THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 04:53

Nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của nguồn vốn tín dụng chính sách từ Quỹ Quốc gia về việc làm Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Tiền Giang phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cấp ủy chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác kịp thời triển khai các Nghị định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm đến các Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động trên địa bàn tỉnh.

Để có thêm nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, hộ sản xuất kinh doanh...trên địa bàn tỉnh, ngoài nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm Chi nhánh NHCSXH phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tham mưu trình Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh hằng năm bố trí nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, các huyện ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Qua kiểm tra, giám sát công tác cho vay vốn Quỹ quốc gia việc làm cho thấy công tác vay vốn, giải quyết việc làm ở địa phương được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện, thành phố đến xã, phường, thị trấn và xem đây là nhiệm vụ chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế ở địa phương; Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành, đoàn thể của các xã, phường, thị trấn; ấp, khu phố, tổ nhân dân tự quản về công tác cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương nên đã thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động nhàn rỗi, góp phần thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, an sinh xã hội. Các hộ vay từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm đều chí thú làm ăn, chịu khó học hỏi kinh nghiệm để kinh doanh hoặc phát triển sản xuất và các hộ vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích dự án vay ban đầu.

 

Qua triển khai thực hiện, khẳng định rằng Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ là chinh sách đúng đắn, kịp thời, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ, duy trì và tạo việc làm, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang, nguồn vốn cho vay tại đơn vị đến 30/6/2023 là 856.883 triệu đồng. Trong đó: Nguồn vốn NHCSXH huy động đạt 449.807 triệu đồng, nguồn vốn Trung ương phân bổ cho UBND tỉnh đạt 60.057 triệu đồng, nguồn vốn các Hội, Liên đoàn lao động đạt 6.665 triệu đồng  và nguồn vốn ngân sách địa phương (tỉnh, huyện) đạt 340.354 triệu đồng.

Nguồn vốn vay đã hỗ trợ tạo việc làm cho 23.149 lao động trên địa bàn tỉnh (Trong đó: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã giải ngân số tiền 160 tỷ đồng/160 tỷ đồng cho 3.556 khách hàng, đạt tỷ lệ 100% Kế hoạch giao).

Người dân làm thủ tục vay vốn

Người dân làm thủ tục vay vốn

Có thể khẳng định, tín dụng chính sách xã hội từ Quỹ quốc gia việc làm đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới, giải quyết việc làm cho người nghèo lao động; Đặc biệt lao động ở khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tiền Giang đã kịp thời triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, chỉ đạo NHCSXH các huyện, thị xã thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ưu tiên cho các đối tượng người lao động từ các tỉnh thành khác trở về địa phương được tiếp cận nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng mất việc làm trở về địa phương phát triển sản suất kinh doanh, làm giàu trên mảnh đất quê hương mình, đồng thời ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế địa phương.

Theo Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội ( NHCSXH) tỉnh Tiền Giang, bên cạnh những kết quả đạt được còn những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm như: Trong năm 2023, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, chi nhánh xây dựng kế hoạch 187.000 triệu đồng  để tạo việc làm cho khoản 3.740 lao động đến nay chưa được giao vốn. Việc quy định người lao động vay vốn phải có dự án thực hiện tại địa phương nơi cư trú (tại đúng phường, xã hộ vay cư trú) đối với địa bàn tỉnh là rất khó khăn vì điều kiện buôn bán trong địa bàn trung tâm thành phố đa số chật hẹp, người lao động phải đi thuê mặt bằng nơi khác để kinh doanh nên không được vay vốn vì thực hiện dự án tại đia phương khác.

Để thực hiện nguồn vốn cho vay tín dụng chính sách xã hội từ Quỹ Quốc gia về việc làm trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tiền Giang đề xuất kiến nghị: Ngân hàng Chính sách xã hội hằng năm tiếp tục bổ sung thêm nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, do nhu cầu vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tiền Giang vì hiện nay nhu cầu vay vốn chương trình này là rất lớn để đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của người lao động nhằm khắc phục khó khăn sau đại dịch Covid-19, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ xem xét sửa đổi điều kiện vay vốn là nơi thực hiện dự án và nơi cư trú hợp pháp của người lao động trên cùng địa bàn huyện, thành phố  thay vì cùng địa bàn cấp xã như hiện nay.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh