THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:17

Nâng cao chất lượng thực hiện Cuộc Vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

 

 

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được phát động từ tháng 7/2009 đến nay đã được hơn 7 năm. Là cuộc vận động mang tính xã hội rộng lớn, mọi người mọi nhà, mọi tổ chức, mọi cơ quan nhập cuộc như một nhiệm vụ của tổ chức mình. Cuộc vận động đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng, đã tạo được sự chuyển biến cơ bản trong nhận thức của mọi tầng lớp trong xã hội về văn hóa trong sản xuất và văn hóa tiêu dùng, từ đó tạo nên nét đẹp văn hóa, tự hào của người Việt Nam.

Tuy nhiên so với thực tế, yêu cầu đề ra còn nhiều hạn chế như: Chất lượng nhiều mặt hàng còn thấp, mẫu mã chưa đẹp, giá cả còn cao so với giá trị thật của hàng hóa, sức cạnh tranh so với hàng ngoại còn thấp, chưa thực sự thu hút được người tiêu dùng trong nước.

Mặt khác trên thị trường còn tồn tại, lưu hành hàng giả, hàng kém chất lượng, nguy cơ mất an toàn thực phẩm, việc kiểm soát chưa được hiệu quả đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng, gây bức xúc cho toàn xã hội và ảnh hưởng đến sản xuất, tổn hại về kinh tế, ảnh hưởng đến uy tín các nhà sản xuất, người kinh doanh chân chính và tâm lý người tiêu dùng.

 

 

Bà Phạm Thị Huỳnh Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong bối cảnh thị trường hàng hóa tại Việt Nam hiện nay với sự tràn ngập của các sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài, nhất là trong tương lai khi các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết có hiệu lực, với chế độ ưu đãi về thuế quan, hàng nhập khẩu sẽ là một thách thức đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Do đó, một giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh” là nhu cầu bức thiết đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng, cùng với đó cần triển khai sâu rộng hơn nữa đến mọi tầng lớp trong xã hội, nhằm xây dựng và hình thành lên văn hóa tiêu dùng của người Việt”.

Là một tổ chức xã hội, Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh, cho rằng, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không phải là hành vi phân biệt đối xử với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài trong tiến trình hội nhập khu vực và thế giới, mà nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, hình thành văn hóa tiêu dùng của người Việt, đồng thời thúc đẩy việc sản xuất hàng hóa Việt Nam có chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, đóng góp cho ngân sách nhà nước, tạo nên sức mạnh quốc gia, dân tộc, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Theo bà Trần Thị Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng đạt hiệu quả cao hơn: “Nhà nước nên có những hoạt động thiết thực, hữu ích hơn nữa để phát động mạnh mẽ và rộng rãi phong trào đến cán bộ, công chức trong các công sở, đơn vị Nhà nước, sinh viên học sinh, lãnh đạo các cấp chính quyền. Đây là những đối tượng làm gương cho các thành phần khác trong việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

“Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các hệ thống siêu thị trong nước phát triển, để doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng Việt, cùng với đó các doanh nghiệp cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong việc cung cấp thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng tin tưởng vào sản phẩm nội địa”- Bà Trần Thị Thanh Lâm nhấn mạnh.

Cùng với đó, người tiêu dùng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với sự phát triển kinh tế nước nhà, thông qua việc sử dụng hàng Việt Nam, đồng thời các doanh nghiệp trong nước cần nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng. Với 7 năm vận động chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã phát huy hiệu quả to lớn.

Tuy nhiên, chương trình ngoài việc tiếp tục phát huy những mặt mạnh, cần có các biện pháp phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng để sức lan tỏa của chương trình ngày càng rộng rãi và đi vào chiều sâu hơn trong thời gian tới.

Lam Hồng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh