Năm 2022 tỉnh Quảng Nam phấn đấu tạo việc làm tăng thêm cho 16 ngàn lao động
- Bài thuốc hay
- 16:53 - 11/01/2022
Trong năm 2021, bối cảnh kinh tế cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng tiếp tục gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là tác động nặng nề của dịch Covid-19. Tuy nhiên, sự chỉ đạo sâu sát của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương nên ngành LĐ-TB&XH Quảng Nam đã phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục chủ động, tăng cường công tác tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra.
Qua đó đã triển khai thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Sở LĐ-TB&XH đã kịp thời chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Trương Thị Lộc-GĐ sở LĐ-TB&XH cho biết: "Năm 2021 là năm đại dịch Covd-19 ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Quảng Nam nên đã tạo ra tác động trực tiếp đến các đối tượng thuộc chức năng quản lý của ngành, đời sống người dân, người lao động và doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, Ngành vẫn hoàn thành 7/9 chỉ tiêu được giao. Đây có thể xem là nỗ lực rất lớn của tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên và người lao động".
"Bên cạnh những kết quả rất lạc quan thì vẫn còn những chỉ tiêu cần phải có hướng khắc phục như tỷ lệ xuất khẩu lao động của tỉnh Quảng Nam còn rất thấp, chỉ đạt 200/2000 chỉ tiêu. Về vấn đề này, ngoài nguyên nhân khách quan là tình hình dịch bệnh, thị trường lao động ở một số nước truyền thống bị hoãn thì chúng ta cần phải đánh giá đúng tiềm năng của tỉnh nhà về nhu cầu này. Bản thân tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại hỏi về thủ tục đi làm việc ở Hàn Quốc, nhật Bản...chứng tỏ người lao động rất thiếu thông tin. Vì vậy, các ban chuyên môn và các địa phương cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền và nhất là phối hợp tuyên truyền. Ở dưới địa phương chúng ta có rất nhiều Hội đoàn thể có thể tham gia vào việc này. Tỉnh Thanh Hóa cũng bị dịch như chúng ta nhưng năm nào tỷ lệ xuất khẩu lao động của họ cũng rất cao. Đây là vấn đề mà chúng ta cần phải học tập, phải áp dụng những cách làm hay của họ, vì đây luôn được xem là 1 kênh xóa đói giảm nghèo rất bền vững", bà Trương Thị Lộc so sánh và đặt vấn đề.
Năm 2022, ngành LĐ-TB&XH Quảng Nam phấn đấu tổng chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2022 là 23.500 người (trong đó: cao đẳng, trung cấp: 4.650 người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng:18.850 người). Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 69%, trong đó có bằng chứng chỉ: 29%. Xuất khẩu lao động đạt 1000 người.
100% các đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện; các đối tượng khó khăn khác được hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày15/3/2021 của Chính phủ và Nghị quyết số 43/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021của HĐND tỉnh quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Tổ chức thực hiện tốt công tác trợ giúp xã hội dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2022; theo dõi chặt chẽ tình hình đời sống nhân dân khi có thiên tai hoặc dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh để kịp thời tham mưu UBND tỉnh phương án hỗ trợ. Tăng cường các hoạt động đối ngoại nhằm kêu gọi nguồn hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài nhằm hỗ trợ các điều kiện về kỹ thuật, vật chất, tinh thần cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là tranh thủ các nguồn lực vận động xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ người dân gặp khó khăn khi có thiên tai dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh.