Năm APEC 2017: Tạo động lực, tầm nhìn mới cho tương lai chung
- Huyệt vị
- 15:47 - 13/02/2018
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và các bộ trưởng, trưởng đoàn tham dự Đối thoại chính sách cao cấp “Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số”, tháng 5/2017 tại TP. Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Từ Đối thoại Phát triển nguồn nhân lực kỷ nguyên số
Đối thoại “Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số” diễn ra từ 11 đến 16/5/2017 tại TP. Hà Nội, thu hút sự tham dự của các Bộ trưởng APEC và các đại diện cao cấp chịu trách nhiệm về phát triển nguồn nhân lực, đại diện doanh nghiệp và người lao động.
Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: “Nguồn nhân lực ở bất kỳ thời gian nào cũng là yếu tố trung tâm, là động lực của phát triển. Trong kỷ nguyên số, sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với phát triển nguồn nhân lực và cần tạo điều kiện, phương tiện mới để thực hiện những yêu cầu đó”.
Theo Phó Thủ tướng, trong kỷ nguyên số, công nghệ thông tin không chỉ giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, mà còn là phương tiện kết nối, mở ra chân trời, thế giới mới để mọi người được tiếp cận, được chia sẻ, được giao lưu, được phát huy sáng tạo và khẳng định giá trị cá nhân của mình và đóng góp vào thành tựu chung, vào văn minh nhân loại.
Trong bài phát biểu chào mừng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định: Đối thoại chính sách cao cấp APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là một bằng chứng về cam kết của các nền kinh tế APEC nhằm tăng cường và thúc đẩy hợp tác phát triển nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển, phù hợp với yêu cầu của người lao động và người sử dụng lao động, nhằm vun đắp tương lai chung về một APEC năng động, hòa bình, đi đầu trong tăng trưởng và liên kết toàn cầu, có khả năng ứng phó với những biến đổi kinh tế - tài chính và những thách thức do thiên nhiên và con người gây ra.
“Những sáng kiến, kinh nghiệm và bài học tốt về các chính sách và thực tiễn từ các nền kinh tế APEC hướng tới tương lai việc làm tốt đẹp hơn. Trong đó, chủ động đào tạo nguồn nhân lực, điều chỉnh chính sách an sinh xã hội sẽ góp phần quan trọng vào nỗ lực chung nhằm tiếp tục cụ thể hóa và hiện thực hóa những chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo cấp cao, đồng thời bổ sung cho các sáng kiến và chương trình hành động hiện hành của APEC hướng tới việc làm bền vững, bao trùm cho tất cả mọi người”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Tại Đối thoại, các đại biểu và diễn giả đã thảo luận về những hàm ý của số hóa đối với việc làm tương lai và những thách thức, cơ hội mà nó sẽ mang đến cho người lao động và cộng đồng của họ. Để giải quyết những thách thức này, các nền kinh tế APEC khuyến nghị: Cần tập trung đặc biệt vào các kỹ năng, giáo dục và đào tạo để đảm bảo rằng những người tham gia thị trường lao động có khả năng tận dụng tốt những cơ hội mới.
Đại biểu các nền kinh tế APEC đã xem xét Khung phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số nhằm đưa ra một loạt các chính sách và biện pháp thích hợp nhằm hỗ trợ các nền kinh tế chuẩn bị cho những người tham gia thị trường lao động về những thách thức và cơ hội trong việc làm hiện tại và xa hơn trong tương lai, góp phần vào những sáng kiến và đóng góp của APEC vào những nỗ lực toàn cầu, bao gồm cả sáng kiến của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) “Tương lai việc làm” và những nỗ lực nhằm đạt được Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, cũng như tăng cường sự thịnh vượng chung cho khu vực.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và các đại biểu dự Đối thoại chính sách cao cấp “Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số”. Ảnh:Mạnh Dũng.
Đến Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế trong APEC
Diễn đàn “Phụ nữ và Kinh tế trong APEC” diễn ra từ 26 đến 29/9/2017 tại TP. Huế với chủ đề “Tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi”. Đối thoại có sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và gần 800 đại biểu, trong đó có hàng trăm đại biểu là nữ doanh nhân, các diễn giả, nhà quản lý cao cấp đến từ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế hàng đầu APEC.
Phát biểu tại Đối thoại công - tư về phụ nữ và kinh tế APEC 2017, Phó Chủ tịch nước cho rằng, quá trình toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những cơ hội để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, song cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn, nhất là đối với phụ nữ. Trước đó, Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó đề cao nhiệm vụ bảo đảm bình đẳng giới. Đây là khuôn khổ quan trọng để thúc đẩy hợp tác và phát triển trên phạm vi toàn cầu, trong đó nâng cao vai trò và đóng góp của phụ nữ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.
Tại Đối thoại, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Đối thoại cao cấp Phụ nữ và Kinh tế trong APEC 2017 cho biết, APEC hiện có khoảng 600 triệu phụ nữ tham gia lực lượng lao động, với hơn 60% ở khu vực chính thức, đây là nguồn lực và động lực dồi dào cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ chiếm 97% doanh nghiệp siêu nhỏ, tạo ra 50 - 80% việc làm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đóng góp từ 20 - 50% GDP trong các nền kinh tế APEC. Tuy vậy, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng dưới 35% xuất khẩu trực tiếp, thực tế này đòi hỏi APEC cần chú trọng hơn để phát triển về quy mô và nâng cao năng lực hội nhập khu vực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.
Diễn đàn đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp, trong đó có 3 nội dung nổi bật, gồm: Tuyên bố của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 được thông qua với những khuyến nghị chính sách quan trọng về 3 nội dung ưu tiên lớn: Thúc đẩy bình đẳng giới vì tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực. Tuyên bố nhận được sự đồng thuận và thống nhất cao của tất cả các bộ trưởng, trưởng đoàn tham dự.
Bản Tuyên bố này được trình lên các nhà lãnh đạo APEC tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 11/2017 tại TP.Đà Nẵng; văn kiện “Hướng dẫn lồng ghép giới trong APEC” (Gender Inclusion Guidelines) - sáng kiến của Việt Nam - được thông qua và nhất trí đưa vào triển khai thực hiện. Các bộ trưởng, trưởng đoàn khẳng định, đây là công cụ quan trọng để thực hiện các chương trình và chính sách bình đẳng giới tại APEC và cam kết sẽ phối hợp với các Diễn đàn khác trong APEC để thúc đẩy việc thực hiện lồng ghép giới của các nhà hoạch định chính sách và những người thực hiện ở tất cả các cấp.
Diễn đàn cũng thông qua các tiêu chí và hướng dẫn tiếp cận Quỹ về Phụ nữ và Kinh tế trong APEC, sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018, hứa hẹn mang đến cơ hội và nguồn lực nhiều hơn cho các nền kinh tế thực hiện các dự án, sáng kiến thúc đẩy quyền năng của phụ nữ.