CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:08

Năm 2022: Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế

Ông Vũ Trọng Bình- Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH)

Ông Vũ Trọng Bình- Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH)

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động được ban hành và triển khai quyết liệt, hiệu quả

Theo báo cáo của Cục Việc làm, từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới  hàng triệu lao động: 9,1 triệu quý I/2021; 12,8 triệu quý II/2021 và tới hơn 28,2 triệu người trong quý III/2021. Trong Quý III/2021 tình hình nghiêm trọng nhất: có 4,7 triệu lao động bị mất việc; 14,7 triệu lao động phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 12,0 triệu lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 18,9 triệu bị giảm thu nhập. Hầu hết những lao động bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi lao động, từ 25 đến 54 tuổi chiếm 73,3%.

Cả nước đều bị ảnh hưởng mức độ khác nhau, nhưng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất; số người lao động ở hai vùng này chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch lần lượt là 59,1% và 44,7%. Tỷ lệ này ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thấp hơn nhiều, lần lượt là 17,4% và 19,7%.

Ảnh hưởng tiêu cực đó thể hiện rất rõ ở thị trường lao động thời gian qua cụ thể :

 Nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng: Lực lượng lao động quý III/2021 là 49,1 triệu người, giảm 2 triệu người so với quý trước và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua: số lượng lao động có việc làm quý III là 47,2 triệu người, giảm gần 2,6 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020; Xu hướng chuyển dịch cơ cấu việc làm đảo chiều và Có sự suy giảm việc làm không đồng đều ở các vùng lãnh thổ

Tiền lương, thu nhập giảm, đời sống công nhân lao động gặp nhiều khó khăn: thu nhập bình quân tháng của lao động chỉ còn là 5,2 triệu đồng (quý III/2021), giảm 877 nghìn đồng so với quý trước và giảm 603 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2020.

Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao: Tỷ lệ thiếu việc làm quý III/2021 là 4,46% (hơn 1,8 triệu người), tăng 1,86% so với quý trước.

Có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh kéo theo nguy cơ thiếu hụt lao động tạm thời và áp lực giải quyết việc làm tại chỗ, nhất là thời điểm giáp Tết.

Năm 2021 ccũng là năm mà những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động được ban hành và triển khai quyết liệt, hiệu quả

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành chính sách hỗ trợ trực tiếp người lao động và doanh nghiệp theo Nghị quyết 68, Quyết định 23, Nghị quyết 116 và triển khai rất quyết liệt, qua đó đã góp phần tích cực, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến đời sống, việc làm và thị trường lao động. Các chính sách hỗ trợ cụ thể như sau:

Hỗ trợ người sử dụng lao động: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; hỗ trợ tiền mặt cho hộ kinh doanh.

Hỗ trợ người lao động ngừng việc; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch; hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Việc tham mưu xây dựng chính sách kịp thời, cơ bản hỗ trợ được người dân, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương và chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch. Các gói hỗ trợ đã được ban hành kịp thời, phù hợp với diễn biến, ảnh hưởng của dịch bệnh và tương đồng với cách tiếp cận của nhiều quốc gia trên thế giới.

Về kết quả thực hiện những mục tiêu, kế hoạch về việc làm năm 2021, ông Vũ Trọng Bình- Cục trưởng Cục Việc làm cho biết:

Về tình hình thực hiện chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ: Tỷ lệ lao động qua đào tạo 9 tháng đầu năm 2021 65,6% (Tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019), ước tính cả năm 2021 là 66% (đạt so với kế hoạch đề ra); trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ 9 tháng đầu năm  là 26,1% (tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019), đã vượt so kế hoạch đề ra cả năm 2021 (25,5%).

Chỉ tiêu ngành: Ước đến hết 31/11/2021, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là khoảng 12,768 triệu người, chiếm 25,65% lực lượng lao động trong độ tuổi (giảm 266 triệu người (2,04%) so với cùng kỳ năm 2020).

Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất và hội nhập

Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất và hội nhập

Năm 2022: Triển khai nhiều giải pháp để phục hồi và phát triển thị trường lao động

Theo Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, kinh tế phục hồi sẽ thúc đẩy thị trường lao động Việt Nam phục hồi tiến tới đạt được các mục tiêu về lao động, việc làm, an sinh xã hội. Tuy nhiên, dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp, khó kiểm soát ở một số địa bàn làm cho khả năng phục hồi và phát triển thị trường lao động vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở một số khu vực. Dự báo trong năm 2022 với kịch bản khả quan nhất (dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đến hết quý I/2021 hoàn thành mục tiêu về tỷ lệ dân số được tiêm phòng covid-19) thì đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến hơn 5 triệu lao động, vẫn còn tình trạng mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ, thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm phía nam trong khi tại các tỉnh, thành phố dư cung lao động lại thiếu việc làm.

"Mục tiêu đặt ra trong năm tới là từng bước phục hồi và phát triển thị trường lao động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạn chế thấp nhất những tiêu cực từ dịch bệnh tới thị trường lao động; Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập nhằm thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển nguồn nhân lực để phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung trong thời gian tới.", ông Bình nhấn mạnh.  

Đề cập đến những giải pháp cụ thể để phục hồi và phát triển thị trường lao động trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết,Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Quyết định 1405 về Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển lao động, trong đó có nhấn mạnh đến 6 nhiệm vụ chính:

 Thứ nhất,  Nghiên cứu xây dựng và tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thu hút người lao động quay trở lại làm việc.

Thứ hai,  Hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Thứ ba, Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển lao động với 4 giải pháp chính là: Tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cơ bản cho người lao động để kịp thời cung ứng cho doanh nghiệp, hoặc vùng kinh tế trọng điểm; Nâng cao chất lượng nguồn cung lao động; Chuyển đổi số và dạy học trực tiếp trong giáo dục nghề nghiệp; Đầu tư vào các trường chất lượng cao.

Thứ tư,  Hỗ trợ kết nối cung – cầu lao động, trên cơ sở nắm chắc diễn biến của cung – cầu lao động, cả về số lượng, ngành nghề, trình độ.Trong số này, nhiệm vụ kết nối cung – cầu lao động sẽ được thực hiện thông qua việc tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm; đa dạng hóa các hình thức, chuyên đề của các phiên; tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến trong vùng hoặc toàn quốc.

Thứ năm, Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, lành mạnh và ổn định nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực. Trong đó, Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 là cơ sở để Bộ hoàn thiện các quy định về lao động, việc làm, tạo hành lang pháp lý cho thị trường phục hồi trong trạng thái bình thường mới.

Bộ sẽ sửa đổi, bổ sung các Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giáo dục nghề nghiệp; xây dựng dữ liệu về lao động, việc làm và chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội…

Thứ sáu là  xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ lao động, hòa giải viên, trọng tài viên để giải quyết kịp thời tranh chấp lao động và đình công. Ngoài ra, quan hệ lao động trong doanh nghiệp cũng sẽ được chủ động nắm bắt.

Các mục tiêu cụ thể về lao động- việc làm năm 2022

Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%.

Hỗ trợ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất kinh doanh; đặc biệt hỗ trợ để thu hút người lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc;

Kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, phát triển thông tin thị trường lao động, hỗ trợ người lao động để kết nối việc làm thành công hỗ trợ tìm việc làm bền vững cho người lao động;

Thiết lập hệ thống thông tin, dữ liệu kịp thời phục vụ hoạt động kết nối cung - cầu lao động; tạo môi trường điều kiện để người lao động và người sử dụng lao động gặp gỡ, trao đổi thông tin về lao động, việc làm.

 

Hà Phương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh