THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:19

Nâng cao chất lượng chỉnh hình và phục hồi chức năng trong lĩnh vực Lao động – Thương binh và Xã hội

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Tô Đức – Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thời gian qua, các cơ sở y tế của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác nuôi dưỡng, điều dưỡng, khám chữa bệnh, chỉnh hình và phục hồi chức năng cho các đối tượng, góp phần tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Một số Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng của ngành đã chủ động triển khai thêm nhiều dịch vụ y tế mới; hoạt động khám, điều trị ngày càng được nâng cao, góp phần rút ngắn thời gian điều trị, mang lại sự hài lòng cho các đối tượng…

Tuy nhiên, trước những tác động của già hoá dân số, tốc độ đô thị hoá, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tai nạn giao thông và tai nạn lao động, nên hiện nay số người có nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng nhiều. Trong đó, có trên 11,9 triệu người cao tuổi; 7,2 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên; khoảng 2,75% hộ nghèo, 3,5% hộ cận nghèo, khoảng 8,8 triệu người có công với cách mạng và thân nhân, hàng triệu người có vấn đề sức khoẻ tâm thần, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hơn 3,2 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng…; khoảng 100-120 nghìn người lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp hàng năm và có xu hướng gia tăng trong thời gian tới.

Trước tình hình trên, cùng với những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến sức khoẻ của người dân, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật chăm lo đời sống các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã chủ động, tích cực chỉ đạo các Bệnh viện, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng; cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma tuý phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh của ngành Y tế thực hiện công tác chăm sóc, điều dưỡng và nâng cao sức khoẻ của thương bệnh binh và người có công với cách mạng, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội và người có hoàn cảnh khó khăn tại các cơ sở y tế lao động xã hội.

Theo Cục Bảo trợ xã hội, hiện ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đang quản lý hơn 600 cơ sở y tế lao động xã hội (có 230 cơ sở ngoài công lập, với khoảng 20.000 nhân viên, trong đó có khoảng 5.000 nhân viên y tế). Trong đó, có 11 Bệnh viện, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng (7 Bệnh viện; 4 Trung tâm); trên 50 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, người có công; trên 425 cơ sở trợ giúp xã hội nuôi dưỡng, chăm sóc cho 1,3 triệu người có công; khoảng 41.434 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có 11.365 trẻ em; 4.723 người cao tuổi; 8.218 người khuyết tật nặng; 10.438 người tâm thần,…

Các cơ sở y tế lao động xã hội có quy mô hơn 120.000 giường nội trú, trong đó các Bệnh viện, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng khoảng 2.000 giường, cơ sở xã hội chăm sóc, điều dưỡng người có công khoảng 1.000 giường, cơ sở cai nghiện ma tuý khoảng 40.000 giường, cơ sở trợ giúp xã hội khoảng 77.000 giường.  

Giai đoạn 2021-2023, tổng số lượt người khám ngoại trú của các Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng đạt 315.289 lượt; số lượt bệnh nhân điều trị nội trú đạt 765.450 lượt người, số bệnh nhân được phẫu thuật chỉnh hình, chấn thương, tạo hình đạt gần 17.000 người, số bệnh nhân phục hồi chức năng 468.293 lượt người; số bệnh nhân dưới 6 tuổi được điều trị khoảng trên 38.500 cháu. Hơn 25.000 bệnh nhân thuộc diện chính sách, diện hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa được điều trị miễn phí.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Dịch vụ phục hồi chức năng được phát triển đa dạng, bao gồm vật lý trị liệu, âm ngữ trị liệu và hoạt động trị liệu… Hoạt động sản xuất chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình được quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng phục hồi chức năng cho thương binh và người khuyết tật vận động.

Các Trung tâm điều dưỡng thương binh của ngành hiện cũng đang nuôi dưỡng và điều trị tập trung cho gần 1.000 người, đa phần đều đã lớn tuổi, thương tật, bệnh tật nặng; bệnh binh bị các bệnh thần kinh, tâm thần, liệt toàn thân… phải thường xuyên điều trị và chăm sóc quản lý ở các trung tâm và các cơ sở y tế. Hơn 60.000 đối tượng là người tâm thần, rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng được tổ chức quản lý, cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

Về công tác cai nghiện, phục hồi sức khoẻ, các cơ sở cai nghiện hiện đang quản lý gần 200 nghìn người nghiện ma tuý, thực hiện tư vấn cho gia đình người nghiện ma tuý về phương pháp cai nghiện; khám sức khoẻ ban đầu và lập hồ sơ bệnh án; xét nghiệm, phát hiện chất ma tuý; điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội; tổ chức tuyên truyền…

Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, thu hút bệnh nhân đến khám, theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cần củng cố, hoàn thiện cơ cấu, tổ chức của cơ sở y tế. Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho biết, hiện có các cơ sở y tế của ngành chưa được cấp Giấy phép hoạt động, do đó chưa được phê duyệt danh mục kỹ thuật khám chữa bệnh; nhiều cán bộ y tế chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, chưa được cấp Phép khám chữa bệnh BHYT, chưa ký được hợp đồng khám chữa bệnh với cơ quan Bảo hiểm xã hội, dẫn đến thiệt thòi cho đối tượng khám chữa bệnh.

Đơn cử như Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Cần Thơ, hiện nay chưa được cấp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh do chưa hoàn thiện Hồ sơ cấp giấp phép theo quy định, thiếu nhân lực y tế có trình độ chuyên khoa sâu; hay Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ khuyết tật cũng đang hoàn thiện Hồ sơ xin cấp Giấy phép hoạt động (Phòng khám chuyên khoa Phục hồi chức năng).

Nhằm nâng cao chất lượng công tác y tế chỉnh hình và phục hồi chức năng trong lĩnh vực Lao động – Thương binh và Xã hội, tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận về đề xuất xây dựng mô hình cơ cấu, tổ chức các Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng; đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng khám, chữa bệnh, thu hút người bệnh của hệ thống y tế lao động xã hội. Đồng thời, tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…   

BÙI MINH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh