THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:43

Năm 2018: Phấn đấu đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài

Đài Loan, Nhật Bản vẫn là thị trường trọng điểm
Qua đánh giá của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong năm 2017, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Một số thị trường xuất khẩu lao động chính tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam cao như thị trường: Đài Loan, Nhật bản. Các thị trường khác vẫn có nhu cầu tiếp nhận ổn định, riêng thị trường Nhật Bản nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam ngày càng tăng, đa dạng về ngành nghề. Một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng một số nhóm ngành nghề mới mà Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt, có nhu cầu đưa đi như điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động khi lựa chọn phương án đi làm việc ở nước ngoài. Năm qua, một số thị trường châu Âu đang có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài như: Rumani, Ba Lan, Na Uy bước đầu có lời mời hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực y tế, điều dưỡng.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã và đang từng bước chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ngoài nước. Đồng thời, quan tâm đầu tư bài bản trong công tác đào tạo nguồn và đào tạo lao động về tay nghề, ngoại ngữ trước khi xuất cảnh cũng như tác phong kỷ luật lao động và ý thức chấp hành kỷ luật khi làm việc ở nước ngoài, điển hình là công tác đưa lao động sang thự tập kỹ năng, hộ lý và điều dưỡng tại Nhật Bản; Tập trung chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác xuất khẩu lao động.
Giờ thực hành của điều dưỡng viên đi làm việc tại Nhật Bản
 
Năm 2017, cả nước đưa được 134.751 lao động (trong đó, có 53.340 lao động nữ; chiếm 39,6%); vượt 28,3% so với kế hoạch năm và bằng 106,7% so với tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2016. Đây là năm thứ tư liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm. Trong đó, thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc với 54.504 lao động (trong đó, có 24.502 lao động nữ), tăng 36,47% so với năm 2016, nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản lên hơn 100 nghìn người (nhiều nhất  trong 15 nước có thực tập sinh tại Nhật Bản).
Đối với thị trường Đài Loan, tổng số lao động đi làm việc đạt gần 67.000 lao động (trong đó, có 23.530 lao động nữ), chiếm gần 50% tổng số lao động Việt Nam được đưa đi làm việc tại các thị trường trong năm. Tính đến hết năm 2017, số lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan hơn 206.000 người, đứng sau Indonesia, trong đó lao động làm việc trong ngành sản xuất công nghiệp chiếm trên 87%, dịch vụ xã hội chiếm 13%.
Tại thị trường Hàn Quốc, hiện có hơn 5.100 lao động, trong đó có 3.023 lao động EPS, 1.975 lao động thuyền viên gần bờ, xa bờ, lao động kỹ thuật. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động theo Chương trình EPS và lộ trình giảm lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Cục đã triển khai tổ chức các kỳ thi tiếng Hàn trong các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng, ngư nghiệp và nông nghiệp theo Chương trình EPS năm 2017 cho 18.140 người lao động. Kết quả trúng tuyển đạt tỷ lệ khá cao với 75% trong số 647 người dự thi.Ngoài ra, một số thị trường khác như: Ả rập Xê út đưa đươc 3.626 lao động, Malaysia 1.551 người, còn lại là các thị trường khác trên 3.000 lao động.
Năm 2018: Giữ ổn định các thị trường trọng điểm, nâng cao chất lượng nguồn lao động
Năm 2018, Cục Quản lý lao động ngoài nước đề ra mục tiêu phấn đấu đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (trong đó, lao động nữ chiếm 40%). Nhiều giải pháp đã được Cục đưa ra  để đạt đươc mục tiêu trên như: giữ vững ổn định một số thị trường chính như Đài Loan, Nhật Bản; Nâng cao chất lượng nguồn lao động đưa đi làm việc tại nước ngoài vừa đảm bảo tính thu nhập, cạnh tranh, trong đó phối hợp chặt chẽ với giáo dục nghề nghiệp từ khâu đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề, giáo dục định hướng cho lao động trước khi xuất cảnh; Tăng cường công tác quản lý đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài; Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Có chiến lược truyền thông chung của ngành về vấn đề đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để toàn xã hội thấy được vai trò, trách nhiệm của Bộ, của doanh nghiệp và người dân trong hoạt động xuất khẩu lao động; Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý phát sinh liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động v.v...
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp kiêm nhiệm Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, để đạt mục tiêu trên, năm 2018,  Cục Quản lý lao động ngoài nước cần tập trung triển khai một số công việc như: Phối hợp với Vụ Pháp chế trong việc sửa đổi Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Công tác thanh tra chuyên ngành cần có đổi mới; Đẩy mạnh việc quản lý doanh nghiệp, chấn chỉnh hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với 3 tiêu chí chọn đúng người, minh bạch và có kế hoạch khi lao động quay trở về nước. Bên cạnh đó,  công tác thông tin tuyên truyền cũng cần đổi mới để đạt hiệu quả cao hơn.
Lao động Việt Nam chờ xuất cảnh
 
Nhận định về thị trường lao động ngoài nước trong năm tới, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, các thị trường truyền thống như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn có nhu cầu tiếp nhận lao động cao. Thị trường Hàn Quốc mỗi năm vẫn cần khoảng 60 ngàn lao động, chia đều cho các nước. Thị trường Đài Loan vẫn có nhu cầu tuyển dụng gần bằng năm ngoái. 
“Riêng thị trường Nhật Bản hiện mở thêm nghề trợ lí điều dưỡng cho phép tuyển lao động Việt Nam sang làm việc. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã chỉ đạo Cục QLLĐNN đàm phán với các cơ quan chức năng của Nhật Bản để đảm bảo quyền lợi cho người lao động về mức lương, chi phí xa nhà, còn chi phí hỗ trợ đào tạo sẽ do phía các DN Nhật Bản chi trả”-  Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói và  cho biết thêm, lĩnh vực này phía Nhật Bản đang có nhu cầu rất lớn nên các yêu cầu đám phán đưa ra gần như đã được chấp nhận, tuy nhiên chi phí của ngành này sẽ cao hơn các ngành khác. Đây cũng là ngành nghề mới nên việc triển khai cần thận trọng, bởi vì phía Nhật Bản yêu cầu trước khi sang nước này làm việc, người lao động phải đạt trình độ tiếng Nhật N4, trong một năm làm việc phải đạt được N3, nếu không đạt được chuẩn này sẽ phải quay về nước. Cùng với đó, nếu DN nào có thể hỗ trợ các thực tập sinh điều dưỡng cải thiện được ngôn ngữ thì tiếp tục làm. Nhưng nếu sau một năm những DN này có số thực tập sinh quay về nước từ 20% sẽ bị từ chối tiếp nhận. “Những DN nào không đáp ứng được yêu cầu thì sẽ phải đứng sang một bên để không làm “hỏng” việc hợp tác giữa hai Chính phủ”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.
 

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh