CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:51

Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho vùng khó khăn

 


 

Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khoá XIII đến năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến hết tháng 8/2015, qua 9 kỳ họp của Quốc hội và 40 phiên họp của UBTV Quốc hội, Chính phủ đã triển khai thực hiện đầy đủ nội dung của 7 nghị quyết của Quốc hội và 8 nghị quyết của UBTV Quốc hội về giám sát chuyên đề; 7 nghị quyết Quốc hội và 6 thông báo kết luận của UBTV Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn; nhận và trả lời 1585 phiếu chất vấn bằng văn bản; trả lời 1.147 chất vấn trực tiếp.

Thẩm tra báo cáo tổng hợp của Chính phủ, Đoàn Thư ký kỳ họp cho rằng, nhìn chung, Chính phủ đã tích cực, khẩn trương, chủ động triển khai nhiều giải pháp, biện pháp để chỉ đạo thực hiện các yêu cầu được nêu tại các nghị quyết của Quốc hội; các bộ, ngành cũng đã chủ động và nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện các nghị quyết, tạo sự chuyển biến khá rõ trong một số lĩnh vực, được đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

Cụ thể, về lĩnh vực lao động – thương binh và xã hội, Đảng, Nhà nước luôn ưu tiên nguồn lực và chỉ đạo quyết liệt thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, trong đó ưu tiên đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn (huyện nghèo; xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, bãi ngang ven biển và hải đảo; thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi). Dự kiến đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo chung trong cả nước còn dưới 5%, ở các huyện nghèo còn dưới 27%. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi người có công và ưu tiên nguồn lực để thực hiện. Có 98% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công; có 96% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình hộ dân nơi cư trú. Chỉ đạo bổ sung kinh phí cho các địa phương tập trung hoàn thành dứt điểm việc hỗ trợ về nhà ở đối với trên 72.000 hộ người có công với tổng kinh phí khoảng 2.400 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương là trên 2.200 tỷ đồng).

Thực hiện việc sáp nhập, tổ chức lại các trung tâm đào tạo nghề và giáo dục thường xuyên trên địa bàn cấp huyện. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, đổi mới chương trình, giáo trình dạy nghề theo hướng đáp ứng yêu cầu thực tiễn; định hướng dạy nghề theo nhu cầu của thị trường lao động và xã hội; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Từ năm 2011 đến nay, đã đào tạo nghề cho gần 3,2 triệu lao động, trong đó hỗ trợ đào tạo nghề cho 2,2 triệu người; gần 79% số lao động học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất lao động cao hơn. Rà soát danh mục nghề cho lao động nông thôn, bảo đảm phù hợp với quy hoạch và yêu cầu tái cấu trúc nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

NGỌC ƯỚC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh