CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 07:13

Nâng cao trình độ lao động, để tăng trưởng theo chiều sâu

Tỷ lệ giảm hộ nghèo: hoàn thành chỉ tiêu ở mức cao

Các đại biểu đều tán thành và đánh giá cao với Báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và những nhiệm vụ được xác định trong năm 2020.

Theo đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), những năm gần đây, nước ta được đánh giá là nước có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh và tương đối cao trong khu vực. Tăng trưởng năm 2018 là 7,07%, và năm 2019 theo Báo cáo của Chính phủ thì 12 chỉ tiêu Quốc hội giao đều đạt và vượt, trong đó GDP đạt 6,8%.

"Qua Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp này và qua theo dõi quá trình phát triển những năm qua cho thấy, chúng ta không chỉ đạt chỉ số GDP cao mà còn các chỉ tiêu khác cũng đạt được những kết quả tốt như tỷ lệ giảm hộ nghèo trong năm theo tiếp cận đa chiều của năm 2019 là 3,73 đến 4,23%, giảm 1 đến 1,5% so với năm 2018, hoàn thành mục tiêu Quốc hội giao ở mức cao, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong tuổi lao động còn khoảng 2,16%...", ông Tám dẫn chứng.

"Như vậy, đã chứng minh rằng chúng ta không chỉ đạt về tốc độ, mà đã đạt về hiệu quả của sự phát triển", đại biểu đoàn Kon Tum đánh giá cao.

Nâng cao trình độ lao động, để tăng trưởng theo chiều sâu - Ảnh 1.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang)

Cùng chung quan điểm, đánh giá cao an sinh xã hội đạt được năm qua, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nhấn mạnh, bên cạnh mức tăng trưởng kinh tế đạt ấn tượng 6,8%, nợ công giảm còn 57% GDP, thì "các vấn đề xã hội được quan tâm chăm lo, đời sống của nhân dân không ngừng cải thiện và nâng cao, củng cố được niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước", bà Thúy nói.

Nâng cao trình độ lao động, để tăng trưởng theo chiều sâu

Tán thành cao báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) lưu ý, kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa "hóa rồng hóa hổ".

Tăng trưởng của Việt Nam là nhanh bình quân 7%/năm trong hơn hai năm, giai đoạn này thấp hơn 7% nhưng vẫn là cao so với khu vực và thế giới.

Tuy nhiên xét về số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam. Đại biểu Hàm dẫn số liệu, cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, nhưng đến nay khoảng cách đó là hơn 8.000 gấp đôi và khoảng cách vẫn tăng qua các năm.

"Nếu không khắc phục được bất cập mà Chính phủ đã chỉ rõ trong báo cáo thì Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và thực ra cùng thời kỳ phát triển để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc bình quân từ 8 đến 10%/ năm", ông Hàm nói.

Theo đó, ông Hàm cho rằng có ba vấn đề cốt lõi cần dành nguồn lực thực hiện bằng được để tăng trưởng theo chiều sâu, gồm: Trình độ lao động, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, đặc biệt, chỉ có nâng cao trình độ lao động và đẩy mạnh ứng dụng khoa học mới có thể tăng trưởng theo chiều sâu.

Để làm được, vị đại biểu tỉnh Phú Thọ cho rằng, cần đổi mới mạnh mẽ hơn nưca, gắn giáo dục đào tạo với yêu cầu của thực tiễn, nhu cầu của doanh nghiệp. Có giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, vì "chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị gia tăng đột phá và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu", đại biểu Hàm nhấn mạnh.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh