THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 10:16

Năm Hổ, bàn chuyện về ông Ba mươi

Tại sao Hổ được gọi là “ông Ba mươi”?

Đây là câu hỏi nhận được không ít lời giải đáp với rất nhiều cách giải thích khác nhau….

Theo tác giả Đặng Tiến trong bài “Vì sao hổ lại được gọi là ông Ba mươi?” cách gọi hổ là ông Ba mươi là do tục lệ tế thần Xương Cuồng vào ngày 30 tháng Chạp hằng năm, có từ thời Văn Lang nước ta. Theo truyện Mộc tinh trong sách Lĩnh Nam chích quái (Chọn lựa những chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam), người Văn Lang gọi Mộc tinh, thần Cây cối là Xương Cuồng, tức thần cây chiên đàn - một loài cây “trải qua hằng mấy ngàn năm khô héo mà biến thành yêu tinh, thường thay đổi dạng, rất dũng mãnh, có thể giết người, hại vật (…) biến hóa khôn lường, thường ăn thịt người”.

Lĩnh Nam chích quái chép: “Dân phải lập đền thờ, hằng năm đến ngày 30 tháng Chạp, theo lệ phải mang người sống tới nộp, mới được yên ổn. Dân thường gọi là thần Xương Cuồng”. Người dịch sách chú thích: Xương Cuồng có nghĩa là hành động một cách bạo ngược, tàn ác, không thể trấn áp được. Mộc tinh, thần Cây cối, hay Xương Cuồng là thần Hổ. Mộc tinh trong hình ảnh cọp là tai họa của rừng núi, cũng như Ngư tinh là tai họa của sông biển và Hồ tinh (chồn cáo) là tai họa của đồng bằng.

Hổ - Chúa sơn lâm tượng trưng cho uy lực, sức mạnh

Hổ - Chúa sơn lâm tượng trưng cho uy lực, sức mạnh

Một thuyết khác được giải thích phổ biến hiện nay là theo truyện cổ tích đã được Nguyễn Đổng Chi kể lại trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, rằng xưa trên trời có một người tên Phạm Nhĩ khỏe mạnh lạ thường. Với tài thần thông biến hóa, Nhĩ thường hay gây sự đánh nhau, không một ai chịu nổi cú đấm thôi sơn của ông. Từ đó, ông ngày một kiêu căng, tự phụ, lại lấy làm bực tức vì mình danh tiếng nổi như cồn mà vẫn không được Ngọc Hoàng trao cho một tước vị xứng đáng.

Ngày nọ, Phạm Nhĩ nghĩ mình lên làm vua nhà Trời mới phải, bèn tụ tập quanh mình một số bộ hạ gây náo loạn Thiên đình, rắp tâm hạ bệ Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng sai các tướng nhà Trời ra ngăn chặn, nhưng không vị nào đối đầu với Nhĩ được lâu. Cuối cùng, Ngọc Hoàng phải cầu cứu đến đức Phật.  

Đức Phật hiện ra giữa thinh không, Nhĩ xông lên toan dùng sức đánh, không ngờ sa ngay vào túi thần của đức Phật và bị bắt. Đức Phật giao Nhĩ cho Ngọc Hoàng xử lý, căn dặn Ngọc Hoàng phải làm cho Nhĩ hối lỗi chứ đừng giết hại. Ngọc Hoàng bèn đày Nhĩ xuống cõi trần làm kiếp vật. Trước hết, để tước bớt sức mạnh của Nhĩ, Ngọc Hoàng sai cắt bỏ đôi cánh để ông không thể bay về làm loạn Thiên đình, đồng thời làm phép bắt lỗ tai ông mỗi khi tỉnh giấc thì khép kín lại để không thể nghe hết mọi chuyện dù cách xa hàng ngàn dặm.

Tuy nhiên, thể theo lời dặn của đức Phật, Ngọc Hoàng phong cho Phạm Nhĩ làm Chúa tể sơn lâm nơi trần thế. Tuy ông đã giảm sút tài phép rất nhiều nhưng vẫn giữ được sức khỏe vô địch khiến mọi thú vật khiếp sợ. Cho đến bây giờ, dòng dõi nhà ông vẫn nối nhau làm Chúa tể sơn lâm. Ngay loài người cũng phải kiềng mặt, không dám gọi thẳng tên hổ mà gọi tránh là “ông Ba mươi”. Tên gọi này xuất phát từ tích hễ có ai săn được hổ thì vua thưởng cho 30 quan tiền, nhưng vua cũng bắt người đó phải chịu 30 roi để cho vong hồn Phạm Nhĩ được thỏa mà không tác quái nữa.

Cũng có thuyết cho rằng, lúc Nguyễn Ánh bị nhà Tây Sơn truy bức, hết cả lương thực, may nhờ có thịt thú rừng do hổ tha tới tiếp tế hằng ngày mà thoát chết. Về sau, khi lên ngôi, vua Gia Long ban lệnh lập miếu thờ tại vùng Mô Xoài thuộc tỉnh Bà Rịa để tạ ơn, dân gian thường gọi là miếu Ông Hổ. Tục truyền, vua ban lệnh cấm giết hổ, nếu kẻ nào lỡ tay giết chết thì bị phạt 30 trượng, còn nếu bắt sống thì được thưởng 30 quan tiền. Cũng vì lệ này mà hổ còn được gọi là ông Ba mươi.

Tín ngưỡng sùng bái “ông Ba mươi” và tục thờ thần Hổ

Có một thời, con người đành bất lực trước oai quyền của hổ, phải gọi hổ bằng ông, bằng ngài, hơn nữa “ông” đã trở thành linh vật được đưa vào các gian thờ ở đình, chùa, miếu mạo. Và tựu chung, người đời xưa cho tới đời nay, khi thờ hổ, họ đều cảm nhận được sự an toàn bởi được che chở theo quan niệm tâm linh.

Trong quan niệm dân gian Việt Nam, hổ tượng trưng cho sức mạnh. Dân gian đã thần thánh hóa hổ, cho nó một sức mạnh linh thiêng diệt trừ được ma quỷ. Bởi vậy, hình tượng con hổ đã trở thành phổ biến trong nghệ thuật dân gian Việt Nam.

Tục thờ thần Hổ trong đình, miếu ở Việt Nam

Tục thờ thần Hổ trong đình, miếu ở Việt Nam

Tại các tỉnh Nam bộ, cọp là con vật rất được người dân kiêng nể, tôn sùng xem là biểu tượng của quyền lực, sức mạnh vô hình của đấng siêu nhiên. Vì vậy cọp được thờ rất trang trọng ở hầu hết các đình, chùa, miếu với nhiều hình thức khác nhau như: Tượng điêu khắc, tranh vẽ, hình ảnh… Ở Nam bộ hiện còn lưu truyền nhiều địa danh liên quan đến cọp như: Đìa Cứt Cọp (Bến Tre), rạch Ông Hổ (Tiền Giang), cù lao Ông Hổ (An Giang), miếu Ông Cọp ( Cần Thơ)…

Có nhiều giai thoại về cọp khiến con vật này trở nên huyền bí, linh thiêng như chuyện các vị hương cả ở làng Hòa Tú (Sóc Trăng) chết liên tiếp mỗi khi nhậm chức này. Cuối cùng dân làng và ban hương tề phải mời “ông Cọp” ba chân về làm hương cả thì mọi việc mới xong, mưa thuận gió hòa, trúng mùa liên tiếp. Tuy chuyện mang màu sắc huyền thoại không tưởng nhưng đến nay nhiều người dân cố cựu vẫn tin tưởng.

Một truyền thuyết khác không kém phần hấp dẫn cũng được lưu truyền rộng khắp là câu chuyện cọp ở Bến Tre. Chuyện kể rằng ai nhậm chức hương cả sẽ bị cọp cắn chết vì không cúng bái cọp. Từ đó mỗi năm làng đều phải làm lễ cúng “Cả Cọp” một đầu heo quay kèm tờ sớ trình tấu.

Ở Cần Thơ có câu chuyện một con cọp tu lâu năm. Cạnh bìa rừng có một phụ nữ sống một mình vì chồng đi chinh chiến. Một đêm, cọp nghe tiếng bà vợ rên rỉ đau bụng chuyển dạ đẻ đã chạy thẳng đến nhà một bà mụ. Thấy cọp, bà mụ ngất xỉu, cọp bèn tha bà đến nhà người sản phụ kia giúp cho mẹ tròn con vuông. Sáng sớm hôm sau, khi mở cửa, bà mụ trông thấy một con heo rừng nằm chết trong sân, trên đó đầy vết móng cọp xem như quà trả ơn. Từ đó bà dựng một ngôi miếu để thờ thần Hổ.

Tiếp theo là giai thoại hai con hổ dữ tranh giành lãnh địa cắn nhau quyết liệt suốt ba ngày đêm và cả hai đều chết. Từ đó người dân lập miếu thờ hai ông Cọp ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy. Tại đây còn có bức tranh miêu tả trận huyết chiến năm xưa.

Về Long Xuyên (An Giang) hỏi đến địa danh cù lao Ông Hổ ai cũng biết. Trên Cù Lao có 2 bức tượng hổ to lớn được tạc bằng đá uy nghi đứng tại cổng chào.

Người Nam bộ còn có tục lệ vào ngày Mùng 3 Tết Nguyên đán phải dán trước cửa nhà một mảnh giấy đỏ có vẽ hình cọp để trấn giữ tà ma, yêu quái, điều xui rủi... Cạnh đó nhiều người tin rằng ông Cọp bảo vệ trẻ con, khi trẻ con bị bệnh chỉ cần vuốt râu ông thì sẽ khỏi.

Trong nhận thức tâm linh của cư dân Nam bộ, hổ là vị Chúa sơn lâm cai quản vùng rừng núi, ngự trị muôn loài. Vì vậy hầu hết ở các đình, đền, am, miếu thường có bàn thờ hoặc miếu thờ thần Hổ với bài vị trang trọng mang tên “Sơn quân chi thần”, “Sơn quân mãnh hổ”, “Sơn lâm chúa xứ”, “Sơn lâm đại tướng quân”... Trên các án phong trấn cửa đình thường trang trí bằng hình mãnh hổ trông rất oai vệ. Miếu của thần Hổ nằm bên phải nền thờ thần Nông để chứng minh thần Hổ quan trọng hơn cả thần Nông.

Hà Châu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh