THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:01

Nâng cao năng suất, chất lượng cây mía xứ Thanh

.

Được đánh giá là một trong những trung tâm mía đường của cả nước, Thanh Hóa hiện có 4 nhà máy đường hoạt động, tổng công suất chế biến 19.000 tấn mía/ngày. Có 17/27 đơn vị cấp huyện trồng mía nguyên liệu với khoảng 51.110 hộ trồng mía. Đảm bảo ổn định và phát triển vùng nguyên liệu mía được xem là yếu tố quan trọng để phát triển bền vững ngành mía đường ở xứ Thanh. Trên cơ sở đó, những năm qua, Thanh Hóa đã phát triển tốt vùng nguyên liệu mía đường, đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hoạt động; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 1 triệu người dân tham gia sản xuất và các dịch vụ sản phẩm của mía đường.

Chăm sóc mía

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, sản lượng mía nguyên liệu bình quân đạt 1,97 triệu tấn/vụ ép. Các công ty mía đường thường xuyên quan tâm đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại. Các chính sách hỗ trợ cho người trồng mía từng bước được cải thiện. Mối liên kết trong sản xuất giữa nhà máy với nông dân được hình thành và ngày càng gắn bó.

Từ thực tiễn vùng nguyên liệu mía đường, trên cơ sở dự báo các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất mía nguyên liệu trên địa bàn, Thanh Hóa xác định mục tiêu đến năm 2020, diện tích mía giảm còn 25.867 ha; năng suất đạt 90 tấn/ha; sản lượng mía nguyên liệu đạt 2,3 triệu tấn; trữ đường bình quân đạt 11 CCS; phát triển vùng mía thâm canh đạt diện tích 20.000 ha, năng suất từ 110 đến 120 tấn/ha.

Để đạt được mục tiêu trên, Thanh Hóa đã đề ra các giải pháp liên quan đến việc rà soát và điều chỉnh quy hoạch; giải quyết lợi ích của người trồng mía với doanh nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất mía nguyên liệu; đầu tư khoa học – công nghệ; triển khai thực hiện và xây dựng các chính sách. Đó là, các địa phương trong vùng nguyên liệu mía phối hợp cùng doanh nghiệp (DN) khai thác tối đa dư địa để nâng cao năng suất; chuyển toàn bộ diện tích mía có độ dốc trên 10 độ, giao thông khó khăn sang cây trồng khác, đồng thời nghiên cứu giải pháp chuyển đổi đất trồng lúa và cây trồng kém hiệu quả khác sang trồng mía. Tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học-công nghệ. Các ngành chức năng phối hợp với các DN xác định giống mía, cơ cấu giống cho từng vùng nguyên liệu nhằm đáp ứng khung thời vụ, nhất là tiến độ thu hoạch. Tăng cường ứng dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất. Đưa cơ giới hóa vào sản xuất mía - vấn đề này cần sự tham gia tích cực của DN và cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước.

Các doanh nghiệp chế biến mía đường xứ Thanh luôn đồng hành cùng người nông dân

Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng nguyên liệu mía cần củng cố tổ chức hợp tác xã (HTX), hình thành mô hình các tổ HTX, HTX mía đường. Tổ chức sản xuất mía theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Trên cơ sở đó, các huyện chủ động xây dựng mô hình với quy mô từ 100 ha trở lên; DN đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư; Nhà nước có chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, các DN mía đường cần phải ổn định công suất chế biến, phát huy công suất ép, sao cho thời gian hoàn thành vụ ép tối đa từ 120 đến 125 ngày. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Thanh Hóa phối hợp với các DN xây dựng lộ trình đưa năng suất mía lên 90 tấn/ha, góp phần giảm diện tích trồng mía xuống còn khoảng 25.000 ha. 

Hoàng Minh

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh