THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:04

Năm 2022, phân bổ 10.000 tỷ đồng ngân sách Trung ương cho phòng, chống dịch

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV, sáng ngày 13/11, tại Nhà Quốc hội, với 473/475 đại biểu Quốc hội tham gia (chiếm 94,79%) tán thành thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022.

Trước đó, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.

Về phương án phân bổ  NSTW năm 2022: Nhiều ý kiến đề nghị tăng chi cho lĩnh vực y tế, đặc biệt là chi cho phòng, chống dịch COVID-19, cho y tế cơ sở, y tế dự phòng. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, mặc dù NSNN còn khó khăn, NSTW năm 2021 dự kiến hụt thu nhưng việc bố trí chi cho lĩnh vực y tế, đặc biệt là chi cho phòng, chống dịch luôn là ưu tiên hàng đầu.

Dự kiến phân bổ NSTW năm 2022, chi sự nghiệp y tế tăng khá cao so với dự toán năm 2021 và đã bố trí dự toán thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, kinh phí mua thuốc, vắc xin, trang thiết bị, phương tiện y tế. Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên giai đoạn 2022-2025 đã quy định tiếp tục bố trí chi cho y tế dự phòng đạt tối thiểu 30% ngân sách y tế và ưu tiên cho y tế cơ sở.

Bên cạnh đó, Quỹ Phòng, chống COVID-19 là nguồn lực quan trọng cho công tác phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, để tiếp tục tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực y tế trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trong điều hành Ngân sách Nhà nước năm 2022, chủ động cân đối nguồn lực, tiếp tục thực hiện tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi chưa cần thiết để dành nguồn bổ sung cho lĩnh vực y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đồng thời, để bảo đảm việc thanh toán, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế ban hành hướng dẫn sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế khi thanh toán chi phí cho người bị nhiễm COVID-19.

1

Một số ý kiến đề nghị tăng chi an sinh xã hội, hỗ trợ cho người nghèo, người yếu thế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội là xác đáng, người nghèo, người yếu thế cần được quan tâm, hỗ trợ, bảo đảm đời sống nhất là trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh.

"Vì vậy, trong phương án phân bổ NSTW năm 2022 đã dự kiến bố trí chi bảo đảm xã hội, nếu tính cả ngân sách địa phương thì tổng chi NSNN cho lĩnh vực bảo đảm xã hội khoảng 11,9% tổng chi thường xuyên NSNN, cơ bản đáp ứng việc thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, hỗ trợ y tế, trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chấp thuận như phương án Chính phủ trình", ông Nguyễn Phú Cường nói.

Cũng theo ông Cường, có ý kiến đề nghị bố trí tăng cho dự phòng NSTW để bảo đảm đáp ứng chi phòng, chống dịch trong năm 2022.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo giải trình như sau: Dự phòng NSNN năm 2022 dự kiến đã ưu tiên bố trí cao hơn năm 2021, trong đó dự phòng NSTW tăng 17% so với dự toán 2021, dự phòng ngân sách địa phương tăng 8,8% so với dự toán 2021; dự kiến chi dự trữ quốc gia bố trí tương ứng tăng 41,7% so với dự toán năm 2021; phương án phân bổ NSTW năm 2022 đã bố trí riêng chi cho phòng, chống dịch. Như vậy, trong điều kiện ngân sách khó khăn, dự toán năm 2022 đã cố gắng bố trí dự phòng ở mức cao hơn.

Hơn nữa, nhu cầu chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cũng đều là những nhiệm vụ cấp bách trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chấp thuận phương án như Chính phủ trình.

"Đồng thời, trong điều hành, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cắt, giảm các nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết, không có khả năng triển khai, chậm phân bổ trong năm và tăng cường các giải pháp tăng thu nhằm đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống dịch, an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Nghị quyết gồm 4 điều và 7 phụ lục kèm theo, trong đó Quốc hội nhất trí tổng số thu và chi ngân sách Trung ương năm 2022 gồm: Tổng số thu ngân sách Trung ương là 739.132 tỷ đồng; tổng số thu ngân sách địa phương là 672.568 tỷ đồng.

Còn tổng số chi ngân sách Trung ương là 1.087.032 tỷ đồng, trong đó dự toán 359.982 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Quốc hội phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 theo từng lĩnh vực và chi tiết cho từng Bộ, cơ quan Trung ương.

Trong đó, tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; số bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương.

Còn tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và số bổ sung cân đối của ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương áp dụng riêng cho năm 2022. Căn cứ tình hình thực tế, năm 2023, Quốc hội sẽ quy định lại cho phù hợp.

Quốc hội giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước và mức phân bổ ngân sách Trung ương cho từng Bộ, cơ quan Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối với một số khoản chi đã có cơ chế, chính sách xác định được nhiệm vụ nhưng chưa đủ cơ sở để phân bổ cho các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát, phân bổ cụ thể theo đúng quy định của pháp luật.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh