CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:08

Năm 2018: Quản lý hộ nghèo trên một hệ thống thông tin

 

Hộ nghèo được hỗ trợ chăn nuôi bò sữa. Nguồn Internet.

 

Hiện cơ sở dữ liệu đang quản lý hơn 2,3 triệu hộ nghèo, hơn 1,2 triệu hộ cận nghèo, hơn 2,3 triệu hộ có đối tượng bảo trợ xã hội. Trên nền tảng cơ sở dữ liệu gốc của năm 2015, các địa phương đang tiếp tục cập nhật dữ liệu cho năm 2017. Cơ sở dữ liệu gồm 5 trường thông tin định danh đối với gia đình và 13 trường thông tin định danh đối với thành viên gia đình, sau này có khả năng kết nối với cơ sở dữ liệu của BHXH Việt Nam và các cơ sở dữ liệu thành phần khác trong tương lai của hệ thống an sinh xã hội.

Trước mắt, theo bà Đỗ Minh Hoài cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ cho việc chi trả gói trợ cấp gia đình được thí điểm trong dự án tại 4 tỉnh: Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng, Trà Vinh, bằng cách tích hợp một số chính sách trợ giúp xã hội khác nhau thành một gói trợ cấp. “Việc tích hợp thí điểm các chính sách được thực hiện trên 3 phương diện. Tích hợp về mặt chính sách, tức là đưa các chính sách trợ giúp xã hội khác nhau thành một gói trợ cấp hộ gia đình, chi trả theo gia đình hàng tháng thay vì chi trả theo từng đối tượng của từng chính sách. Tích hợp về mặt thông tin, tức là sử dụng chung một cơ sở dữ liệu về các đối tượng thụ hưởng. Tích hợp về mặt quy trình, tức là sử dụng hệ thống MIS và cơ sở dữ liệu để theo dõi, quản lý và chi trả trợ cấp cho đối tượng, sử dụng chung một cơ quan chi trả độc lập và Tổng Cty Bưu điện Việt Nam”, bà Hoài cho biết.

Cũng theo bà Hoài, việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia và hệ thống MIS trong chi trả gói trợ cấp gia đình giúp giảm thời gian thẩm tra hồ sơ, đơn giản trong quản lý danh sách đối tượng. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu cũng giúp nâng cao tính minh bạch và loại trừ tối đa các trường hợp trùng lắp đối tượng vì mỗi gia đình được quản lý bằng một ID riêng. Hệ thống sẽ tự cảnh báo các trường hợp có khả năng trùng lắp để cán bộ có thể rà soát lại thông tin khi nhập một đối tượng hoặc một hệ gia đình vốn đã có trong hệ thống.

Do loại trừ tối đa các trường hợp trùng lắp nên thông tin đối tượng có thể được chia sẻ với các ngành khác như bảo hiểm xã hội, giáo dục đào tạo… Hệ thống MIS cũng hỗ trợ cung cấp danh sách cho các ngành khác theo đúng mẫu biểu mà ngành đó yêu cầu. Đặc biệt, trong chi trả trợ cấp thông qua cơ quan chi trả độc lập, Ban Quản lý dự án SASSP đã phối hợp cùng với Tổng Cty Bưu điện Việt Nam phát triển chức năng tích hợp hai hệ thống MIS và HCC (hành chính công của Tổng Cty Bưu điện) phục vụ công tác chi trả và thanh quyết toán. Sự hoạt động của hai hệ thống sẽ giảm tải công việc và thời gian cho cán bộ hai ngành LĐ-TB&XH và ngành bưu điện trong thanh quyết toán chi trả và quản lý dữ liệu chi trả.

Ngoài ra, hệ thống MIS còn hỗ trợ tích cực cho cán bộ cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện giám sát và theo dõi dữ liệu nghèo và bảo trợ xã hội mọi lúc và mọi nơi, đáp ứng yêu cầu về dữ liệu phục vụ cho hoạch định chính sách hay dự báo số lượng đối tượng một các nhanh chóng, chính xác theo yêu cầu quản lý của các cấp. Dự kiến, hệ thống MIS sẽ được triển khai trên toàn quốc và chính thức sử dụng vào giữa năm 2018.

Cơ sở dữ liệu về trợ giúp xã hội hiện nay bao gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo và các thông tin về các thành viên trong hộ gia đình; đối tượng hưởng lợi của Nghị định 136/2013/ NĐ-CP ngày 21/10/2013; đối tượng hưởng hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP; đối tượng học sinh trung học phổ thông thuộc xã, thôn đặc biệt khó khăn và người Kinh thuộc  hộ nghèo hưởng lợi theo Nghị  định 116/2016/NĐ-CP; đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ thí điểm của dự án.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh