THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:45

Tự hào Thanh tra Ngành LĐ-TB&XH

 

Truyền thống, trách nhiệm thể hiện trong 7 thập kỷ qua

Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, ngày 28/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 226/SL quy định về tổ chức của Bộ Lao động và nhiệm vụ của các phòng ban trực thuộc, theo đó, Bộ Lao động có Nha thanh tra và hành chính.

 Thứ trưởng Đào Hồng Lan cùng lãnh đạo Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH tại lễ trao Quyết định nghỉ hưu cho đồng chí Phan Đăng Thọ-Phó Chánh Thanh Tra Bộ LĐ-TB&XH

Từ ngày thành lập đến nay, mặc dù trải qua nhiều thời kỳ khó khăn, gian khổ, tập thể cán bộ, công chức Thanh tra Bộ đã nêu cao tinh thần cách mạng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từ nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng chính sách và hướng dẫn chỉ đạo thực hiện các luật, lệ về lao động (thời kỳ 1946-1949); nhiệm vụ kiểm tra công tác cứu trợ xã hội, chống giặc đói, thực hiện chính sách Thương binh - Liệt sỹ (thời kỳ 1949-1956); nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động, xã hội (thời kỳ 1956-1987) cho đến thanh tra việc thực hiện pháp luật ở tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành (thời kỳ 1987 đến nay) trong đó những nội dung thanh tra chủ yếu là thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động; việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng; việc phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng; công tác cứu trợ xã hội, xoá đói, giảm nghèo; công tác phòng chống tệ nạn xã hội, công tác đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm...

Mặc dù tổ chức bộ máy của thanh tra Bộ biến động liên tục cả về số lượng và hình thức tổ chức, có những lúc biên chế của Thanh tra Bộ chỉ có 6 người, tính từ năm 1946 đến nay, hệ thống Thanh tra Bộ đã có 12 lần nhập, tách và thay đổi chức năng, nhiệm vụ, nhưng trong bất kỳ hoàn cảch nào, điều kiện nào, các thế hệ Thanh tra Bộ cũng luôn luôn phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bước vào thời kỳ đổi mới, do tác động của nền kinh tế thị trường, công tác thanh tra càng thêm phức tạp với sự đa dạng về lĩnh vực công tác, đa dạng về đối tượng và đa dạng về tính chất, mức độ vi phạm, càng đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải rèn luyện, trau dồi về phẩm chất chính trị và năng lực công tác. Người xưa có câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong giai đoạn này, tập thể cán bộ, công chức, người lao động Thanh tra Bộ đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Từ năm 1995 đến năm 2005, Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra tại 1.886 doanh nghiệp trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố và các Tổng công ty, qua thanh tra đã phát hiện và kiến nghị yêu cầu các doanh nghiệp sửa chữa 5.427 vi phạm, 525 kiến nghị đối với các cơ quan quản lý ở địa phương trong việc thực hiện chức năng quản lý trên địa bàn, đề xuất 72 vấn đề đối với các cơ quan nghiên cứu của Bộ trong việc sửa đổi, bổ sung chính sách; thanh tra việc vay vốn giải quyết việc làm tại 323 dự án thuộc 20 tỉnh, thành phố; thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại 62 lượt tỉnh, thành phố gồm 436 xã, phường của 125 huyện, thị, qua kiểm tra hơn 20.500 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi, thanh tra việc thực hiện công tác mộ, nghĩa trang liệt sỹ tại 12 tỉnh, thành phố đã phát hiện nhiều vi phạm và kiến nghị, thu hồi về ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng; thanh tra xác minh và giải quyết dứt điểm 125 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng và Chánh thanh tra, tiếp 16895 lượt công dân và giúp Bộ trưởng tiếp trên 2000 lượt công dân vào ngày 20 hàng tháng, xử lý 14.627 đơn thư gửi đến Bộ đảm bảo kịp thời, đúng thẩm quyền. Công tác thanh tra như thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các trung tâm dịch vụ việc làm, thanh tra việc quản lý và thực hiện chế độ đối với người có công với cách mạng, thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ tại các Trung tâm bảo trợ xã hội; tại các cơ sở chữa bệnh, các cơ sở, doanh nghiệp sử dụng lao động trẻ em và nhiều công tác khác được chú trọng thường xuyên.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ còn tham gia dự thảo góp ý hầu hết các văn bản qui phạm pháp luật do Bộ ban hành hoặc Bộ trình Chính phủ ban hành; xây dựng Nghị định giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động; Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành; xây dựng Thông tư hướng dẫn việc xử phạt vi phạm hành chính về lao động; tổ chức tập huấn cho 162 lượt cán bộ, thanh tra viên của đơn vị; 74 lượt cán bộ tham gia học ngoại ngữ, vi tính, quản lý Nhà nước; tổ chức 12 lớp tập huấn nghiệp vụ cho gần 1200 lượt cán bộ, thanh tra viên các tỉnh, thành phố.

Đại diện lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Tổ chức lao động quốc tế tại Hà Nội...cùng bấm nút phát động chiến dịch thanh tra lao động năm 2017

Đổi mới mạnh mẽ các hoạt động nghiệp vụ

Từ năm 2006 đến nay, Thanh tra Bộ đã áp dụng phương thức hoạt động thanh tra viên phụ trách vùng và sử dụng phiếu tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp thay cho phương thức hoạt động thanh tra theo đoàn, tham mưu Bộ ký kết chương trình phối hợp với Bộ Quốc phòng về thanh tra việc xác lập hồ sơ thương binh tại các Quân khu kết quả công tác của Thanh tra Bộ đã có những bước nhảy vọt: chỉ trong 5 năm (2006 – 2010), Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động tại 1.919 doanh nghiệp (hơn tổng số doanh nghiệp được thanh tra của 20 năm trước), ban hành 13.979 kiến nghị yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động; xử phạt vi phạm hành chính tại gần 500 doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng; thanh tra hoạt động dạy nghề tại 54 cơ sở dạy nghề qua đó ban hành 204 kiến nghị; thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng tại 42 lượt tỉnh, thành phố, qua đó ban hành gần 500 kiến nghị yêu cầu các địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật, thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 4 tỷ đồng, kỷ luật gần 200 cán bộ làm sai chính sách của nhà nước. Đặc biệt, từ năm 2013 đến cuối năm 2017 đã phối hợp với Bộ Quốc phòng thanh tra tại tất cả các Quân khu về việc xác lập hồ sơ thương binh. Kết quả tại 6 Quân khu (còn 2 Quân khu đang triển khai thực hiện kết luận, chưa có kết quả xử lý) đã kiểm tra trên 78.000 hồ sơ, phát hiện trên 15.000 hồ sơ có sai sót, thu hồi về ngân sách nhà nước trên 150 tỷ đồng, giảm chi hàng năm trên 37 tỷ đồng, truy tố 49 vụ với 171 bị cáo, trong đó phạt tù 45, án treo 124, phạt tiền 2.

Lĩnh vực xã hội ngày càng được quan tâm sau khi Bộ nhận thêm nhiệm vụ quản lý công tác trẻ em, bình đẳng giới: đã tiến hành gần 100 cuộc thanh tra việc thực hiện chính sách xã hội (bảo trợ xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, ngăn ngừa trẻ em làm việc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm…), qua đó ban hành hơn 800 kiến nghị yêu cầu đối tượng thanh tra thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Từ khi Luật Thanh tra, Luật phòng, chống tham nhũng được ban hành, công tác thanh tra hành chính, chống tham nhũng được quan tâm: đã tiến hành 58 cuộc thanh tra hành chính và chống tham nhũng, qua đó ban hành gần 500 kiến nghị yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.

Công tác tiếp công dân, xử lý thư đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục đi vào nề nếp và có nhiều tiến bộ  mặc dù số lượng công dân và thư đơn đến Bộ tăng dần qua các năm. Từ năm 2006 đến nay, Thanh tra Bộ đã xác minh và giải quyết dứt điểm 218 đơn thư khiếu nại, tố cáo, tiếp 20.962 lượt công dân, giúp Bộ trưởng tiếp 4.010 lượt công dân vào ngày 290 hàng tháng, xử lý 79.993 đơn thư khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng thẩm quyền.

Lĩnh vực hợp tác quốc tế được coi trọng và đạt được những thành tự đáng kể.

Ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, tập thể cán bộ, công chức trong đơn vị đã nêu cao tinh thần đoàn kết thống nhất, trên nguyên tắc tập trung, dân chủ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức đảng, chuyên môn và tổ chức công đoàn trên cơ sở thực hiện các quy chế làm việc và mối quan hệ công tác nội bộ của đơn vị; quy chế thi đua, khen thưởng...

 Những kết quả và thành tích đạt được trên đây trước hết thuộc về sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của các thế hệ cán bộ, thanh tra viên dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Thanh tra Chính phủ cùng với sự phối hợp có hiệu quả của các Cục, Vụ, Viện, đơn vị trực thuộc Bộ cũng như Lãnh đạo và Thanh tra các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong toàn quốc.

Phát huy những thành tích đã đạt được trong những năm qua, để đáp ứng với yêu cầu đổi mới của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội rất nặng nề. Đó là việc đưa pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động đi vào cuộc sống, tổng kết và điều chỉnh Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách xã hội thuộc lĩnh vực quản lý của ngành cho phù hợp với nền kinh tế đang phát triển, đòi hỏi công tác Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội phải có những thay đổi quan trọng cả về số lượng, chất lượng cán bộ và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp công tác. Do đó, phương hướng, nhiệm vụ của Thanh tra Bộ trong những năm tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

Trước hết, xây dựng hệ thống tổ chức thanh tra của ngành cả ở trung ương và địa phương đủ mạnh về số lượng, bảo đảm cho hoạt động quản lý nhà nước của ngành đạt hiệu quả cao. Triển khai thực hiện tốt cuộc vận động tự học tập, rèn luyện nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn, phấn đấu xây dựng Thanh tra Ngành LĐ-TB&XH  “Kỷ cương – Thân ái – Đoàn kết – Chất lượng”

Hai là, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, kiến thức pháp luật, nhiệm vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác thanh tra để nâng cao về trình độ, đủ sức đảm đương và hoàn thành nhiệm vụ được giao với yêu cầu mới cao hơn.

Ba là, bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, tranh thủ sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ để có chương trình, kế hoạch công tác phù hợp với thực tế của từng thời kỳ. Đặc biệt là tập trung thanh tra, kiểm tra xử lý những vấn đề cấp bách mà xã hội và nhân dân đòi hỏi.

Bốn là, tăng cường công tác tổng kết, sơ kết thực tiễn, trao đổi học tập kinh nghiệm để xác định những phương pháp và cách thức thanh tra phù hợp nhằm đạt hiệu quả cao, kết luận đúng đắn các hoạt động quản lý của ngành, trên cơ sở đó phân tích, đánh giá để có những kiến nghị đúng đắn cho hoạt động quản lý Nhà nước của ngành.

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế, khai thác có hiệu quả sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực thanh tra của ngành.

Sáu là, tiếp tục thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trên tinh thần đoàn kết nội bộ, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

Từ năm 2005 đến nay, tập thể cán bộ, công chức Thanh tra Bộ đã được các cấp ghi nhận và tặng nhiều bằng khen, giấy khen:

- Được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì năm 2009, Huân chương lao động hạng Nhất năm 2015.

- Được Chính phủ tặng Cở thi đua xuất sắc năm 2016

- 3 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen các năm 2005,  2008 và 2012..

- 7 lần được Bộ tặng cờ thi đua xuất sắc các năm 2009, 2010, 2011, 2013, 2014, 2015, 2016.

- 5 lần được Thanh tra Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc các năm 2005, 2006, 2007, 2010 và 2014

- 2 lần được Bộ trưởng tặng Bằng khen các năm  2006, 2007.

- 5 lần được Thanh tra Chính phủ tặng Bằng khen các năm 2005, 2008, 2009, 2012 và 2016.

- Đảng bộ Thanh tra Bộ 10 năm liền đạt danh hiệu Trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

- Công đoàn đơn vị 10 năm liền được công nhận Công đoàn vững mạnh xuất sắc.

Nguyễn Tiến Tùng (Thanh tra viên cao cấp – Chánh thanh tra Bộ)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh