CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:20

Hàng Việt "thích" siêu thị, quên chợ truyền thống

 

Đến thời điểm hiện nay, hàng Việt đã chiếm tỷ lệ 80-90% tại hệ thống các siêu thị trên toàn quốc. Đặc biệt sự xuất hiện ngày một nhiều các chuỗi cửa hàng tiện lợi của các DN Việt cho thấy trước làm sóng M&A ngày một mạnh mẽ trong ngành bán lẻ, nhà quản lý, doanh nghiệp Việt vẫn đang nỗ lực để đẩy mạnh sản xuất, không để hàng Việt bị gây sức ép trên sân nhà. PV ĐĐK đã có cuộc trao đổi với bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) xung quanh nội dung này. 

PV: Thưa bà, bà nhận định ra sao về tỉ lệ phủ sóng của hàng Việt đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa hiện nay?

Bà Lê Việt Nga: Năm 2015 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thương mại miền núi. Hiện đang có đề án về chương trình phát triển hàng Việt đến miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo, chúng tôi đang triển khai ở trên 200 huyện đủ điều kiện nhận hỗ trợ.

Mục tiêu là làm thế nào để phát triển đội ngũ doanh nhân ở những vùng này, vì đội ngũ doanh nhân là đối tượng quan trọng để có thể đưa ý tưởng, tổ chức sản xuất kinh doanh phát triển ở mọi địa bàn, từ đó có thể kết nối vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo với các thị trường thành phố để giúp cho người dân vùng sâu vùng xa được tiếp cận gần hơn với các hàng hóa chất lượng cao.

Thời gian qua, các DN trong nước đã rất nỗ lực đưa hàng Việt vào hệ thống các siêu thị, bà đánh giá thế nào về tỉ lệ hàng Việt tại các kênh bán lẻ?

- Tỉ lệ hàng Việt ở hệ thống siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, các hệ thống bán lẻ, đại lý hiện đạt cao 80%, đặc biệt những kênh phân phối lớn như Vingroup, Coop Mart đã có những cam kết để có thể đưa hàng nông sản, hàng tiêu dùng của các DN Việt vào các hệ thống siêu thị này.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang có hơn 8.600 chợ truyền thống, đây là kênh tiêu thụ hàng Việt nhiều nhất nên các DN cần chú trọng hơn vào các kênh này. Số liệu thống kê cho thấy, nhiều mặt hàng chúng ta có lợi thế như giày dép, may mặc... thì lại chiếm tỷ lệ không cao ở các kênh chợ truyền thống (60%). Và như vậy, tôi cho rằng, không chỉ chú trọng tại các hệ thống siêu thị, các DN Việt phải đầu tư hơn vào kênh bán lẻ này, bởi đây chính là lĩnh vực mà thu hút nhiều người tiêu dùng nhất.

Nhiều DN trong nước phản ánh, họ đã rất khó khăn khi đưa hàng vào các siêu thị lớn như Metro, Big C. Bộ Công thương đã có những động thái gì để hỗ trợ các DN Việt trước thực tế này, thưa bà?

- Qua phản ánh của báo chí cũng như các DN về vấn đề này, Bộ Công thương đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các hệ thống phân phối này. Qua báo cáo của các Sở Công thương thì hàng Việt vẫn không giảm tỷ lệ so với trước đây tại các kênh phân phối này.

Và các DN đó vẫn cam kết rằng ưu tiên phân phối hàng Việt Nam trên hệ thống siêu thị của họ. Bản thân họ cũng thừa  nhận rằng, phân phối hàng Việt Nam mang lại lợi nhuận cũng như sự phát triển hệ thống cho họ rất tốt, bằng việc thu mua nguyên liệu  tại chỗ hoặc thu mua các sản phẩm của địa phương đã mang lại lợi nhuận cao cho các kênh này.

Về giải pháp dài hạn, chúng ta đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều giải pháp như Nghị quyết 35 để đẩy nhanh số lượng phát triển, nâng sức cạnh tranh cho DN Việt trước làn sóng hội nhập.

Thông qua cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chính phủ sẽ hỗ trợ DN tiếp cận nhiều nhất các chính sách ưu đãi DN, song, cũng rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của giới truyền  thông, báo chí.

Hiện nay, nhiều DN trong nước đã tìm hướng đi riêng bằng cách mở các cửa hàng tiện lợi phát triển tại các thị trường nhỏ, bà đánh giá thế nào về xu hướng này?

- Sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của các cửa hàng tiện lợi  nhận được sự phản hồi khá tốt của thị trường, thời gian qua, sự phát triển của kênh này đều trên 2 con số hàng năm. Đây là kênh bán hàng hiện đại, có xuất xứ hàng hoá rõ ràng, có hệ thống quản trị tốt và là cơ hội cho các DN nhỏ và vừa, các hộ nông dân có thể đưa hàng hóa vào các kênh này. 

Về phía bộ Công thương đã quan tâm đến chính sách để làm sao thúc đẩy được sự phát triển của các kênh này. Đây cũng là định hướng được Chính phủ và các cơ quan quản lý quan tâm tạo điều kiện để đẩy mạnh xu thế phát triển thị trường bán lẻ của Việt Nam trước thực tế bán lẻ nước ngoài đang ồ ạt tràn vào trong nước. Hiện tại những hệ thống phân phối dưới 500 m2 đều không bị áp quy tắc ENT, xin giấy phép cũng dễ dàng…

Đó là lý do vì sao thời gian qua số cửa hàng tiện lợi tăng lên rất nhiều tại các địa phương. Hiện nay, Vinmart đang phát triển đến con số hàng ngàn những cửa hàng tiện lợi và đã đạt được doanh thu cao, được người tiêu dùng đón nhận… Đó có thể coi là thành công trong những bước đi của các kênh bán lẻ trong nước.

Các doanh nghiệp vẫn đang quá tập trung hàng háo vào siêu thị.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh