CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:09

Năm tháng “thai nghén” báo Lao động và Xã hội

 

Ngay từ ngày đầu thành lập, báo LĐ&XH luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ và lãnh đạo Bộ.

 

Từ ý tưởng của Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH đến Đề án ra báo khả thi 

Bây giờ nghe nói cũ, mới có tới 800 tờ báo, riêng ngành ta cũng có 3 tờ do Bộ quản lý, còn nhiều tờ khác của Hội gắn với Bộ. Nhớ lại đầu thập niên 90 (thế kỷ XX), Bộ ta chỉ có một tờ Tạp chí, các Bộ như: Tài chính, Công nghiệp… cũng vậy. Tạp chí Lao động và Xã hội là cơ quan thông tin lý luận, nghiệp vụ duy nhất của Bộ LĐ-TB&XH nhưng mỗi tháng chỉ ra một lần, lại in chậm, phát hành chậm: số tháng trước phải giữa tháng sau, địa phương, cơ sở mới nhận được. Lưu ý các bạn, khi đó chưa có giao ban trực tuyến, intenet, điện thoại di động… thông tin cần chuyển tải gấp chỉ có thể qua máy fax.

Vậy mà, thời điểm đó, một phần do chuyển đổi cơ chế quản lý, một phần do hợp nhất hai Bộ… nhiệm vụ chính trị, nghiệp vụ của ngành LĐ-TB&XH đột ngột tăng lên; có nhiều việc rất nóng Bộ phải nắm chỉ đạo địa phương cơ sở hàng ngày. Chẳng hạn 2 năm 1987 - 1989 thương, bệnh binh ở trại an dưỡng đời sống khó khăn thường kéo ra đường quốc lộ chặn xe xin tiền… Bộ phải cùng địa phương và các cơ sở an điều dưỡng xử lý kịp thời.

Năm 1989, để sắp xếp lại các xí nghiệp quốc doanh, Chính phủ ra Quyết định 176, cho nghỉ việc mấy chục vạn lao động. Bộ ta cần chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời lo chính sách trợ cấp một lần và dạy nghề mới cho người lao động.

Sang đầu những năm 1990, Bộ ta phải nghiên cứu, triển khai một loạt các chính sách mới, các đề án lớn, như: Cải cách tiền lương, cải cách BHXH, xây dựng Bộ luật Lao động, xây dựng Pháp lệnh Người có công… Tất cả những việc đó muốn triển khai thực hiện tốt cần việc thông tin tuyên truyền sâu rộng đến mọi đối tượng chính sách và toàn dân.

Thời chưa có báo ngành, khi triển khai một nhiệm vụ chính trị, nghiệp vụ nào, Bộ đều phải mời phóng viên các báo Nhân dân, Lao động, Quân đội nhân dân… tới nhờ tuyên truyền giúp!

Người thấy rõ sự yếu kém, bất cập của đội ngũ báo chí, tuyên truyền của ngành khi đó chính là Tư lệnh ngành - Bộ trưởng Trần Đình Hoan. Đầu năm 1991, Bộ trưởng làm việc với lãnh đạo Tạp chí. Cuối buổi họp, Bộ trưởng tâm sự (nêu ý tưởng): “Bộ ta cần có gấp một tờ báo. Bộ giao cho Tạp chí xây dựng đề án ra báo, hoặc tìm người giới thiệu với Bộ xây dựng đề án…”.

 

TBT Lê Văn Minh và lãnh đạo tòa soạn dịp Kỷ niệm 10 năm thành lập báo LĐ&XH.

 

Mình làm Tạp chí cũng chỉ là tay ngang, vì không được đào tạo về báo chí. Mặt khác, Tạp chí cũng rất khó khăn về tài chính do phải tự lo liệu mọi chi phí, mà nguồn thu rất hạn hẹp. Khi đó chưa biết làm quảng cáo. Mình nghĩ đến Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh - chuyên gia kinh tế, khi đó đang là Giám đốc Trung tâm xúc tiến việc làm của Bộ, và là cộng tác viên năng nổ của Tạp chí. Anh Nguyễn Lê Minh rất giàu tố chất của người làm báo. Biết ý tưởng của Bộ trưởng, anh Minh nhận nghiên cứu, xây dựng đề án. Nhưng được ít lâu, anh đã xin rút, vì theo anh: “Ra tờ báo của ngành lúc này cái khó không phải là bài vở, mà là cơ chế tài chính, muốn làm nổi tờ báo cần mấy chục cán bộ, phóng viên. Vậy lấy tiền đâu mà trả lương, nhuận bút…chưa kể bao nhiêu chi phí khác?”.

Tưởng rằng không hoàn thành nhiệm vụ Bộ trưởng giao, thì nhà báo Nguyễn Ngọc Niên xuất hiện! Ngọc Niên khi đó (1992) là phóng viên thường trú tại TP Hồ Chí Minh của báo Quân đội nhân dân. Qua trao đổi bài vở thấy Ngọc Niên rất giàu nhiệt huyết làm báo. Mình thông báo ý tưởng ra báo ngành và bạn ấy kết ngay. Nhận chỉ thị trực tiếp từ Bộ trưởng, chỉ mấy tháng sau (đầu năm 1993), Ngọc Niên trình đề án ra báo. Bộ trưởng Trần Đình Hoan xem có góp ý, sửa chữa đôi chút và phê duyệt.

Đề án ra báo của Ngọc Niên khả thi vì nêu được cách tạo nguồn thu và tiết kiệm chi phí để tự cân đối tài chính, không lệ thuộc vào ngân sách nhà nước. Cụ thể: Thời gian đầu báo tổ chức làm bài và in ấn ở TP Hồ Chí Minh, địa bàn dễ làm quảng cáo, mà chi phí lại rẻ hơn ngoài  Hà Nội… Những năm đầu đổi mới, báo chí phía Nam năng động, đổi mới hơn hẳn ngoài Bắc. Ngọc Niên thích ứng nhanh với môi trường làm báo trong ấy nên đã thành công.

Những việc chuẩn bị khẩn trương để sớm ra số báo đầu tiên

Duyệt đề án khoảng tháng 3/1993, Bộ trưởng giao cho Vụ Tổ chức cán bộ cùng Ngọc Niên vẫn còn là bộ đội - phóng viên của báo Quân đội nhân dân thường trú tại TP Hồ Chí Minh nên phải làm “con thoi” ra vào giữa Hà Nội - Sài Gòn. Mình nói Tạp chí trích quỹ cho bạn ấy vay 15 triệu đồng làm lộ phí… lương Đại úy lúc đó lấy tiền đâu mà đi bằng máy bay.Muốn có giấy phép cần qua cửa chính là: Bộ Văn hóa Thông tin và Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Các Bộ: Tài chính, Nội vụ cũng ngó qua, nhưng không gây khó gì vì ngay từ đầu, tờ trình đã xác định: Báo hoạt động theo cơ chế tự cân đối tài chính và tuyển dụng lao động chủ yếu theo hình thức hợp đồng. Tình tiết cụ thể xin cấp phép chỉ có Ngọc Niên nắm rõ, nhưng mình nghĩ là cơ bản thuận lợi. Tháng 5/1993 công việc hoàn tất. Chỉ lưu ý thêm về tên tờ báo, ban đầu có nêu mấy phương án khác nhau như: Dân sinh, Quyền lợi… Nhưng cuối cùng chọn Lao động - Xã hội. Với tư duy của người quản lý báo chí, tên đó “lành” hơn.

Để sớm ra báo, theo ý Bộ trưởng vào cuối tháng 8/1993 gần ngày truyền thống của ngành (28/8) và Quốc khánh 2/9. Vậy cần làm gấp nhiều việc. Trước hết phải có người chính danh đảm nhiệm. Bộ trưởng vận động và giao cho Thứ trưởng Trịnh Tố Tâm làm Tổng biên tập; Nguyễn Ngọc Niên làm nhanh thủ tục chuyển ngành về Bộ và làm Phó Tổng biên tập. Bộ trưởng cũng chỉ đạo mình - đang là Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội, kiêm Phó Tổng biên tập báo Lao động - Xã hội, cùng với chị Đỗ Thị Chiền, Trưởng phòng, Kế toán trưởng Tạp chí sang kiêm Kế toán trưởng báo Lao động - Xã hội. Trong giai đoạn chuẩn bị, lãnh đạo báo còn được tăng cường anh Kim Quốc Hoa đang làm Tổng biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô về làm Phó Tổng biên tập, lo bài vở ở phía Bắc.

Nhân tiện nói thêm, Bộ trưởng cũng chỉ đạo Vụ Kế hoạch Tài chính của Bộ cấp cho báo Lao động - Xã hội số vốn ban đầu (khoảng 100 triệu đồng, hoặc ít hơn, mình không nhớ kỹ) và giao cho báo cùng Tạp chí một xe TOYOTA cũ. Tất cả vốn liếng khi khởi nghiệp chỉ có vậy.

Còn trụ sở: Nhà số 12 Ngô Quyền không còn chỗ nào cho báo, Bộ giao cho 2 phòng ở tầng 3, số 2 Ngô Thì Nhậm - Nhà khách của Bộ Thương binh và Xã hội cũ. Mình cùng Ngọc Niên đi nhận trụ sở, xin được lon gạo của anh Hà Anh vừa từ Trung tâm tâm thần ở Nho Quan chuyển về Bộ, làm Viện trưởng Viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng, để thắp hương trình diện với thần linh.

Vậy là từ cuối tháng 5 đến 25/8, bộ máy làm việc không lương nhưng rất khẩn trương, trách nhiệm thực hiện lời hứa trước Bộ trưởng, tổ chức ra mắt số báo đầu tiên đúng dịp kỷ niệm ngày truyền thống của ngành LĐ-TB&XH, ở hội trường Hội Nhà báo Việt Nam, long trọng, hoành tráng.

TS Lê Văn Minh(Nguyên TBT báo Lao động - Xã hội)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh