Đặc khu kinh tế: Luật chưa ra, giá đất đã “sốt”
- Tây Y
- 13:37 - 17/04/2018
"Bỏ một đồng để thu vài chục, vài trăm đồng"
Trình bày báo cáo tiếp thu, chính lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) Nguyễn Khắc Định cho biết, trong dự thảo luật Chính phủ trình QH, tại cả 3 đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà), Phú Quốc (Kiên Giang) đều xác định xây dựng, kinh doanh khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino là dự án thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển, cần thu hút đầu tư.
Cơ quan thẩm tra cho rằng đây là các dự án đầu tư phức hợp đa chức năng với vốn đầu tư lớn (tối thiểu 44.000 tỉ đồng, trong đó, vốn đầu tư cho dịch vụ kinh doanh casino chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ). Do vậy, việc quy định dự án đầu tư thuộc lĩnh vực này được hưởng ưu đãi về thuế, tiền thuê đất như các dự án khác thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển là cần thiết để thu hút đầu tư và bảo đảm cạnh tranh quốc tế.
Tuy nhiên, đây cũng là ngành, nghề kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận rất cao, có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư, do đó, chính sách ưu đãi cũng cần được tính toán hợp lý, bảo đảm không gây thất thu cho ngân sách nhà nước trong dài hạn.
Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Khắc Định cho biết, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, quy định về thời hạn sử dụng đất trong dự thảo đã được chỉnh lý: Căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch UBND đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu nhưng không quá 70 năm. Trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng quyết định.
Cho ý kiến dự luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh việc phải thống nhất quan điểm là cần thiết ban hành luật này. Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc xây dựng luật phải làm từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đây là luật khó với nhiều chính sách mới mang tính thử nghiệm, đột phá. Các quy định trong luật này có thể khác luật khác nhưng phải trong khuôn khổ Hiến pháp và chủ trương của Đảng.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc lập 3 đặc khu để thu hút nguồn lực, tạo 3 vùng động lực chứ không phải để Nhà nước bỏ ra 1 triệu tỉ đồng để hấp dẫn nhà đầu tư.
Theo Chủ tịch Quốc hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn cả nước chỉ có 2 triệu tỉ đồng, trong khi 3 đặc khu cần 1 triệu tỉ đồng thì cần xác định nguồn ở đâu, so với kế hoạch trung hạn thế nào để đảm bảo khả thi?
"Vấn đề là thu hút đầu tư chứ không phải Nhà nước đổ tiền vào rồi miễn, giảm... thuế, không thu khoản này khoản khác. Mục đích cuối cùng là đặc khu ra để được cái gì đó, bỏ ra 1 đồng để thu lại vài chục đồng, vài trăm đồng chứ không thể 10 năm, 20 năm tới ngồi đánh giá tổng kết lại thấy không được gì", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, mục tiêu chính của việc lập 3 đặc khu là tạo ra hoạt động kinh tế có sức lan toả, phát huy lợi thế so sánh của từng khu vực để tạo ra sự phát triển nhanh chóng.
"Đã là kinh tế thì hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu vì thế cơ quan soạn thảo, Chính phủ phải trả lời là 3 đặc khu này mang lại lợi ích gì cho đất nước và chúng ta phải bỏ ra cái gì và thu được cái gì, trong ngắn hạn có thể chưa có hiệu quả nhưng dài hạn thì phải thu được kết quả tích cực", ông Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cần phải đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu
Không nên miễn giảm quá mức
Liên quan đến vấn đề nguồn lực và chính sách ưu đãi cho 3 đặc khu kinh tế, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần tính toán nguồn lực một cách cụ thể: “Ngoài bỏ ngân sách thì các chính sách miễn, giảm, giãn... cũng phải tính toán. Tất cả phải ở trên bàn, ít nhất cũng khái toán bởi kinh tế mà định tính thì không thể đưa ra quyết định đúng đắn”. Ông Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị làm rõ thế nào là “đặc biệt” để tránh việc giao đất 99 năm tràn lan. Ngoài ra, việc miễn, giảm thuế cần cân nhắc.
“Chính sách thuế cần có quy định thể hiện tính nổi trội nhưng phải tính toán kỹ, vì không cẩn thận chúng ta chẳng thu được gì nhiều lắm so với số bỏ ra, thậm chí tạo gánh nặng ngân sách, nhất là dùng chính sách miễn, giảm, giãn tràn lan”, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh và đặt câu hỏi tại sao ưu đãi kinh doanh bất động sản lên đến 10% trong khi đất ở những nơi này đang “sốt” dần, dễ là nơi “lướt sóng” chứ không phải đầu tư.
"3 đặc khu là những vùng đất có giá trị rất cao, có thông tin giá đất ở Vân Đồn đã tăng 2, 3 lần, Phú Quốc đất cũng đang “sốt”. Vì vậy cần phải tính toán chính sách hợp lý không nên miễn giảm quá mức như như dự thảo luật", ông Hiển lo ngại.
Cho ý kiến dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng tình với sự cần thiết ban hành luật và việc hình thành 3 đặc khu kinh tế nhưng cho rằng luật phải được xây dựng song hành cùng với 3 đề án đặc khu (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc). Cần khẩn trương hoàn thành 3 đề án để thực hiện luật này, giải quyết những vấn đề cụ thể được UBTVQH đề cập hôm nay.
"Cần có đề án đặt trên bàn đại biểu Quốc hội cùng dự luật, chứ không khó thông qua được, nhất là đại biểu sẽ lo lắng mấy triệu tỉ đồng rót vào đây. Đại biểu làm sao yên tâm được. Nhất là hiện mới nghe tin có luật này mà “cò đất” đã đẩy giá lên. Các đồng chí đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm về việc này, nếu không cẩn thận thì mất cán bộ”, bà Tòng Thị Phóng lo ngại.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết hiện tỉnh đã có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng “cò đất”, thổi giá đất và Vân Đồn đến thời điểm này được kiểm soát đất đai rất nghiêm để thực hiện giải phóng mặt bằng sau này.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngăn Ngừa Bệnh Tim Và Đột Quỵ Ở Người Cao Tuổi: Bí Quyết Sống Khỏe Mạnh Và An Toàn
Bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và vai trò của y học hiện đại...
4 tháng trước
Tin nên đọc