Nâng cao vai trò và đóng góp của phụ nữ trong lĩnh vực đối ngoại
- Y học 360
- 01:20 - 04/10/2019
Để triển khai Bản ghi nhớ nêu trên, ngày 3/10/ 2019, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam (sau đây gọi là MOFA) và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (sau đây gọi là DFAT) đã đồng tổ chức Diễn đàn nâng cao vai trò và đóng góp của phụ nữ trong lĩnh vực đối ngoại trong kỷ nguyên số.
Tham dự diễn đàn có khoảng 80 đại biểu, trong đó có Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Australia Julie Heckscher, các Đại sứ Việt Nam, Australia, Nhóm không chính thức các Đại sứ về bình đẳng giới tại Hà Nội, và các cán bộ cấp cao của hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Australia.
Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đẩy nhanh quyết tâm thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ trong nỗ lực toàn cầu chống lại bất bình đẳng và không bỏ lại ai phía sau. Năm 2020 đánh dấu 75 năm thực hiện Hiến chương của Liên hợp quốc, thỏa thuận quốc tế đầu tiên khẳng định nguyên tắc bình đẳng giới và 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một lộ trình lịch sử để nâng cao quyền năng của phụ nữ và trẻ em gái.
Đóng góp vào nỗ lực toàn cầu đó, Diễn đàn đã tạo cơ hội để đại biểu của hai nước và các đối tác chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực bình đẳng giới, xử lý các định kiến giới, xác định những chính sách cần thiết và đề ra các biện pháp ưu tiên nhằm nâng cao vai trò và đóng góp của phụ nữ trong lĩnh vực đối ngoại trong kỷ nguyên số. Các đại biểu nhất trí cho rằng, thúc đẩy vai trò và đóng góp của phụ nữ và bình đẳng giới có ý nghĩa thiết yếu đối với sự thành công và tăng trưởng kinh tế của hai nước. Các đại biểu đánh giá tác động của kinh tế số đối với ngành đối ngoại cũng như những yêu cầu mới đặt ra đối với ngoại giao số. Trên tinh thần đó, Diễn đàn hoan nghênh nỗ lực và những thành tựu của hai nước nhằm thu hẹp khoảng cách giới và nâng cao quyền năng phụ nữ trong những năm qua.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ quan điểm về chiến lược hỗ trợ phụ nữ phát triển các kỹ năng lãnh đạo trong đối ngoại và nâng cao sự đóng góp, vai trò của phụ nữ trong hoạch định chính sách và quản lý, coi đây là yếu tố quan trọng để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm.
Các đại biểu cũng thảo luận những vấn đề đặt ra đối với các cán bộ nữ ngoại giao và đánh giá những lĩnh vực có thể hỗ trợ cũng như những thách thức đặt ra đối với các cán bộ nữ ngoại giao của hai nước. Các đại biểu cũng chia sẻ quan điểm về cách thức tận dụng cơ hội và ứng phó với thách thức do số hóa mang lại, chia sẻ kinh nghiệm trong việc trang bị cho phụ nữ trong lĩnh vực đối ngoại những kỹ năng cần thiết trong kỷ nguyên số của thế kỷ 21.
Để tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, MOFA và DFAT cam kết tăng cường hợp tác nhằm nâng cao nhận thức cho các cán bộ nam và nữ trong lĩnh vực đối ngoại về các chuẩn mực, thái độ và hành vi về vấn đề bình đẳng giới. Hình thức hợp tác là các hoạt động đào tạo và xây dựng năng lực cho các cán bộ nam và nữ về các chuẩn mực, hành vi liên quan đến giới, bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ, nhận diện những định kiến có ý thức hoặc vô thức về giới và một số vấn đề khác.
MOFA và DFAT cam kết tiếp tục xây dựng mạng lưới chặt chẽ hơn và tăng cường hợp tác giữa các cán bộ nữ ngoại giao. Hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa nâng cao vai trò và đóng góp của phụ nữ trong lĩnh vực đối ngoại, làm sâu sắc quan hệ song phương và hợp tác chặt chẽ hơn trên các diễn đàn đa phương trong lĩnh vực bình đẳng giới và các vấn đề cùng quan tâm khác, đặc biệt là khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.