CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:10

Năm 2021: Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo thực hiện rất tốt các nhiệm vụ được giao

Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, Chương trình giảm nghèo

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo Nguyễn Lê Bình cho biết, năm 2021 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ giảm nghèo năm 2021 rất nặng nề. Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Lãnh đạo Bộ, Ban cán sự đảng Bộ, cùng sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, công tác giảm nghèo năm 2021 đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra.

 
Thứ trưởng Lê Văn Thanh và Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Tô Đức chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh và Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Tô Đức chủ trì hội nghị.

Hệ thống cơ chế, chính sách, chương trình giảm nghèo đã tạo điều kiện cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm nghèo bền vững, góp phần hạn chế tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Cơ chế, chính sách hỗ trợ được triển khai đầy đủ, toàn diện, đồng bộ, đáp ứng cơ bản nhu cầu thiết yếu của người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực không bị giãn cách xã hội, góp phần giải quyết những khó khăn, tác động của đại dịch Covid-19, qua đó đạt được một số kết quả nổi bật.

Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 22/12/2021 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể; cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở cụ thể hóa thành kế hoạch hằng năm của cấp ủy, chính quyền để triển khai thực hiện.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí tối thiểu 75 nghìn tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025. Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình giảm nghèo.

Chính phủ ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 với chuẩn thu nhập bằng mức sống tối thiểu. Tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách giảm nghèo cho người dân với khoảng 20 nghìn tỷ đồng được bố trí từ ngân sách bảo đảm thực hiện. “Các chính sách hỗ trợ toàn diện cho người dân như hỗ trợ bảo hiểm y tế; miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ tiền điện, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối việc làm; hỗ trợ nhà ở, nước sạch và vệ sinh; giảm nghèo về thông tin. Riêng vay vốn tín dụng xã hội tính đến ngày 31/12/2021 giải ngân hơn 31.695 tỷ đồng cho 656.290 hộ (127.198 hộ nghèo, 233.662 hộ cận nghèo, 295.349 hộ mới thoát nghèo); tổng dư nợ 107.153 tỷ đồng với 2.683.039 khách hàng đang dư nợ”, ông Bình thông tin.

Nhằm kịp thời hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Văn phòng đã tham mưu chính sách hỗ trợ tiền mặt, lương thực, chăm sóc y tế, hỗ trợ máy tính, dịch vụ internet phục vụ học tập trực tuyến cho trẻ em nghèo; hỗ trợ chi phí nước sinh hoạt; hỗ trợ hộ nghèo thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội.

Năm 2022, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1-1,5%/năm

Mục tiêu năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Tô Đức.

Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Tô Đức.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá, năm 2021, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo thực hiện rất tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt trong đó có nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản lĩnh vực giảm nghèo. Văn phòng đã làm tốt công tác tham mưu xây dựng chính sách, giải quyết những nhiệm vụ cấp bách, kịp thời (thiên tai, dịch bệnh), tổ chức nhiều lớp tập huấn về rà soát hộ nghèo… Cùng với đó, phối hợp Ban, Bộ, Ngành để triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo.

Thứ trưởng đề nghị Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo tham mưu tổ chức ngay Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021-2025 đảm bảo có trọng tâm trọng điểm, tránh trùng lắp. Rà soát các chính sách giảm nghèo: Giảm cho không, tăng cường hỗ trợ có điều kiện, cho vay. Phối hợp Ủy ban mặt trận xây dựng phong trào hỗ trợ người nghèo không để ai ở lại phía sau.

Cùng với đó, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo tham mưu thành lập tổ công tác giảm nghèo bền vững do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH làm Tổ trưởng. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực để đảm bảo công tác giảm nghèo. “Năm 2022 cần đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo. Chọn phương thức truyền thông linh hoạt, nội dung sâu sắc, hình thức phong phú, phù hợp đối tượng. cùng với đó phát hiện mô hình hay tốt để khen thưởng kịp thời”, Thứ trưởng chỉ đạo.

Đặc biệt chú trộng công tác kiểm tra giám sát để tránh lợi dụng chính sách và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Theo kết quả điều tra, năm 2021 giảm 0,52% tỷ lệ hộ nghèo (từ 2,75% cuối năm 2020 xuống còn 2,23% cuối năm 2021); giảm 0,34% tỷ lệ hộ cận nghèo (từ 3,71% cuối năm 2020 xuống còn 3,37% cuối năm 2021). Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo thấp do năm 2021 vẫn tiếp tục áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 (chuẩn thu nhập chỉ còn bằng khoảng 45% mức sống tối thiểu nên đây là những người nghèo nhất); nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên không thoát được nghèo, thậm chí tái nghèo hoặc phát sinh nghèo mới.

VÂN KHÁNH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh