THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:31

Nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư trong bối cảnh thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu

Đông đảo chuyên gia tham gia hội thảo.

Đông đảo chuyên gia tham gia hội thảo.

Ngày 4/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 55/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu của OECD.

Hiện tại, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đang triển khai nghiên cứu các giải pháp nhằm áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu, đảm bảo các chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư phù hợp với các cam kết quốc tế, cũng như đảm bảo hài hoà lợi ích Nhà nước và nhà đầu tư.

Ở ngoài nước, Chính phủ nhiều nước đầu tư và tiếp nhận đầu tư đã và đang có những động thái quyết liệt trong việc cân nhắc và đưa ra các chính sách liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.

Gần đây, vào ngày 15/12/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua kế hoạch áp dụng thuế suất tối thiểu 15% từ năm 2024. Quốc hội Hàn Quốc cũng đã thông qua Đạo luật điều chỉnh thuế, trong đó sẽ áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Chính phủ Nhật Bản cũng đã thông báo Dự thảo cải cách thuế, tiến tới việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm tài chính 2024.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây là các quốc gia có nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam, do đó, việc chính thức áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có nhiều tác động tới các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoài (FDI) tại Việt Nam, và tác động đã rất cận kề với thời gian áp dụng của các quốc gia khác dự kiến từ năm tài chính 2024.

Các nước và vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư như Indonesia, Malaysia, hay Hong Kong cũng đang tích cực chuẩn bị cho việc chính thức áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.

Theo đó, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào đặc điểm của hệ thống thuế, cụ thể là hệ thống thuế TNDN tiêu chuẩn của mỗi quốc gia.

Quốc gia có hiệu quả thu thuế thấp (có mức thuế suất thấp và nhiều chính sách ưu đãi khiến nguồn thu thuế thấp) sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Ngược lại, các quốc gia có thuế suất trung bình hoặc trên mức trung bình với một nguồn thu thuế lớn (mức ưu đãi thuế ít) sẽ ít bị ảnh hưởng việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Bên cạnh đó, các quốc gia phát triển có thể là bên hưởng lợi nhiều hơn từ thuế tối thiểu toàn cầu. Ngoài ra có thể khiến dòng vốn FDI có những xáo trộn trong ngắn hạn.

Đối với trong nước, khi có hiệu lực, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động cả tích cực và tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam.

Ông Thomas McClelland, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư Vấn Thuế, Deloitte Việt Nam cho rằng, tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam đã rất rõ ràng và cấp bách, thể hiện rõ nhất trong 2 lĩnh vực.

Đầu tiên là về thuế, trong trường hợp Việt Nam không có những hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế, vì khi đó các quốc gia đầu tư thuộc khối EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác sẽ thực hiện thu thuế bổ sung theo các nguyên tắc trụ cột 2, nhiều khả năng bắt đầu từ năm 2024.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể không thu được phần thuế bổ sung, nếu phát sinh, của các tập đoàn Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài.

Để hạn chế tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, ông Phan Đức Hiếu, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng đánh giá để xác định mức độ bị tác động – bao gồm cả cơ hội và tác động tiêu cực; cần nhanh chóng rà soát toàn bộ quy định hiện hành về chính sách ưu đãi và từ đó cần xác định chính xác phạm vi và mức độ bị tác động theo ngành, lĩnh vực, đối tượng, tác động tích cực – tiêu cực, cơ hội, thách thức. Chỉ khi chúng ta xác định đầy đủ bức tranh tác động thì mới có thể có giải pháp phù hợp...

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh