THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:48

Nam Định: Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Trước tình trạng căng thẳng về nguồn lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định đã tăng cường cải thiện điều kiện làm việc cũng như các chế độ phúc lợi cho người lao động như đảm bảo về thu nhập, phúc lợi; nhiều doanh nghiệp “hạ chuẩn” trong quá trình tuyển dụng, sẵn sàng chấp nhận đào tạo nghề cho những lao động chưa có tay nghề...

Cũng theo ý kiến của các doanh nghiệp, lao động tại một số ngành nghề trên địa bàn tỉnh đang dần “cạn nguồn” buộc doanh nghiệp phải mở rộng thu hút lao động ở các địa phương lân cận. Theo ông Đào Văn Phương, Giám đốc Công ty Dệt lụa Nam Định, tại địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động, khó tuyển dụng công nhân trong một số ngành như: dệt may, giầy da. Chỉ tính riêng KCN Bảo Minh (Vụ Bản) đã thu hút khoảng 14 nghìn lao động của các huyện: Vụ Bản, Ý Yên, thành phố Nam Định và một số huyện của tỉnh Hà Nam. Hiện tại, KCN Bảo Minh đang được tập trung đầu tư mở rộng, tiếp tục thu hút thêm doanh nghiệp sẽ kéo theo nguy cơ thiếu hụt lao động khá cao và đối diện với nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển dụng công nhân giữa các doanh nghiệp…

Trước thực trạng kể trên, UBND tỉnh Nam Định cho biết, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ, khắc phục các vướng mắc, bất cập. Ngay khi dịch bệnh tái bùng phát, các ngành chức năng, các địa phương đã hướng dẫn các doanh nghiệp tăng cường các biện pháp phòng chống, ngăn chặn, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho người lao động. Các doanh nghiệp đều chủ động cấp phát khẩu trang, xà bông, nước sát khuẩn cho người lao động; phun khử trùng nhà xưởng; chủ động xây dựng phương án xử lý tình huống nếu có ca dương tính với SARS-CoV-2 tại doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đối với các doanh nghiệp có lao động là người nước ngoài trở về nước trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, các ngành chức năng, các địa phương đều tích cực hỗ trợ để đảm bảo khi quay trở lại đều được hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục nhập cảnh trong khuôn khổ thời gian quy định, hỗ trợ thực hiện các quy định về phòng chống dịch, nhất là quy định về thời gian cách ly. Đáng chú ý, các doanh nghiệp có chuyên gia nước ngoài đều được tổ chức công đoàn phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch khi tiếp xúc để người lao động tại đơn vị không quá lo lắng, kỳ thị; không để một bộ phận người lao động lấy cớ dịch để ngừng việc, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động. Đặc biệt, để tạo điều kiện cho người lao động yên tâm làm việc, huyện cũng dự kiến sẽ nghiên cứu, tổ chức làm việc trực tiếp với các xã, thị trấn, rà soát thực trạng, từ đó cân nhắc phương án có xây dựng thêm trường học hoặc nghiên cứu tổ chức ăn bán trú cho các học sinh trong điều kiện huyện đã và đang có nhiều doanh nghiệp tiếp cận, triển khai đầu tư các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh quy mô lớn tại địa bàn.

Có thể nói, với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là tạo điều kiện để doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất thuận lợi, tận dụng tối đa cơ hội, các doanh nghiệp tại Nam Định đã nhanh nhạy nắm bắt xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, tạo ra thay đổi về nhu cầu đối với một số sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như chế biến thực phẩm, y tế, hóa dược phẩm để tái cơ cấu sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị mới và phát triển bứt phá ở cả thị trường trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp dệt may, sản xuất thiết bị y tế, dược phẩm không chỉ vượt qua khó khăn, trụ vững mà còn tiếp tục thiết lập, mở rộng thị trường tiêu thụ mới trên thế giới. Giá trị các mặt hàng xuất khẩu nhờ đó cũng tăng cao với tổng giá trị ước đạt 2.200 triệu USD, bằng 100% kế hoạch năm và tăng 9,7% so với năm 2019. Ước tính cả năm 2021, tỉnh Nam Định có 6 nhóm dịch vụ, hàng hóa có sức gia tăng cao gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống; đồ uống và thuốc lá; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục; hàng hóa và dịch vụ khác. Đáng ghi nhận, tỉnh còn chỉ đạo chủ động phát triển sâu, mạnh các lĩnh vực trọng tâm, thế mạnh của địa phương. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp; chú trọng hỗ trợ cho đầu tư chế biến nông sản tại hàng loạt chương trình, dự án, trong đó có chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt nhiều thành tích vượt trội với nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, xuất khẩu.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cuộc sống cho người lao động, tỉnh Nam Định đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ người lao động thất nghiệp, đồng thời tăng cường kết nối việc làm, giúp người lao động sớm tìm được việc làm mới. Với vai trò cầu nối của người lao động và doanh nghiệp, ông Lại Hà Nam, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Nam Định cho biết đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đảm bảo quyền lợi của người lao động, cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng tư vấn ngay từ khi người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong 10 tháng đầu năm 2021, Trung tâm đã hướng dẫn cho 7.938 lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp; tư vấn cho 346 người không nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động; 7.837 lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng; 7.711 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp; 490 người có việc làm khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Xác định xuất khẩu lao động là một giải pháp hiệu quả giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu miễn phí các chương trình xuất khẩu lao động tại các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan, Malaysia, châu Âu, Trung Ðông... cho những người có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động trong các phiên giao dịch việc làm vào ngày 10 hàng tháng. Trong 10 tháng đầu năm 2021, Trung tâm DVVL tỉnh đã giới thiệu việc làm ngoài nước cho 265 người. Với nhiều giải pháp đồng bộ, tính đến cuối tháng 9, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho khoảng 25 nghìn lượt người (đạt 78,13% kế hoạch năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,4%.

Bên cạnh nỗ lực tạo việc làm, hạn chế thấp nhất số lao động thất nghiệp, tỉnh Nam Định cũng nhanh chóng triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính Phủ. Tính đến ngày  23/11/2021, trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ cho 1.099.716 lượt người với tổng kinh phí hơn 413,3 tỷ đồng. Trong đó: 1.097.670 lượt người đã được hỗ trợ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp với kinh phí hơn 409,651 tỷ đồng; 06 đơn vị được vốn vay trả lương ngừng việc cho 252 lượt người với kinh phí 980,49 triệu đồng; UBND tỉnh đã có Quyết định hỗ trợ bằng tiền mặt cho 16 hộ kinh doanh và 1.794 lượt người với số kinh phí 2,667 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Ngành LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định cho biết sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ cho các doanh nghiệp, giới thiệu các cơ sở đào tạo nghề có uy tín liên kết với các doanh nghiệp để thực hiện bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đa dạng các hình thức hoạt động phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm tăng cường công tác tư vấn, kết nối, hỗ trợ việc làm, tư vấn học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp... cho người lao động, nhất là những lao động bị mất việc làm do dịch Covid-19 để họ sớm quay trở lại thị trường lao động.

K.Đ
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh