THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:27

Nâng cao chất lượng các Dự án Luật trình Quốc hội

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018 được lập theo nguyên tắc ưu tiên bổ sung Chương trình năm 2018, đưa vào Chương trình năm 2019 các dự án luật sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; yêu cầu của Quốc hội, UBTVQH, đặc biệt là các dự án nhằm kịp thời triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 và Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. 
Đồng thời ưu tiên các dự án luật, pháp lệnh liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là tái cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, việc dự kiến Chương trình 2019, điều chỉnh chương trình năm 2018 cần đảm bảo tính khả thi, tránh dồn quá nhiều vào một cơ quan soạn thảo, thẩm tra, nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ soạn thảo và thẩm tra dự án, đảm bảo tính ổn định của Chương trình năm 2018 đã được Quốc hội thông qua.
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 sau khi điều chỉnh sẽ là: Tại kỳ hợp thứ 5, trình Quốc hội thông qua 8 luật và 1 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến vào 9 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 6, trình Quốc hội thông qua 14 dự án luật; cho ý kiến 5 dự án luật khác; bổ sung vào Chương trình năm 2018 dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về biểu thuế bảo vệ môi trường; Các dự án khác do UBTVQH quyết định bổ sung khi đủ điều kiện.
Trên cơ sở nội dung Chính phủ trình và ý kiến thẩm tra của các Ủy ban chuyên môn, dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 như sau: Tại kỳ họp thứ 7, trình Quốc hội thông qua 5 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 8 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 8, trình Quốc hội thông qua 8 dự án luật; cho ý kiến 3 dự án luật; Các dự án khác do UBTVQH quyết định bổ sung khi đủ điều kiện.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng kỷ luật làm luật chưa được nhiều cơ quan thực hiện nghiêm túc

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, thời gian qua, thực hiện các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động lập pháp đã được cải tiến trong tất cả các khâu. Công tác lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh được Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan quan tâm, tích cực và chủ động hơn. Công tác soạn thảo, thẩm định được coi trọng và dành nhiều thời gian, công sức thực hiện. Chính phủ bố trí nhiều thời gian hơn và tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để thảo luận, cho ý kiến về các dự án. Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tập trung thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thẩm tra các dự án, tích cực thực hiện việc tiếp thu, chỉnh lý dự án sau khi được Quốc hội cho ý kiến. 
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, việc lập và triển khai Chương trình vẫn còn những hạn chế: Hồ sơ đề nghị xây dựng một số dự án luật  chưa được chuẩn bị kỹ;nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về xu hướng một luật sửa nhiều luật, lồng ghép các ưu đãi làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định; việc tổ chức lấy ý kiến và tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với nhiều dự án còn hình thức; Chính phủ chưa bố trí thời gian để thảo luận bàn sâu về chính sách cụ thể của mỗi dự án; trong quá trình soạn thảo, tiếp thu chỉnh lý, người đứng đầu một số cơ quan soạn thảo dành thời gian để tham gia ít, chủ yếu giao cho cấp dưới.
Cho rằng kỷ luật làm luật còn chưa được các cơ quan thực hiện nghiêm túc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, nhiều dự án Luật thì hồ sơ dự án còn chưa được chuẩn bị đầy đủ, 70% Báo cáo tổng kết thi hành, Báo cáo đánh giá tác động hầu như không có chữ ký, không đóng dấu. Tại sao Bộ Tư pháp cho qua, Chính phủ cũng cho qua dẫn đến chất lượng của các chính sách đưa ra tồn tại rất nhiều vấn đề? Nhiều trường hợp hồ sơ dự án gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội chậm so với quy định? Từ những nhận định trên, bà Lê Thị Nga đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan khắc phục ngay những tồn tại hạn chế này, tránh sự nể nang, đảm bảo chất lượng của các dự án trình ra Quốc hội, góp phần làm cho hệ thống pháp luật có tính ổn định một cách tương đối.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, để góp phần khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh, từ năm 2017, Ủy ban Pháp luật đã tiến hành xây dựng kế hoạch để theo dõi từng luật; các cơ quan chủ trì soạn thảo đều xây dựng lộ trình gửi cho các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc tham gia theo dõi; hàng tháng Ủy ban Pháp luật đều có báo cáo tổng hợp tiến độ của từng dự án để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với nội dung đã nêu tại Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại hạn chế trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh; sau khi đã chỉ ra được những nguyên nhân của tồn tại trên đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành có liên quan cần có biện pháp cụ thể để đảm bảo sự chặt chẽ, hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong xây dựng văn bản pháp luật

 

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh