THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:27

Nâng cao chất lượng dịch vụ tại cơ sở y tế vùng khó khăn

 

Ưu tiên hỗ trợ y tế ở tuyến xã 

Tham dự Hội thảo có đại diện của các cơ quan trung ương, các đối tác thực hiện dự án và đặc biệt là đại diện người dân sống tại khu vực khó khăn – đối tượng hưởng lợi chính của dự án; Tổ chức Marie Stopes Việt Nam, Trung tâm Sức khỏe Sinh sản Cộng đồng (VNCRH), đại diện của các tổ chức phi chính phủ/tổ chức quốc tế và văn phòng đại diện các cơ quan truyền thông tại Đà Nẵng.

Người dân đánh giá chất lượng trạm y tế thông qua “thẻ cho điểm cộng đồng”

Trong khuôn khổ của Dự án, trách nhiệm giải trình tập trung vào mối quan hệ giữa người cung cấp dịch vụ y tế tuyến xã và người sử dụng dịch vụ. Người cung cấp dịch vụ có trách nhiệm tuân thủ tiêu chuẩn của Bộ Y tế nhằm cung cấp dịch vụ một cách an toàn và vì quyền lợi cao nhất của người sử dụng dịch vụ. Đồng thời, người cung cấp dịch vụ có trách nhiệm cung cấp thông tin, tư vấn rõ ràng, chính xác về tình trạng bệnh lí của khách hàng và các quyết định điều trị, hoặc đề xuất giải pháp cho khách hàng theo một cách thức phù hợp về văn hóa, tôn trọng quyền được lựa chọn dịch vụ và cách thức điều trị của khách hàng sau khi có đầy đủ thông tin. Các vấn đề khác cần minh bạch hóa bao gồm giá dịch vụ, nếu có và trách nhiệm chăm sóc liên tục đối với khách hàng kể cả việc chuyển gửi lên các tuyến cao hơn nếu cần thiết cho khách hàng. Người sử dụng dịch vụ và người dân trong cộng đồng có quyền tham gia vào việc đối thoại, phản hồi thẳng thắn cho các trạm y tế xã, các cơ quan có liên quan về những điểm cần khắc phục và cải thiện trong cung cấp dịch vụ và tương tác với người dân, đồng thời giám sát các cải thiện đã thống nhất. 

Thảo luận và cho điểm các chỉ số

Dự án hướng tới việc xây dựng nền tảng ban đầu cho một mô hình Tăng cường trách nhiệm giải trình trong cung cấp dịch vụ Chăm sóc SKSS-KHHGĐ, nhằm giải quyết những thách thức lớn trong thiếu hụt và tiếp cận tối thiểu các dịch vụ này ở y tế tuyến xã. Phạm vi tác động bao gồm các chủ thể có mối quan tâm và trách nhiệm hỗ trợ, thúc đẩy nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ tại y tế tuyến xã trong khu vực Dự án. Hai chủ thể là trung tâm của việc thử nghiệm tăng cường trách nhiệm giải trình là Trạm y tế xã và người dân có nhu cầu sử dụng dịch vụ SKSS-KHHGĐ trong cộng đồng. Can thiệp vào bên cung ứng dịch vụ bao gồm thiết lập tiêu chuẩn về chăm sóc khách hàng, tư vấn và cung ứng các dịch vụ chăm sóc SKSS và KHHGĐ thiết yếu; tập huấn và cấp chứng chỉ cung cấp dịch vụ; trang bị một số dụng cụ và vật tư thiết yếu; cải thiện cảnh quang cung cấp dịch vụ tại trạm y tế xã; giám sát hỗ trợ thường xuyên để nâng cao chất lượng dịch vụ lâm sàng và nâng cao sự hài lòng của khách hàng; Can thiệp vào bên có nhu cầu sử dụng dịch vụ bao gồm các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về các hoạt động của trạm y tế xã và tầm quan trọng của việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc SKSS và KHHGĐ, huy động sự tham gia của người dân vào các cuộc đối thoại để phản hồi trực tiếp về chất lượng dịch vụ y tế tại các trạm y tế xã tham gia Dự án; Đặc biệt quan trọng là cơ chế Giám sát thực thi trách nhiệm giải trình được thiết lập và thử nghiệm với sự tham gia của các tổ chức và cá nhân có ảnh hưởng quan trọng đối với việc cải thiện chất lượng dịch vụ y tế tại tuyến xã, đó là UBND xã, y tế tuyến huyện, đại diện hội phụ nữ và các tổ chức đoàn thể khác trong cộng đồng, đại diện của tổ chức xã hội dân sự và đại diện của người dân.

Người dân được tư vấn đầy đủ thông tin với thái độ niềm nở của cán bộ trạm y tế

 Qua việc vận hành mô hình này, năng lực của chính quyền địa phương được nâng cao, góp phần làm cho các vấn đề ưu tiên về y tế ở tuyến xã được hiểu biết sâu sắc hơn trên cơ sở đó các quyết sách đúng đắn sẽ được đưa ra kịp thời nhằm hỗ trợ hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân trong xã. 

Người dân tiếp cận dịch vụ y tế một cách thuận lợi

Ông Cao Thế Cảnh, Ban Giám sát trách nhiệm giải trình xã Hóa Tiến, Quảng Bình chia sẻ: “Nếu ở các dự án khác, người dân là người ngồi chờ hưởng lợi thì dự án này đã đặt người dân vào vị trí trung tâm và Ban Giám sát là người hỗ trợ, thúc đẩy người dân đưa ra ý kiến đánh giá, khuyến nghị để thay đổi mang lại lợi ích cho chính người dân. Chúng tôi rất đánh giá cao cách làm này của dự án. Đến nay, người dân đã được tiếp cận với dịch vụ CSSKSS và KHHGĐ tại trạm y tế xã một cách thuận lợi, với thái độ phục vụ nhiệt tình của các cán bộ trạm y tế”.

Kết quả đánh giá cuối kỳ của dự án cho thấy, 94,2% người dân ở độ tuổi sinh sản đã sử dụng các dịch vụ KHHGĐ ở TYT xã (tăng 15,1% so với đánh giá đầu kỳ). Hầu hết người dân lựa chọn nơi khám thai và sinh con là TYT xã. Trên 82.6% phụ nữ đã khám phụ khoa tại TYT (tăng 22,6 % so với thời điểm đánh giá đầu kỳ). 

Việc gia tăng số lượt khách hàng đến sử dụng dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại TYT giúp giảm quá tải cho bệnh viện huyện, chuyển tuyến, đồng thời tạo sự thuận tiện, giảm chi phí khám chữa bệnh và chi phí đi lại cho dân.

Tư vấn các biện pháp tránh thai cho người dân tại hộ gia đình

Bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Trưởng đại diện Marie Stopes Việt Nam cho biết: “Dự án là một phương thức tiếp cận mới, lần đầu tiên được thí điểm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình tại Việt Nam. Những kết quả và bài học kinh nghiệm từ Dự án đã khẳng định hiệu quả của cơ chế giám sát TNGT này trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu nói chung và CSSKSS nói riêng tại tuyến xã, đặc biệt tại các khu vực vùng khó khăn. Mô hình này phù hợp với  định hướng và quyết tâm của Bộ Y tế về nâng cao chất lượng dịch vụ tại cơ sở y tế, hướng đến sự hài lòng của người bệnh (Thông tư số 19/2013/TT-BYT ngày 12/7/2013) và cần được chia sẻ nhân rộng đến các khu vực vùng khó khăn khác. Trách nhiệm giải trình cũng cần được làm rõ và áp dụng ở cấp độ cao hơn giữa chủ thể là Sở Y tế, UBND tỉnh với khách thể là hệ thống trạm y tế xã, nhằm dỡ bỏ các rào cản hiện tại và khuyến khích, thúc đẩy việc đưa dịch vụ chăm sóc SKSS và KHHGĐ thiết yếu như một thành tố quan trọng của chăm sóc sức khỏe ban đầu về với tuyến xã, gần người dân nhất có thể.” 

Tư vấn cho người dân về các biện pháp tránh thai tại cộng đồng

Hội thảo sẽ là cơ hội quý báu để MSV và các đối tác dự án chia sẻ các thành tựu, bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai dự án, thảo luận giải pháp duy trì tính bền vững và tiềm năng cho việc nhân rộng mô hình đến các khu vực khó khăn khác của Việt Nam.

Dự án đã thành công trong việc: 

- Xây dựng một cơ chế giám sát trách nhiệm giải trình (TNGT) hiệu quả và dễ thực thi giữa người cung cấp dịch vụ (NCCDV) công và các cộng đồng dân cư sống tại các địa phương đặc biệt khó khăn. Qua đó, quyền và sự tham gia của người dân, các tổ chức đoàn thể địa phương đã được phát huy thông qua  việc đối thoại và giám sát TNGT của NCCDV đối với chất lượng dịch vụ y tế mà họ nhận được.  Những người dân vùng khó khăn, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng cao vị thế và là chủ thể chính tác động đến nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại cơ sở qua việc bày tỏ ý kiến về mức độ hài lòng, nhận xét và xếp hạng về chất lượng, hiệu quả và sự thỏa đáng các dịch vụ mà họ nhận được.

-  Năng lực cung ứng dịch vụ SKSS-KHHGĐ thiết yếu của trạm y tế xã được nâng cao; thái độ và hành vi của người cung cấp dịch vụ thay đổi căn bản và tích cực do kết quả của phản hồi của người dân và giám sát hỗ trợ cải thiện liên tục. Với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của dự án, 10/10 trạm y tế đã được chuẩn hoá về các dịch vụ SKSS-KHHGĐ theo hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ SKSS-KHHGĐ của Bộ Y tế. Các nữ hộ sinh tại 10 TYT xã được nâng cao kỹ năng cung cấp dịch vụ, kiểm tra và cấp chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ đặt dụng cụ tử cung tại trạm y tế xã.

- Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý/cung cấp dịch vụ của đối tác địa phương để thực thi hiệu quả các chính sách của Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ trong chăm sóc SKSSvà KHHGĐ tại vùng khó khăn. 

Tính đến 30/5/2016, đã có 30.069 lượt người dân được tiếp cận truyền thông nâng cao nhận thức về quyền của khách hàng đối với các dịch vụ SKSS-KHHGĐ có chất lượng; 9 vòng giám sát trách nhiệm giải trình được tổ chức với 90 cuộc họp và gần 3.000 lượt người dân tham gia; 25 khóa tập huấn được tổ chức nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế với sự tham gia của 500 lượt học viên; 10/10 trạm y tế đảm bảo cung cấp các dịch vụ KHHGĐ theo phân tuyến; 23.700 lượt khách hàng tiếp cận và nhận các dịch vụ SKSS-KHHGĐ có chất lượng (trong đó 1.177 khách hàng nhận dịch vụ đặt dụng cụ tử cung ngay tại trạm y tế); mức độ hài lòng của khách hàng luôn được ghi nhận ở mức 87-88% (tỷ lệ này chỉ ở mức 50% vào đầu kỳ dự án – báo cáo khảo sát số liệu đầu vào).

MAI HOÀNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh