THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:03

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

Theo Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, Việt Nam có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể lực lượng lao động ở những mảng công việc liên quan. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng nhân viên nghỉ việc tại các công ty du lịch ngày một tăng. Qua khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cuối năm 2020, tới 18% doanh nghiệp đã phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho từ 50 - 80% nhân viên nghỉ việc; 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với lao động bị mất việc làm. Sở Du lịch Hà Nội cũng cho biết, số lao động tạm thời nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển chiếm khoảng 50 - 90%.

 Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, để đối phó với tác động của dịch Covid-19, doanh nghiệp phải chuyển đổi, sắp xếp lại nhiều vị trí cho phù hợp, như: Bộ phận xây dựng sản phẩm tour quốc tế chuyển sang làm tour nội địa, người bán hàng chuyển sang điều hành tour… "Đây là giai đoạn rất khó khăn của ngành du lịch. Hao hụt nhân lực là thực trạng chung của các đơn vị, đòi hỏi tất cả phải thay đổi chiến lược quản lý, kinh doanh cho phù hợp với thực tế", ông Thắng nói.

Nhận định về những thay đổi của ngành Du lịch trước sự hao hụt nguồn nhân lực, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, dịch Covid-19 là "phép thử" để các doanh nghiệp du lịch chú tâm tìm cách thay đổi nếu muốn tồn tại và phát triển. Các đơn vị cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn về phương thức quản lý, kinh doanh cũng như điều hành. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị "xốc" lại bộ máy, đánh giá, sàng lọc nhân viên, tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng tới sự phát triển bền vững.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch - Ảnh 1.

Ảnh hưởng của Covid-19 khiến rất nhiều lao động ngành du lịch phải nghỉ việc hoặc chuyển nghề.

Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, sự thiếu hụt về nhân sự là cơ hội để các đơn vị làm mới mình bằng cách đẩy mạnh việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành, bán sản phẩm, quảng bá du lịch, qua đó nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Dịch Covid-19 khiến nhiều xu hướng du lịch thay đổi. Đây là thời gian để các doanh nghiệp tận dụng thời gian trống để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có, huấn luyện thêm các kỹ năng cho nhân viên để bắt kịp xu hướng chung của thế giới. Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, ngoài việc chuẩn bị hộ chiếu vắc xin giữa các quốc gia, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch là yếu tố quan trọng cần thực hiện từ bây giờ để chuẩn bị sẵn sàng lực lượng cho việc thu hút khách quốc tế trở lại và phục vụ phát triển du lịch Việt Nam.

Theo đó, 2 vấn đề quan trọng nhất trong hỗ trợ của Nhà nước hiện nay là các chính sách về thuế, phí cũng như tài chính cho các doanh nghiệp du lịch để giảm áp lực trong điều kiện không có thu nhập, để duy trì và không bị phá sản là giải pháp hàng đầu.

Thứ 2 là chính sách hỗ trợ lao động cho ngành du lịch như đối với lao động thất nghiệp, cũng như các chế độ khác để lao động du lịch không bỏ ngành hoặc  chạy sang các ngành khác.

"Trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp chưa tập trung cao cho việc đón, phục vụ khách nên chúng ta có thời gian, điều kiện để bố trí các lớp tập huấn, bồi dưỡng rồi xây dựng lại quy trình quản lý, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực", ông Chung nói.

DIỆU NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh