Nâng cao năng lực thanh tra ngành LĐ-TB&XH giai đoạn 2018-2020
- Tây Y
- 21:18 - 21/12/2017
Thời gian qua, thanh tra ngành LĐ-TB&XH đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ thanh tra ngành, góp phần thực hiện có hiệu lực và hiệu quả công tác thanh tra, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Cụ thể: đã kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng, năng lực đội ngũ thanh tra viên, hoàn thiện hành lang pháp lý, thống nhất quy trình, nội dung thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành. Đồng thời, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người lao động về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của các cơ quan thanh tra ngành LĐ-TB&XH.
Báo cáo kết quả sơ kết thực hiện đề án nâng cao năng lực thanh tra ngành LĐ-TB&XH đến năm 2020 giai đoạn 2013-2017 cho biết, đối với công tác thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực như: lao động, an toàn vệ sinh lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo hiểm xã hội… đã thanh tra tổng số 39.591 cuộc, tăng hơn 7000 cuộc so với giai đoạn 2008-2012, ban hành 187.126 kiến nghị (tăng 50.000 kiến nghị), 7525 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (tăng) với số tiền xử phạt là 119,585 tỷ đồng (tăng 64 tỷ đồng)…
Để thực hiện đề án có hiệu quả trong thời gian tới, các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến trong thực tiễn và những bài học kinh nghiệm tổ chức, thực hiện có hiệu quả các hoạt động thanh tra. Trong đó, các ý kiến đề xuất tập trung vào vấn đề biên chế cho ngành thanh tra, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành, nâng cao năng lực cho cán bộ ngành thanh tra…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, để Đề án triển khai có hiệu quả, các địa phương cần quyết tâm triển khai kịp thời, toàn diện và có hiệu quả các mục tiêu đề ra và đóng góp ý kiến nhiều hơn nữa để hoàn thiện đề án trong giai đoạn 2018-2020. Bên cạnh đó, thanh tra ngành LĐ-TB&XH cần có nhiều cách tiếp cận với người lao động một cách rõ ràng thông qua các văn bản cụ thể nhằm tuyên truyền đến người lao động, nắm bắt dễ dàng các quy định của ngành.
Dịp này Bộ LĐ-TB&XH cũng đã trao Bằng khen của Bộ trưởng cho các tập thể, các nhân có thành tích xuất sắc trong ngành thanh tra.
Trong giai đoạn 2018-2020, một trong những mục tiêu quan trọng của thanh tra ngành LĐ-TB&XH là tăng cường nâng cao năng lực đội ngũ thanh tra, cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về lao động, người có công và xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xây dựng chính phủ kiến tạo, hiện đại và phù hợp với công cuộc nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng cho công tác thanh tra ngành phát triển trong giai đoạn tiếp theo.