệp tham gia vào thị trường này ông Hưng đã chỉ ra 3 cơ hội, đầu tiên đó là hàng rào thuế quan bị loại bỏ, các hàng rào phi thuế bị cắt giảm tạo điều kiện cho hàng hóa dịch vụ của Việt Nam được lưu chuyển dễ dàng hơn trong khu vực ASEAN.

“Đây không chỉ là cơ hội để tiếp cận và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang thị trường khu vực ASEAN với hơn 60 triệu dân và tổng GDP hàng năm hơn 3.000 tỷ USD mà còn mở rộng sang các khu vực thị trường đối tác của ASEAN vì đây là một khu vực giao thoa giữa rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác ngoại khối như Ấn Độ, Trung Quốc, Úc và New Zealand”, ông Hưng thông tin.

Sau 10 năm kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với ASEAN tăng trưởng từ 3,3 tỷ USD (năm 1995) lên 42,1 tỷ USD (tăng gần 13 lần). Đặc biệt, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17,1%, đưa kim ngạch xuất khẩu từ gần 1 tỷ USD năm 1995 lên 18,3 tỷ USD năm 2015 (tăng hơn 18 lần).
Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng cơ hội xuất khẩu vào thị trường ASEAN, các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và tỷ lệ nội địa hóa.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần tập trung xây dựng thương hiệu dựa trên chất lượng và giá trị gia tăng. Đồng thời, chú trọng xây dựng kênh phân phối tại thị trường xuất khẩu và tăng cường nghiên cứu thị trường- xúc tiến thương mại nhằm khai thác triệt để các thị trường tiềm năng khu vực ASEAN.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh