CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:56

Nâng cao năng lực cho kỹ thuật viên và giáo viên nguồn hỗ trợ trẻ em tự kỷ

Tham dự khai mạc lớp tập huấn có ông Hoàng Văn Tiến - Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, đại diện Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (Công ty PNJ) cùng 60 học viên là các thầy cô giáo, kỹ thuật viên can thiệp tại 30 trung tâm hỗ trợ trẻ em tự kỷ thuộc 21 tỉnh thành phố phía Bắc.

Ông Hoàng Văn Tiến – Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho biết, dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” là dự án được ký kết thỏa thuận giữa Quỹ BTTEVN và Công ty PNJ với tổng kinh phí 10 tỷ đồng do Công ty PNJ tài trợ thực hiện trong 5 năm (2019 – 2023).

Ông Hoàng Văn Tiến – Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phát biểu tại buổi tập huấn.

Ông Hoàng Văn Tiến – Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phát biểu tại buổi tập huấn.

Tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên, kỹ thuật viên nguồn của các trung tâm hỗ trợ trẻ em tự kỉ tại Việt Nam là một hoạt động nằm trong dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam”. Sau thành công của khóa tập huấn năm 2019, trong năm 2022, Quỹ BTTEVN tiếp tục tổ chức 2 lớp tập huấn chuyên sâu tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cho 100 giáo viên, kỹ thuật viên đang trực tiếp hỗ trợ trẻ em tự kỷ tại các trung tâm hỗ trợ trẻ em tự kỷ thuộc 33 tỉnh, thành phố, có đủ năng lực làm kỹ thuật viên nguồn nhằm tuyên truyền lại kiến thức cho kỹ thuật viên khác tại trung tâm.

Các giảng viên tham gia giảng dạy tại lớp tập huấn chính là các chuyên gia trực tiếp biên soạn bộ tài liệu Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỉ ở Việt Nam và có nhiều kinh nghiệm giảng dạy trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt. Nội dung tập huấn tập trung vào việc hướng dẫn cho cán bộ nòng cốt về nghiên cứu và đánh giá rối loạn phổ tự kỷ; Quản lý hành vi và hỗ trợ tâm lý cho gia đình trẻ tự kỷ; Dạy ngôn ngữ cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ; Phương pháp can thiệp dựa trên ABT - Can thiệp chơi đùa.

Ông Tiến cho biết, mục tiêu của dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đề xuất tập trung vào 5 mục tiêu cơ bản: Biên tập và phát hành bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam; Đào tạo nâng cao năng lực 100 cán bộ nòng cốt (giảng viên nguồn) về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ; Phổ biến kiến thức về tự kỷ cho 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng; Hỗ trợ 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tiếp cận và chuẩn hóa kiến thức về tự kỷ tại Việt Nam; Thông qua kết quả phổ biến kiến thức có khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng.

Trong mấy ngày qua, dư luận hết sức bức xúc vụ một em bé tự kỷ được gia đình gửi đi điều trị nhưng chỉ sau một tháng gia đình chỉ nhận được hũ tro cốt của con. Theo đó, ngày 3/8/2022, ông N.H.N. (sinh năm 1977, trú tại thành phố Huế) có đơn gửi Công an tỉnh Lâm Đồng về việc con trai ông là N.L.M.Q. (sinh năm 2019 có dấu hiệu chậm phát triển); ngày 6/1/2022, gia đình ông đưa cháu vào thành phố Bảo Lộc thuê người tên L.M.Q. điều trị. Thời gian điều trị từ 2-3 năm với chi phí 200 triệu đồng/năm. Gia đình ông N. đã đặt cọc trước 600 triệu đồng.

Ông Q. hứa với chi phí này, cháu N.L.M.Q. sẽ được một ê-kíp điều trị gồm 1 tài xế riêng, 1 xe ôtô để chở cháu và ê-kíp đi những nơi cần thiết, 1 chuyên gia nấu ăn dinh dưỡng, 1 trợ lý chăm sóc ngủ lại bên cháu, bảo vệ 24/24 giờ... Đến ngày 27/3/2022, ông L.M.Q. ra thành phố Huế gặp gia đình ông N.H.N. thông báo cháu N.L.M.Q. đã mất vì COVID-19 và trao cho gia đình một hũ đựng tro cốt của cháu. Do không có thông tin kể từ khi trao con cho ông Q. cho đến khi nhận được tro cốt của cháu Q, gia đình ông N. nghi ngờ có uẩn khúc trong vụ việc trên và làm đơn tố giác tội phạm lên Công an tỉnh Lâm Đồng.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng khẳng định, cơ quan chức năng không cấp phép cho tổ chức, cá nhân nào điều trị bệnh, chăm nuôi trẻ tại số 54/39, đường Phan Châu Trinh, thành phố Bảo Lộc. Ông Huỳnh Văn Lợi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Lộc Tiến, thành phố Bảo Lộc cũng cho biết thông tin cháu N.L.M.Q. tử vong tại địa phương do COVID-19 là không có cơ sở. Địa phương đã tiến hành xác minh, trong thời gian từ đầu năm 2022 đến nay, không có ai tử vong do COVID-19. Mọi thông tin liên quan đến trường hợp cháu Q. tử vong, địa phương đều không nắm được… Đại tá Đinh Xuân Huy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, Cơ quan điều tra đã tiếp nhận thông tin và tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ việc này, ông Hoàng Văn Tiến cho rằng, đây là một vụ việc hết sức đau lòng. Qua thông tin trên báo chí cho thấy, gia đình chưa hiểu biết đầy đủ về tự kỷ, chưa có sự lựa chọn đúng đắn để hỗ trợ con. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong vụ việc này là để một người không có đủ chứng chỉ hành nghề mở cơ sở điều trị bệnh cho người tự kỷ. Cơ quan pháp luật cần nhanh chóng điều tra và xử lý nghiêm vụ việc. Ông Tiến cũng đưa ra lời khuyên, nếu những gia đình có trẻ em bị tự kỷ nên tìm các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước hoặc các cơ sở tư nhân được cấp phép của cơ quan quản lý nhà nước để kiểm tra và hỗ trợ  các con phát triển toàn diện như các bạn cùng trang lứa. Trong điều trị cho trẻ tự kỷ gia đình đóng vai trò quan trọng nhất, nhà trường chỉ hỗ trợ thêm.

VÂN KHÁNH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh