THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 10:26

Năm 2021: Định hình Chiến lược kinh doanh trong bối cảnh mới

Ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, chỉ rõ, bối cảnh thế giới 2021 vẫn tiềm ẩn rất nhiều bất trắc từ COVID-19 (chưa thể được kiểm soát cho dù có vaccine) và các căng thẳng thương mại quốc tế song phương. 

Động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam thời gian tới sẽ đến từ phục hồi sức mua thị trường nội địa, đầu tư tư nhân và xuất khẩu sang EU và ASEAN. 

Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và chủ động đàm phán với các đối tác thương mại lớn cần phải là ưu tiên chính sách trong năm nay để hỗ trợ cho tăng trưởng trong bối cảnh chúng ta vẫn phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đi lại quốc tế.

Như vậy, chúng ta thấy rằng, để phát triển kinh tế trong năm 2021, sức bật quan trọng và hàng đầu là từ nội lực. 

Điều đó đã được chứng minh trong suốt năm 2020 vừa qua khi mà trong mối tương quan với sự thay đổi của thế giới và sự tác động kéo dài của đại dịch COVID-19, nền kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dương khi đạt mức 2,4% và Việt Nam là một trong 4 nền kinh tế trên thế giới có được sự tăng trưởng về GDP bình quân đầu người (Việt Nam, Đài Loan-Trung Quốc, Ai Cập và Trung Quốc).

TS Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh, năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước. 

Thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội trong nước và đối ngoại giai đoạn 2016-2020 và đặc biệt là năm 2020 trong bối cảnh suy thoái và khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu, đã mang lại nhiều ý nghĩa chiến lược và thực tiễn đối với các mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 và các năm tiếp theo.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, năm 2021 sẽ là năm đầu tiên của chu kỳ kinh tế tăng trưởng của Việt Nam, dựa trên 6 yếu tố: cải cách thể chế; nâng cao hiệu quả vốn đầu tư; nâng cao hiệu suất lao động; khai thác thế mạnh của các hiệp định thương mại và công nghệ số.

Đại diện cho NHNN – cơ quan chủ lực trong cung ứng vốn cho nền kinh tế, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN chia sẻ, trên cơ sở những kết quả tích cực của điều hành chính sách tiền tệ năm 2020, trong năm 2021 NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách vĩ mô khác, tăng cường hoạt động quản lý, thanh tra, giám sát nhằm duy trì ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. 

Bên cạnh đó, NHNN sẽ thúc đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho hoạt động Fintech nhằm tận dụng tốt cơ hội để phát triển kinh tế số tại Việt Nam nói chung và trong ngành ngân hàng nói riêng.

Việc 16 FTA được sở hữu bởi Việt Nam sẽ giúp Việt Nam giữ vị trí thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Singapore về số lượng FTA thực chất và hiệu quả. 

Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng chiến lược cụ thể và phù hợp để có thể tối ưu hóa được lợi ích từ các FTA mà Chính phủ đã đàm phán thành công để tạo đà cho phát triển lâu dài và bền vững.

Theo ông Nguyễn Trọng Phi, Ủy viên BCH LEFASO, Chủ tịch Giovanni Group, với những hiệp định FTA mới, ngành dệt may, da giày Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá trong năm 2021. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần nhìn nhận lại chiến lược phát triển, đặc biệt là vị trí của Việt Nam trên chuỗi giá trị toàn cầu của ngành.

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh